Mỏ cát trên Sông Lam: Vừa làm hồ sơ xin phép, vừa khai thác?

08/04/2016 16:15

(Baonghean) - Sau một thời gian lắng xuống do các lực lượng chức năng vào cuộc đẩy đuổi, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Lam đoạn qua các huyện Nam Đàn, Đô Lương, Thanh Chương... lại tái diễn.

“Nóng” tình trạng khai thác trái phép

Theo phản ánh từ các cuộc họp của dân, chúng tôi về sông Lam, đoạn giáp ranh giữa xã Ngọc Sơn (Đô Lương) và Tào Sơn (Anh Sơn) lâu nay vẫn diễn ra tình trạng khai thác cát trái phép. Đoạn sông này thường xuyên có 3 tàu hút cát công suất lớn đang hoạt động trên sông. Tiếng máy nổ vang cả khúc sông, vòi rồng sục xuống hút cát ngay cả khu vực bờ kè xã Tào Sơn (Anh Sơn).

Hút cát trái phép tại khu vực giáp ranh xã Ngọc Sơn (Đô Lương) và xã Tào Sơn (Anh Sơn).
Hút cát trái phép tại khu vực giáp ranh xã Ngọc Sơn (Đô Lương) và xã Tào Sơn (Anh Sơn).

Tại đây có 2 cần trục trực tiếp ngoạm cát từ dưới thuyền lên bờ. Bến cát này được quy hoạch khá đồng bộ, có bãi cho ô tô vào lấy cát khá rộng, có nhà để thu phí xe chở cát. Đường điện phục vụ cho 2 cần trục này được kéo từ địa bàn xã Tào Sơn (Anh Sơn) sang.

Ông Trần Nam một người dân ở xã Ngọc Sơn cho biết: Khu vực này hút cát hoạt động cả ngày lẫn đêm, hai bên bờ sông nhiều đoạn bị sạt lở vào cả đất canh tác.

Ở khu vực xã Tràng Sơn cũng tồn tại bến cát trái phép của 2 người là Hoàng - Vinh đã hơn 5 năm qua. Bến cát được mở ngay phía sau ngôi nhà 2 tầng của ông Vinh, tại đây trục cẩu cát đang hoạt động hết công suất, xe ô tô vào ra vận tải cát nhộn nhịp.

Những năm 2005 về trước, nạn “cát tặc” hoành hành tại khu vực này gây nên sạt lở bờ sông nghiêm trọng, vết sạt lở lấn vào Quốc lộ 15A còn khoảng 6 - 7 mét. Trước thực trạng đó Nhà nước đã đầu tư kinh phí kè chống sạt lở đoạn qua xã Tràng Sơn hàng chục tỷ đồng.

Hiện nay, theo phản ánh của một số người dân thì vào ban đêm, tàu hút cát của ông Vinh vẫn “đánh cát” sát cả bờ kè gây nên sạt lở. Mỗi ngày ông Vinh bán được khoảng từ 10 - 12 xe cát.

Ngược đường tìm đến xóm 16, xã Đức Sơn (Anh Sơn) thấy các tàu hút cát của ông Phan Doãn Hải đang hoạt động. Bến cát này được ông Hải mở ngay tại nhà riêng sát với sông Lam.

Phía sau được mở một con đường rộng, phía dưới bến là “vòi rồng” công suất lớn phun cát trực tiếp lên xe ô tô. Cơ sở này còn sắm 2 xe ô tô vận tải, trực tiếp đưa cát đi bán khắp nơi.

Ở Lĩnh Sơn, khuất sau rặng tre sát bờ sông Lam cũng có một bến cát trái phép hoạt động.

Tại địa phận Rạng, xã Thanh Hưng (Thanh Chương), ngay sát bờ sông Lam cũng có bến cát Tú Thảo trái phép hoạt động giữa thanh thiên bạch nhật. Bến cát này mới chỉ nằm trong quy hoạch xin cấp phép. Tuy nhiên đã được đầu tư 2 cần trục cẩu cát, phía dưới bến là chiếc tàu sắt đầy đang được trục cẩu hối hả ngoạm cát đưa lên bờ.

