Tôi có cơ duyên được gặp Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Huy Bích cách đây ít năm, khi cần tìm hiểu một số thông tin về lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện Hưng Nguyên. Gặp ông trong căn nhà có khoảng vườn rộng nằm bên cạnh Quốc lộ 46, biết tôi muốn tìm hiểu về mảnh đất Hưng Nguyên, nơi từng được người Nhật khoanh đỏ trên tấm bản đồ thời phong kiến, rồi giong buồm, lái thuyền đến buôn bán tấp nập bên dòng sông Lam, ông khệ nệ bưng ra một chồng sách – là “vốn liếng” quý giá mà ông tích góp được trong suốt hơn 15 năm nghiên cứu của mình. Trong đó, có 5 cuốn ông viết riêng và 2 cuốn viết chung. Cuốn nào cũng để lại những giá trị to lớn, nhiều cuốn được tôn vinh bằng Giải thưởng Văn học nghệ thuật mang tên nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Ấn tượng nhất là cuốn “Địa chí văn hóa Hưng Nguyên” với gần 1.000 trang, ngồn ngộn những tư liệu quý giá mà ông cùng với Phó Giáo sư Ninh Viết Giao dày công biên soạn và xuất bản năm 2009. Đây được xem là một “cẩm nang” về văn hóa Hưng Nguyên, là kết quả của sự cố gắng đến “sức cùng, lực kiệt” trong việc tìm hiểu, tập hợp tư liệu, qua những ngày ròng rã đi điền dã, lục tung các kho lưu trữ, trong các thư tịch ở thư viện… để làm sáng rõ những giá trị văn hóa, lịch sử nơi mảnh đất này.
Rồi cả cuốn “Trầm tích văn hóa Hưng Nguyên”, là tập hợp những bài viết, khai thác từ di sản Hán Nôm trên địa bàn Hưng Nguyên mà ông đã mất rất nhiều thời gian nghiên cứu, biên dịch. Cung cấp cho các nhà nghiên cứu cũng như người dân có nhu cầu tìm hiểu về mảnh đất Hưng Nguyên một cái nhìn từ toàn cảnh, cho đến những cứ liệu sâu sắc nhất.
Có lẽ Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Huy Bích đã quá “nổi tiếng” trong giới nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian Nghệ An. Nhưng ít ai biết rằng, ông đến với Hán Nôm khá muộn, chưa nói là “đi sau”. Mãi đến năm 2005 khi nghỉ hưu, ông mới có trọn thời gian cho việc tự học Hán văn. Bởi trước đó, trong suốt thời gian theo học Trường cấp 3 Vinh (nay là THPT Huỳnh Thúc Kháng), từ 1961 – 1964; hay 11 năm đằng đẵng ôm súng tham gia cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước (1964-1975); rồi 4 năm theo học tại khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Huế (1975-1979); đến khi ra trường đi dạy, và làm cán bộ quản lý, ông chỉ biết “bập bõm” mấy nét cơ bản của chữ Hán. Mà đâu có bài bản gì, chỉ là tự học qua chương trình học tiếng Trung trên radio hay từ những cuốn giáo trình được photo lại hàng chục lần đến mờ cả chữ.
Ông bảo, lịch sử Việt Nam nói chung và mảnh đất xứ Nghệ nói riêng, chịu nhiều ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa, nhất là chữ viết. Hàng trăm năm trước, việc lưu trữ thông tin, tri thức trong tất cả các lĩnh vực tự nhiên, xã hội, đều được biểu đạt qua văn tự này. Riêng Việt Nam, ngoài chữ Hán còn sử dụng thêm chữ Nôm. Khi chữ Quốc ngữ ra đời, chữ Hán, chữ Nôm đã không còn được sử dụng rộng rãi, dẫn đến sự “đứt gãy” về văn hóa, khiến cho việc tìm hiểu, nghiên cứu hay nói đúng hơn là “đọc hiểu” được những di sản mà tổ tiên để lại gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, hiện nay nhiều dòng họ, gia đình vẫn còn lưu giữ được những thư tịch cổ, nếu không “hiểu” được nó thì nó cũng chỉ là những vật vô tri.
Chính điều này đã thôi thúc ông tìm tòi, tự học chữ Hán, để rồi trở thành một Nhà nghiên cứu, một chuyên gia, với rất nhiều tác phẩm, bài viết nghiên cứu sâu sắc về các tư liệu Hán Nôm. “Ban đầu, tôi học chữ Hán là muốn tự mình dịch gia phả của dòng họ, để biết nguồn gốc sinh ra của bản thân mình, những chặng đường lịch sử mà dòng họ mình đã trải qua, thế rồi bị cuốn theo các tầng tầng, lớp lớp những tri thức có giá trị đó lúc nào không hay” – Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Huy Bích chia sẻ.
