Mở kho dược liệu quý xứ Nghệ

07/09/2017 06:32

(Baonghean) - Một số sản phẩm được chế biến từ các vùng dược liệu trên địa bàn Nghệ An đã tung ra thị trường với những dấu hiệu tích cực. Đó là yếu tố quan trọng để nông dân và doanh nghiệp mở 'kho' tiềm năng cây dược liệu trên địa bàn.

Mới đây, huyện Con Cuông đã phối hợp với Công ty cổ phần Dịch vụ khoa học công nghệ Nông nghiệp Thành An thực hiện thành công dự án trồng, chế biến, cung ứng ra thị trường hai sản phẩm dược liệu là cà gai leo và dây thìa canh. Đây là những cây dược liệu thích ứng rộng, dễ trồng, dễ chăm bón, đầu tư ít, được huyện Con Cuông triển khai thực hiện mô hình tại xã Chi Khê đạt năng suất cao.

Sản phẩm được công ty thu mua, sơ chế tại chỗ, nghiền mịn, đóng gói đúng quy chuẩn đưa ra thị trường 2 dòng sản phẩm là trà dược liệu và trà túi lọc. Theo dự tính, những loại cây dược liệu này có thể đem về cho người trồng ở Con Cuông số tiền trên dưới 100 triệu đồng/ha/năm.

Nhiều loại dược liệu được bán tại HTX Sản xuất và Giới thiệu các mặt hàng tiêu biểu huyện Quế Phong. Ảnh: Nguyên Nguyên
Nhiều loại dược liệu được bán tại HTX Sản xuất và Giới thiệu các mặt hàng tiêu biểu huyện Quế Phong. Ảnh: Nguyên Nguyên

Trước đó, ở huyện Quế Phong đã thành lập HTX sản xuất và cung ứng các sản phẩm tiêu biểu, trong đó có nhiều sản phẩm dược liệu được khai thác trên địa bàn như nấm lim, chè hoa vàng, ngọc cẩu, mủ từn, xuyên đá, sâm cau, chuối hột, chè vằng…

Theo chị Sầm Thị Yến - Giám đốc HTX cho biết: Sau 8 tháng hoạt động, HTX thu mua được hơn 1 tấn sản phẩm dược liệu các loại đóng gói, bán cho khách hàng. Vấn đề đặt ra là, đa phần các loại dược liệu được bán tại HTX là dùng để ngâm rượu, sắc uống theo thang thuốc truyền thống của đồng bào. Duy nhất chỉ có sản phẩm tinh dầu quế được chiết xuất từ sản phẩm quế Quỳ, đóng trong lọ nhỏ dùng để bôi ngoài da phòng ngừa côn trùng cắn.

Để bảo vệ, phát triển và khai thác có hiệu quả “kho” dược liệu quý trên địa bàn, UBND huyện Quế Phong đã xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2015 - 2020”. Trước mắt ưu tiên phát triển chè hoa vàng, đẳng sâm, bon bo trở thành hàng hóa.

Trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu kinh tế ngành nghề nông thôn, khai thác tiềm năng, ưu thế sẵn có của địa phương, từng bước tạo tư duy sản xuất mới cho người dân theo hình thức lấy ngắn nuôi dài, đồng thời nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ tài nguyên rừng bền vững, bảo tồn, lưu giữ nguồn gen quý, hiếm tại chỗ. Quế Phong phấn đấu đến năm 2020, diện tích bảo tồn và trồng mới cây dược liệu là 334,5 ha; chủ yếu tập trung bảo tồn các loại cây dược liệu có trong rừng tự nhiên, xây dựng các mô hình trồng thí điểm tại các xã. Ưu tiên bảo tồn và phát triển 3 loại cây dược liệu đó là: cây chè hoa vàng, đẳng sâm, bon bo.

Cây Dây thìa canh được trồng ở xã Chi Khê (Con Cuông). Ảnh: Nhật Lân.
Cây Dây thìa canh được trồng ở xã Chi Khê (Con Cuông). Ảnh: Nhật Lân.

Huyện Nghĩa Đàn cũng đang có ý định phát triển cây dược liệu trồng dưới tán cây rừng, vườn nhà. Ông Phan Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng: Nghĩa Đàn có kế hoạch thu hút, kêu gọi doanh nghiệp vào địa bàn đầu tư xây dựng xưởng chế biến dược liệu dạng thô, nhằm phát triển cây dược liệu. Trước mắt là làm mô hình trồng gừng trong bao bì, đặt dưới tán cây. Tuy nhiên, để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, huyện sẽ ký kết với doanh nghiệp, đảm bảo bao tiêu sản phẩm cho bà con, tránh tình trạng sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ.

Qua trao đổi, ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng: Để bảo vệ, khai thác tốt nguồn dược liệu quý trên địa bàn các huyện miền núi, tỉnh cần sớm có chính sách đặc thù riêng để bảo vệ các loại cây dược liệu quý. Lâu nay bà con thường vào rừng khai thác các loại sản phẩm phi gỗ, trong đó có các loại cây dược liệu, làm cạn kiệt nguồn dược liệu trong rừng. Thứ hai, cần có doanh nghiệp vào thu mua dược liệu cho bà con theo quy chuẩn và có kế hoạch khai thác một cách nghiêm túc, khoa học. Thứ ba, cần triển khai các dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng, vừa bảo vệ được rừng vừa phát triển được cây dược liệu một cách bền vững.

Cùng đó, các địa phương cần kêu gọi thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, chế biến sản phẩm nông dược, nhằm chiết xuất các loại dược liệu ra thành phẩm chức năng phục vụ nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thuốc chữa bệnh hoặc thực phẩm chức năng, nâng cao giá trị cho sản phẩm dược liệu.

Xuân Hoàng

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Mở kho dược liệu quý xứ Nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO