'Mở lối' xã hội hóa và tự chủ tài chính các bệnh viện công

10/08/2016 08:12

(Baonghean) - Nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trong bối cảnh giá dịch vụ y tế đã dần hướng tới tính đúng, tính đủ và bảo hiểm y tế đã thông tuyến, ngành Y tế Nghệ An đang xây dựng hướng đi mới là xã hội hóa nâng số giường bệnh và tự chủ tài chính ở các bệnh viện công.

Xã hội hóa “giải” bài toán quá tải

Từ những bất cập thực tế, ngày 13/1/2016, UBND tỉnh Nghệ An đã có cuộc làm việc và đồng ý cho mở rộng quy mô giường bệnh đến năm 2020 đối với Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An là 1.600 giường, trong đó giường bệnh công lập 1.000 giường, giường bệnh xã hội hóa 600 giường; Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An là 1.000 giường, trong đó giường bệnh công lập 800 giường, giường bệnh xã hội hóa 200 giường.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra hiện trạng quá tải ở Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tây Bắc.
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra hiện trạng quá tải ở Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tây Bắc.

Đối với Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, từ lâu đã trong thực trạng thường xuyên quá tải cả về lượng bệnh nhân lẫn cường độ làm việc đối với y, bác sĩ. Từ năm 2009, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An cũng đã xây dựng và đưa vào hoạt động khu khám chữa bệnh theo yêu cầu với quy mô 50 giường bệnh, góp phần giảm tình trạng nằm ghép, tăng số lượng cán bộ y tế phục vụ.

Từ khi đi vào hoạt động, khu khám chữa bệnh theo yêu cầu đã hoạt động tốt. Tuy nhiên, thêm 50 giường bệnh vẫn còn quá xa so với yêu cầu thực tế. Tính hết đến năm 2015, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An có quy mô 600 giường bệnh, nhưng thực kê là 913 giường, công suất sử dụng giường bệnh là 193,8%; đến tháng 6/2016, số lượng thực kê là 1.002 giường. Khu khám chữa bệnh theo yêu cầu luôn trong tình trạng kín chỗ.

Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh cũng trong thực tế tương tự. Bệnh viện này hàng ngày tiếp nhận khám, chữa bệnh số lượng bệnh nhân lớn, lưu lượng ngày càng tăng. Bệnh viện đưa vào sử dụng cơ sở mới từ tháng 9/2014, với 900 giường bệnh, nhưng số thực kê lên đến 1.557 giường, công suất sử dụng giường bệnh là 151%.

Thực hiện chủ trương mở rộng Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh, ngày 13/3/2016, tỉnh Nghệ An tổ chức lễ khởi công dự án xây dựng bệnh viện này giai đoạn 2. Theo đó, giai đoạn 2 được thực hiện theo mô hình xã hội hóa công - tư kết hợp, với tổng mức đầu tư dự kiến 1.300 tỷ đồng, trong đó có gói hỗ trợ tín dụng hơn 1.000 tỷ đồng từ BIDV. Dự kiến đến quý II/2018, bệnh viện quy mô 600 giường sẽ đi vào vận hành chính thức, kết hợp cùng Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An - giai đoạn 1 tạo nên tổ hợp có 1.600 giường bệnh.

Bệnh viện Sản - Nhi -Nghệ An luôn quá tảigiường bệnh,số lượngbệnh nhân khámđiều trị.
Bệnh viện Sản - Nhi - Nghệ An luôn trong tình trạng quá tải.

Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An cũng đang từng bước thực hiện chủ trương này. Bác sỹ Trần Văn Cương - Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi cho hay: “Bệnh viện đã và đang từng bước xây dựng hoàn thiện bệnh viện trên diện tích 17.400m2, với việc khởi công xây dựng nhà 7 tầng với tổng diện tích 10.000m2 cho khối Phụ - Sản hoạt động; xây dựng khu điều trị tự nguyện 7 tầng với nguồn vốn tự đóng góp của cán bộ, viên chức để tăng thêm giường bệnh trong khuôn viên bệnh viện hiện tại một cách hợp lý”.