Sau khi nghỉ hưu, với cương vị là Chủ tịch Hội Cựu giáo chức huyện Hưng Nguyên, Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Huy Bích đã cùng với Thường trực Hội đăng ký với UBND huyện Hưng Nguyên Đề tài “Sưu tầm di sản Hán Nôm ở huyện Hưng Nguyên” trong 2 năm, từ 2009 đến 2011. Sau khi Đề tài được bảo vệ thành công, UBND huyện Hưng Nguyên đã đăng ký thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hán Nôm ở huyện Hưng Nguyên”, thời gian thực hiện từ 7/2011 đến 7/2013, do Phòng Văn hóa – Thông tin cùng ông thực hiện.
Kể từ đó đến nay, Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Huy Bích bắt đầu khai thác “kho” tàng tư liệu Hán Nôm quý giá trên địa bàn Hưng Nguyên, rồi mở rộng ra cả Nam Đàn, Nghi Lộc… với hơn 40 bài viết, bài nghiên cứu có giá trị. Vào năm 2015, ông cũng đã được mời tham gia nghiên cứu di sản Hán Nôm dòng họ Nguyễn Huy – Trường Lưu, Hà Tĩnh; tham gia đọc mộc bản, dịch gia phả và viết 3 bài tham luận tại các hội thảo trong nước và quốc tế. Đến năm 2019 di sản này đã được UNESCO công nhận “Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức Thế giới”. Ông còn sao chụp, lưu trữ và dịch nghĩa được hàng chục văn bia; hàng trăm sắc phong, câu đối; hàng trăm bằng cấp, đại tự, bài vị; hàng chục gia phả dòng họ… trở thành “người kết nối” giữa quá khứ và hiện tại.
Lật giở cuốn “Trầm tích văn hóa huyện Hưng Nguyên” được ông ký tặng, tôi không thể không thán phục trước sức tìm tòi, phát hiện có giá trị đã được ông chắt chiu, cô đọng trong từng bài viết. Đó là hành trình nhiều năm liền đi tìm “Quê tổ Vua Quang Trung”; khai thác từ di sản Hán Nôm để xác định “Cội nguồn chí sỹ Phan Bội Châu”; về “song thân bà ngoại Bác Hồ”; những phát hiện mới về thân thế Tổng Bí thư Lê Hồng Phong; di sản Hán Nôm về Nguyễn Biểu… Ngoài ra còn nhiều tác phẩm viết về các di tích văn hóa nổi tiếng trên địa bàn huyện Hưng Nguyên, như: Đền Chiêu Trưng; Đền Hoàng Mười; Đền Phúc Mỹ…
Việc sưu tầm, nghiên cứu, công bố các di sản Hán Nôm của Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Huy Bích đã giúp tìm ra được nhiều di sản Hán Nôm có giá trị được lưu giữ trong các gia đình, dòng họ. Điều đó góp phần làm sáng tỏ nhiều câu chuyện lịch sử. Giúp nhiều dòng họ tìm được gốc gác của mình. Giá trị nhất, nhờ việc nghiên cứu các tư liệu Hán Nôm đó mà tại Hưng Nguyên đã có thêm ít nhất 15 di tích được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đặc biệt, giúp các thế hệ đi sau hiểu được công lao to lớn của các bậc tiền nhân, từ đó càng khắc sâu hơn những giá trị về đạo làm người, tác động sâu sắc trong việc giáo dục tư tưởng, phẩm chất, đạo đức cho thế hệ trẻ hôm nay.
Ở cái tuổi xấp xỉ 80, với nhiều người, sự mệt mỏi đã hiện rõ trên khuôn mặt, trong ánh mắt và cả những bước đi. Nhưng với Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Huy Bích tôi vẫn nhận thấy ở ông một bầu nhiệt huyết căng tràn với di sản Hán Nôm của quê hương. Ròng rã hàng năm trời, không nhớ nổi mình đã đi đến bao nhiêu gia đình, dòng họ, xóm làng, lật dở biết bao bản gia phả, sắc phong… nhưng bước chân của Người lính – Ông giáo già – Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Huy Bích vẫn chưa muốn dừng lại. Ông không muốn những nguồn tư liệu quý giá đó bị lãng quên, bị hiểu lầm và vùi chôn trong ký ức.
Với ông, những bộ sách, gia phả, sắc phong, hoành phi, câu đối… được viết bằng chữ Hán hay chữ Nôm đang được lưu giữ ở huyện Hưng Nguyên thực sự là những di sản quý giá, góp phần khẳng định mạch nguồn truyền thống và nét văn hiến của quê hương mà ông cùng các thành viên trong Hội Cựu giáo chức huyện Hưng Nguyên có trách nhiệm khai mở, phát huy.
Chia tay Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Huy Bích, ông khiêm tốn bảo rằng, những đóng góp của mình quả thực còn rất bé nhỏ, không là gì so với những “cây đại thụ” đi trước. Với tôi, ông thực sự là người “người kết nối” và là người “mở lối” cho những giá trị văn hóa tinh thần được ăn sâu, bám rễ trong xã hội, như chính lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cách đây hơn 2 năm vào ngày 24/11/2021, rằng: Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi”…