Mô hình Bí thư kiêm xóm trưởng: Tròn việc Đảng, trọn việc dân
(Baonghean) - Mô hình bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng, khối trưởng được thực hiện ở huyện Đô Lương từ năm 1988 đến nay vẫn phát huy hiệu quả tốt, được người dân đồng tình, ủng hộ.
Những điển hình "gánh trọn hai vai"
Sau 15 năm tham gia công tác phụ nữ kiêm nhiệm thêm nhiều công việc khác như y tá thôn, cộng tác viên dân số gia đình và trẻ em…, năm 2015, chị Lê Thị Tuyết xóm Diên Hồng, xã Lưu Sơn (Đô Lương) được tín nhiệm bầu làm Xóm trưởng kiêm Bí thư Chi bộ xóm Diên Hồng.
Chị chia sẻ: “Tham gia công tác đoàn thể khá lâu nhưng mới đầu tôi cũng không tự tin mình sẽ đảm nhận tốt cả “hai vai” bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng. Song trước sự động viên, hỗ trợ của các đồng chí trong cấp ủy, người dân cũng như người thân trong gia đình, tôi đã mạnh dạn nhận nhiệm vụ với tâm niệm, mình cứ gương mẫu, nói đi đôi với làm, tất cả vì việc chung, vì lợi ích tập thể thì sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân”.
Nhờ sự thống nhất trong lãnh đạo, điều hành nên các phong trào của xóm Diên Hồng ngày càng đi lên. Xóm có 232 hộ, 890 khẩu, một nửa dân số tham gia sản xuất nông nghiệp, còn lại tham gia kinh doanh buôn bán nhỏ như sản xuất bún, bánh, bán hàng tạp hóa, vì thế mỗi khi có một chủ trương mới, đối với mỗi đối tượng khác nhau, chị Lê Thị Tuyết lại có cách tuyên truyền, thuyết phục phù hợp gắn với đặc điểm từng đối tượng để tạo sự đồng thuận.
Vì vậy, đến nay xóm Diên Hồng đã cứng hóa được 100% các tuyến đường; xây dựng được phong trào văn hóa, thể dục thể thao phát triển mạnh, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi.
Theo nhận xét của ông Trần Đình Lam - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Lưu Sơn: “Đồng chí Lê Thị Tuyết đã chứng tỏ được năng lực khi đảm nhận cả hai vị trí bí thư kiêm xóm trưởng với cách điều hành công việc vừa mềm mỏng vừa kiên trì, tạo hiệu quả tốt trong tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.
Bí thư kiêm Xóm trưởng xóm 13, xã Thượng Sơn (Đô Lương) Nguyễn Văn Trị điều hành cuộc họp xóm. Ảnh: P.V |
Thượng Sơn là xã có 21 năm triển khai thực hiện mô hình bí thư kiêm xóm trưởng. Theo đồng chí Nguyễn Công Thắng - Bí thư Đảng ủy xã, việc triển khai mô hình bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng được đảng viên và nhân dân đồng tình cao bởi qua thực tế cho thấy mô hình này đã phát huy vai trò năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu khối xóm, rút ngắn thời gian họp hành, khắc phục tình trạng “vênh nhau” giữa bí thư chi bộ và xóm trưởng. Nhiều bí thư kiêm xóm trưởng có tinh thần trách nhiệm cao, có bước chuyển vượt bậc trong kinh nghiệm quản lý, điều hành, xử lý các tình huống ở cơ sở, tạo sự đồng thuận giữa “ý Đảng, lòng dân”.
Vốn là Trung đội trưởng dân quân, Phó Bí thư Chi đoàn xóm 13 (xã Thượng Sơn), tháng 10/2006 anh Nguyễn Văn Trị được cấp ủy và người dân tín nhiệm bầu làm bí thư kiêm xóm trưởng. Anh Trị đã toàn tâm, toàn ý với việc Đảng, việc dân, tích cực vận động người dân chung tay xây dựng nông thôn mới. Trò chuyện với chúng tôi, thủ lĩnh xóm 13 bộc bạch: “Quan trọng là làm việc gì cũng phải công bằng, công tâm, khách quan, lấy dân làm gốc, mọi việc đều để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”.
Còn anh Nguyễn Xuân Hải, sinh năm 1985 mới được giao đảm nhận Bí thư kiêm Xóm trưởng xóm 5, xã Trù Sơn được hơn 6 tháng tâm sự: “Ban đầu bản thân tôi thấy áp lực còn thiếu kinh nghiệm, trong chi bộ lại có nhiều đảng viên cao tuổi, quá trình triển khai nhiệm vụ trong làng, trong xóm không tránh khỏi va chạm nhưng nhờ sự động viên, cộng sự cao của cấp ủy chi bộ, sự ủng hộ của người dân đã giúp tôi hoàn thành việc Đảng, việc dân một cách trọn vẹn”.
Bà Lê Thị Tuyết - Bí thư kiêm Xóm trưởng xóm Diên Hồng, xã Lưu Sơn (Đô Lương) trao đổi với cán bộ UBND xã về xây dựng nông thôn mới. Ảnh: P.V |
Hạn chế ỷ lại, tránh chồng chéo
Qua nhiều năm triển khai, Huyện ủy Đô Lương đã rút ra được những ưu điểm của mô hình bí thư kiêm xóm trưởng. Đồng chí Lê Minh Phúc - Phó ban Tổ chức Huyện ủy Đô Lương cho biết: “Mô hình bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng, khối trưởng cũng giúp các cá nhân nâng cao vai trò, trách nhiệm, phát huy năng lực, sự năng động, sáng tạo dám nghĩ dám làm, hạn chế tình trạng trông chờ ỷ lại, né tránh trong công việc, tránh được sự chồng chéo hoặc độ “vênh”.
Bên cạnh đó còn giúp thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tạo sự đồng thuận cao trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất. Ngoài ra còn giúp giảm được một số lượng lớn cán bộ trong toàn huyện, chế độ đãi ngộ được nâng lên 1,5 lần so với không kiêm nhiệm - một trong những yếu tố tạo động lực cho cán bộ phấn đấu cống hiến”.
Toàn huyện Đô Lương có 11 xã có 100% khối, xóm bí thư kiêm xóm trưởng gồm Hồng Sơn, Ngọc Sơn, Lam Sơn, Bồi Sơn, Bắc Sơn, thị trấn, Thuận Sơn, Lưu Sơn, Đà Sơn, Trung Sơn, Văn Sơn. Số bí thư kiêm xóm trưởng hiện nay là 262/364 đồng chí, chiếm 72%. |
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, việc triển khai mô hình bí thư kiêm xóm trưởng trên địa bàn huyện Đô Lương cũng có những khó khăn bởi không phải ở đâu cũng có đủ điều kiện và lựa chọn được người đủ sức hoàn thành “hai vai” một cách trọn vẹn.
Xã Trù Sơn có 16 chi bộ nông thôn nhưng chỉ có 3 xóm triển khai thực hiện mô hình bí thư kiêm xóm trưởng. Lý giải về điều này, lãnh đạo UBND xã Trù Sơn cho biết: Ở các khối xóm hiện nay thanh niên thoát ly đi làm ăn xa đông nên đội ngũ cán bộ xóm có xu hướng “già hóa”. Số đảng viên hưu trí tâm lý ngại va chạm, thích nghỉ ngơi nên né tránh việc tham gia vào cấp ủy, ban cán sự xóm.
Bên cạnh đó, việc tạo nguồn cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng còn hạn chế, phần lớn các bí thư kiêm xóm trưởng hiện chưa được bồi dưỡng lý luận chính trị. Hơn nữa, nếu cấp ủy, chi ủy thiếu năng lực, thiếu tính đấu tranh phê bình, thiếu kiểm tra giám sát thì việc triển khai nhất thể hóa chức danh “bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng” sẽ dễ dẫn đến tình trạng độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ.
Như ở xóm 3, xã Thượng Sơn, qua kiểm tra dấu hiệu vi phạm, người đứng đầu xóm đã bị kỷ luật khiển trách vì không minh bạch trong vấn đề thu chi các loại quỹ. Đối với một số vùng đặc thù, nếu tách hai vai và bố trí xóm trưởng là quần chúng sẽ phát huy tốt hơn công tác “dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới...
Thực tế cho thấy, để có thể đảm trách “hai vai” không chỉ đòi hỏi các “thủ lĩnh” thôn xóm phải có năng lực, trình độ, sức khỏe, nhiệt tình, tâm huyết mà điều quan trọng nhất là phải có uy tín với dân. Nếu cán bộ “được lòng dân” thì sẽ thuận lợi trong điều hành, chỉ đạo lẫn công tác tuyên truyền, vận động; ngược lại lòng dân không thuận thì sẽ rất khó gánh trọn hai vai.
Nhóm P.V
TIN LIÊN QUAN |
---|