Bến cát của gia đình Tú Thảo được xây dựng cả nhà kiên cố khá đàng hoàng để cả gia đình ăn ở và là điểm thu tiền lệ phí xe vận tải xuất bến.

Điểm cuối cùng là bến cát của Hồng Ngọc, thời điểm chúng tôi có mặt, thấy bến cát này có 1 cần trục, hiện chủ bến đang tiếp tục dùng máy xúc để cải tạo, mở rộng quy mô. Theo phản ánh của người dân địa phương thì những bến cát này đã tồn tại, hoạt động từ gần 10 năm nay với quy mô lớn nhưng cũng rất ít cơ quan chức năng kiểm tra, mà có kiểm tra thì sau vài bữa lại hoạt động.

Cần một giải pháp mạnh

Việc khai thác cát trái phép đã ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường, làm biến đổi dòng chảy tự nhiên, tạo ra những bãi bồi, cồn nổi, có nơi tạo thành những hố sâu hun hút, gây ra tình trạng sạt lở đất nông nghiệp của bà con, ảnh hưởng đến tính mạng người dân và công trình quốc gia.

Bến cát trái phép tại khu vực Rạng xã Thanh Hưng (Thanh Chương).
Bến cát trái phép tại khu vực Rạng xã Thanh Hưng (Thanh Chương).

Ông Nguyễn Quang Minh - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đô Lương thừa nhận: Lâu nay khu vực xã Ngọc Sơn (Đô Lương) giáp ranh với xã Tào Sơn (Anh Sơn) thường xuyên diễn ra tình trạng khai thác cát trái phép.

Từ đầu năm đến nay huyện phối hợp với ngành chức năng xử lý được 2 đối tượng khai thác cát trái phép. Đó là Nguyễn Văn Thành (quê ở Lạng Sơn, Anh Sơn) khai thác cát trái phép trên sông Lam đoạn qua xã Ngọc Sơn với khối lượng khai thác 4 - 5 m3/ngày, bị phạt 4 triệu đồng; và Trần Văn Thành ở xã Bồi Sơn (Đô Lương), khai thác cát trái phép đoạn qua xã Ngọc Sơn, khối lượng 4 m3/ngày, xử phạt 3 triệu đồng.

Theo ông Minh Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết: Đô Lương đang tiếp tục kiện toàn đoàn liên ngành của huyện, thời gian tới sẽ rà soát, kiểm tra xử lý các điểm khai thác trái phép ở vùng giáp ranh Đô Lương, Anh Sơn, đặc biệt là xử lý các chủ mỏ cát đã được cấp phép nhưng hút cát sai vùng quy hoạch gây sạt lở bờ sông.

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Chương, ông Trịnh Văn Bằng cũng cho biết: Địa bàn huyện Thanh Chương hiện có 3 mỏ được tỉnh cấp phép. Trong đó mỏ của Công ty CP khai thác cát sạn Thanh Chương hiện đang trong quá trình làm thủ tục.

Tuy nhiên đang vướng mắc ý kiến người dân tại thị trấn Dùng về việc bến cát gây ô nhiễm môi trường. Hiện bến cát vẫn đang hoạt động trái phép. Huyện đang triển khai thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, thời gian ngắn nhất sẽ tập trung để đẩy đuổi các tàu cát khai thác trái phép.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay do nhu cầu cát để xây dựng nông thôn mới khá nhiều, trong khi các đơn vị được cấp phép không đáp ứng đủ nên nảy sinh tình trạng khai thác trái phép.

Cát sỏi xây dựng ở Nghệ An phân bố chủ yếu dọc theo các lòng sông lớn. Hiện có 126 điểm mỏ với tổng tài nguyên 108,256 triệu m3, trong đó có 61 điểm dọc sông Lam (sông Cả), 49 điểm dọc sông Hiếu, 15 điểm dọc sông Giăng và 2 điểm dọc khe suối.

Trường Văn

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Mỏ cát trên Sông Lam: Vừa làm hồ sơ xin phép, vừa khai thác?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO