'Miễn tội' với người buôn pháo nổ bị bắt trước ngày 1/1
Từ ngày 1/7/2015 đến ngày 1/1/2017, hành vi kinh doanh pháo nổ không bị coi là hành vi phạm tội và người thực hiện không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại Nghị định số 59/2006/NĐ-CP, “các loại pháo” thuộc Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, nghĩa là các loại pháo là hàng cấm. Do đó, theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 1999, hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán các loại pháo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm.
Tuy vậy, với sự ra đời của Luật Đầu tư năm 2014, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, đã làm thay đổi tính pháp lý của hành vi kinh doanh các loại pháo, pháo nổ. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi kinh doanh các loại pháo, pháo nổ cũng có sự thay đổi đáng kể, tùy theo thời điểm thực hiện hành vi tương ứng với thời điểm có hiệu lực của Luật Đầu tư năm 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư năm 2014.
Một vụ buôn bán pháo được Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ. Ảnh tư liệu |
Bởi theo Phụ lục IV Luật Đầu tư năm 2014, “kinh doanh các loại pháo” được xác định là ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Nghĩa là kể từ thời điểm Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực, các loại pháo không còn bị xem là hàng cấm và hành vi kinh doanh các loại pháo, pháo nổ (sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán) không còn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, ngày 22/11/2016, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư năm 2014 (Luật sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư năm 2014), trong đó có bổ sung quy định “kinh doanh pháo nổ” vào ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (Điều 6).
Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2017. Như vậy, kể từ thời điểm này, “pháo nổ” lại bị xem là hàng cấm như quy định trước đó. Vì thế hành vi kinh doanh pháo nổ vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm theo quy định của Bộ luật Hình sự. Quy định này chỉ cấm đầu tư, kinh doanh “pháo nổ”, chứ không phải các loại pháo nói chung. Do đó chỉ có “pháo nổ” mới bị xem là hàng cấm theo quy định của pháp luật chứ không phải tất cả các loại pháo đều là hàng cấm.
Với sự thay đổi của pháp luật nêu trên, việc xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi kinh doanh pháo nổ cũng có sự khác nhau đáng kể theo từng giai đoạn. Để áp dụng đúng và thống nhất quy định của pháp luật trong việc xử lý các hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo nổ trong nội địa, ngày 28/4/2017, TAND Tối cao đã ban hành Công văn số 91/TANDTC-PC hướng dẫn về việc xử lý hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo nổ trong nội địa.
Theo đó, kể từ ngày 1/7/2015 (ngày Luật đầu tư năm 2014 có hiệu lực thi hành) đến ngày 1/1/2017 (ngày Luật sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư năm 2014 có hiệu lực thi hành), không xác định pháo nổ là hàng cấm và không xử lý hình sự đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo nổ trong nội địa theo quy định tại Điều 155 của Bộ luật Hình sự. Cụ thể:
- Đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo nổ trong nội địa xảy ra trước 0h00 ngày 1/7/2015, nếu vụ án đang trong giai đoạn xét xử thì Tòa án phải mở phiên tòa và căn cứ vào Điều 25 Bộ luật hình sự năm 1999 miễn trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.
Khi miễn trách nhiệm hình sự, Tòa án phải ghi rõ trong bản án lý do của việc miễn trách nhiệm hình sự là do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội đến mức phải xử lý hình sự; người được miễn trách nhiệm hình sự không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Trường hợp người bị kết án mà bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án thì được miễn toàn bộ hình phạt; trường hợp người đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.
Khi miễn chấp hành hình phạt, Tòa án phải ghi rõ trong quyết định miễn chấp hành hình phạt lý do của việc miễn chấp hành hình phạt là do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; người được miễn chấp hành hình phạt không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Những người đã chấp hành xong hình phạt, được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt hoặc hình phạt còn lại thì đương nhiên được xóa án tích.
- Đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo nổ trong nội địa xảy ra từ 0h ngày 1/7/2015 đến 0h ngày 1/1/2017, nếu vụ án đang trong giai đoạn xét xử thì Tòa án phải mở phiên tòa và căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 và các quy định pháp luật có liên quan để tuyên bố bị cáo không phạm tội và đình chỉ vụ án.
Trường hợp người bị kết án mà bản án đã có hiệu lực pháp luật thì chánh án tòa án đã xét xử sơ thẩm rà soát, báo cáo ngay người có thẩm quyền kháng nghị để xem xét kháng nghị giám đốc thẩm bản án theo quy định của pháp luật.
- Đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo nổ trong nội địa được thực hiện kể từ 0h00 ngày 1/1/2017 thì tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 06/TANDTC-PC ngày 19/01/2017 của TAND Tối cao và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC để xử lý.
Như vậy, trong giai đoạn từ ngày 1/7/2015 đến ngày 1/1/2017, hành vi kinh doanh pháo nổ không bị coi là hành vi phạm tội và người thực hiện không phải chịu trách nhiệm hình sự, chỉ phải chịu trách nhiệm hành chính.
Theo Công văn số 91/TANDTC-PC, trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày ra bản án, quyết định về việc miễn trách nhiệm hình sự, tuyên bố bị cáo không phạm tội và đình chỉ vụ án, Tòa án phải chuyển bản án, quyết định nêu trên kèm theo hồ sơ, tang vật, phương tiện vi phạm và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 63 Luật xử lý vi phạm hành chính. Kể từ ngày 1/1/2017, hành vi kinh doanh pháo nổ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định.
Theo VNE
TIN LIÊN QUAN |
---|