Thực tế cũng cho thấy, không riêng gì 2 bệnh viện hàng đầu của tuyến tỉnh nói trên mới quá tải và có nhu cầu tăng số giường bệnh theo hình thức xã hội hóa. Mới đây, Sở Y tế Nghệ An đã có cuộc họp thống kê nhu cầu, các đơn vị xây dựng mô hình bệnh viện tư trong bệnh viện công lập. Bước đầu đã có gần 20 đơn vị đăng ký xây dựng cơ sở khu vực khám chữa bệnh theo yêu cầu trong khuôn viên với gần 1.000 giường bệnh.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế: Hiện giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng, tiến tới tính đủ, nên bệnh viện công sẽ không được ngân sách nhà nước cấp kinh phí mà sẽ phải hoạt động bằng nguồn thu từ bệnh nhân. Bệnh viện muốn tồn tại và phát triển được thì phải nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; nếu không, người bệnh quay lưng lại với mình hoặc cơ quan BHXH sẽ không ký hợp đồng, coi như bệnh viện tự chết!

Cuộc “cách mạng” tự chủ

Tự chủ tài chính là yêu cầu bắt buộc đối với các đơn vị bệnh viện công vào thời gian tới, trong bối cảnh bội chi vào chủ trương giảm chi thường xuyên. Sau khi nghiên cứu Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, ngành Y tế Nghệ An đang xây dựng đề án mô hình thí điểm tự chủ ở một số bệnh viện. Sở Y tế Nghệ An đã quyết định chọn Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh làm đơn vị thí điểm đầu tiên theo mức độ 2 “Tự chủ tài chính đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên”.

Tự chủ tài chính sẽ giúp cho Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh đưa vào sử dụng nhiều kỹ thuật mới như chụp mạch máu não có dựng hình.
Tự chủ tài chính giúp Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh đưa vào sử dụng nhiều kỹ thuật mới như chụp mạch máu não có dựng hình.

Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh có quy mô 280 giường bệnh, thực kê 450 giường, 270 cán bộ y, bác sỹ. Bệnh viện không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng khám và điều trị, đã thực hiện được nhiều kỹ thuật cao của tuyến tỉnh và trung ương, cùng với đó là có nhiều máy móc thiết bị hiện đại... Kể từ khi thực hiện thông tuyến bảo hiểm y tế, số lượng bệnh nhân đến với bệnh viện không ngừng tăng; số lượng bệnh nhân khám, điều trị vào khoảng 500 - 900 người bệnh/ngày.

Năm 2016, Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh được ngân sách cấp 14 tỷ đồng dành cho việc trả tiền lương và phụ cấp. Khi thực hiện tự chủ tài chính theo mức độ 2, số tiền này sẽ không còn được cấp, mà do bệnh viện tự cân đối thu và chi.

Theo mức độ 2 của Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh sẽ có quyền tự quyết về bộ máy tổ chức và nhân lực cũng như tài chính, chịu sự quản lý nhà nước và vẫn được ngân sách đầu tư một phần cơ sở vật chất hạ tầng.

Bác sỹ Nguyễn Hồng Trường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP.Vinh cho biết: “Bệnh viện xác định thực hiện tự chủ là bước đột phá lớn nhằm nâng cao chất lượng mọi mặt, đảm bảo quyền lợi cho nhân dân. Bệnh viện cũng đã có bước chuẩn bị nhất định như cử cán bộ đi đào tạo nâng cao chuyên môn và tay nghề, học tập thay đổi cung cách phục vụ bệnh nhân và lề lối làm việc...”.

Sau khi tự tính toán nguồn thu chi, mức độ đầu tư, hiện có 4 đơn vị đã đăng ý thực hiện tự chủ đó là Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tây Bắc, Bệnh viện Đa khoa huyện Diễn Châu và Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Lộc.

Bác sỹ Bùi Đình Long, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho hay: “Sở Y tế Nghệ An đang phối hợp Sở Nội vụ, Sở Tài chính xây dựng kế hoạch thực hiện thí điểm mô hình tự chủ tài chính. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt sẽ có lộ trình thực hiện cụ thể, như hỗ trợ đơn vị thực hiện đi học tập ở các đơn vị đã thực hiện như Hà Nội, Quảng Ninh; và trong quá trình thực hiện cũng sẽ tiếp tục có những hỗ trợ nhất định nhất là về cơ chế”.

Thanh Sơn

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
'Mở lối' xã hội hóa và tự chủ tài chính các bệnh viện công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO