Mở mang dịch vụ thương mại đến các bản làng vùng cao

Hoài Thu 25/01/2023 17:34

(Baonghean.vn) - Hiện nay, nhiều phiên chợ ở địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng biên giới Nghệ An không ngừng được mở mới. Hoạt động này không chỉ giúp người dân có thêm cơ hội giao lưu phát triển kinh tế, mà còn từng bước xoá bỏ tư tưởng trông chờ ỉ lại, thúc đẩy người dân tự lực vươn lên. 

Niềm vui có chợ mới

Sáng 6/1/2023, người dân các bản ở các xã biên giới Mỹ Lý, Bắc Lý của huyện Kỳ Sơn dậy sớm hơn thường ngày. Trời chưa sáng rõ, sương còn giăng mắc khắp núi rừng nhưng bà Cụt Mẹ Tơm ở bản Huồi Cáng, xã Bắc Lý đã cùng con dâu và 2 đứa cháu nhanh chân xuống núi để đến bản Xốp Tụ, xã Mỹ Lý đi chợ phiên. Bà Tơm cho biết, bà sống đã hơn nửa đời người, nơi đây chưa bao giờ có chợ. Người dân Bắc Lý muốn mua sắm đều phải vượt quãng đường xa hàng chục cây số.

“Nếu mua các thực phẩm hoặc đồ dùng nhỏ ở trong nhà thì phải ra chợ trung tâm Huồi Tụ cách xã Mỹ Lý khoảng 20km. Còn muốn mua nhiều thứ quan trọng hơn như đồ điện tử, xe máy… thì phải ra chợ thị trấn Mường Xén cách xã khoảng 60km” – bà Tơm cho biết.

Người dân Mỹ Lý náo nức đến chợ phiên. Ảnh: PV

Cũng như bà Tơm, người dân 25 bản của các xã Mỹ Lý, Bắc Lý từ nay không cần phải đi quãng đường xa xôi để được trao đổi, mua bán hàng hoá, đặc biệt là những sản phẩm tự tay mình làm ra. Chợ phiên Xốp Tụ được khai trương trong những ngày giáp Tết nên lượng người và hàng hoá tập trung đông hơn mức dự kiến của ban quản lý chợ và chính quyền địa phương. Ngoài những gian hàng bán nông sản địa phương và các sản phẩm thủ công như váy áo, khăn thổ cẩm, các đồ mây tre đan thì những gian hàng thực phẩm trao đổi, bán các loại thịt lợn, trâu, bò và hàng ẩm thực cũng rất đông khách.

Ông Kha Văn Tâm có nhà ở bản Xốp Tụ cho biết, quang cảnh nhộn nhịp, đông vui của phiên chợ đã mang đến cho bản làng một niềm vui tươi mới trong những ngày cận Tết. Ông cũng như người dân ai cũng vui mừng đón chờ phiên chợ để được gặp bạn bè, được ngắm những sản vật địa phương.

“Chỉ đi xem thôi cũng đã thấy vui. Ai có chút tiền thì mua sắm một vài thứ cho Tết. Ai cần tiền thì mang sản phẩm mình làm được đi bán, điều mà mấy chục năm qua chưa có ở các bản của Mỹ Lý.” – ông Kha Văn Tâm cho biết.

Các sản phẩm do bà con bản địa làm ra được bán ở chợ phiên Mỹ Lý. Ảnh: PV

Ông Lô Văn Bảy - Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý cho biết, chợ phiên Xốp Tụ chính thức hoạt động vào các ngày mồng 1 và 15 âm lịch hàng tháng. Phiên chợ được khai trương sẽ giúp bà con dần làm quen với hoạt động trao đổi thương mại, buôn bán. Đồng thời giúp người dân có thêm thu nhập khi có nơi chốn để mua bán, trao đổi những sản phẩm tự mình làm ra. Khi chợ đi vào hoạt động, bà con sẽ phấn khởi, tích cực hơn trong lao động, sản xuất.

Hiện ở Kỳ Sơn, chợ Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn là một trong những địa điểm không chỉ kết nối, thúc đẩy buôn bán, trao đổi thương mại giữa Kỳ Sơn với các huyện trong tỉnh, mà còn là đầu mối giao lưu kinh tế, văn hoá với các huyện lân cận của nước bạn Lào. Đầu tháng 12/2022, sau khi tạm hoãn 2 phiên để phục vụ hoạt động chính trị của nước bạn Lào, ngày 18/12/2022, chợ Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn đã mở cửa trở lại, kịp thời phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân 2 nước vào dịp năm mới 2023.

Quan tâm dịch vụ thương mại vùng cao

Cuối tháng 12/2022, tại xã Yên Hoà (Tương Dương), người dân các bản nơi đây cũng lần đầu tiên được tham dự phiên chợ ngay trên địa bàn mình sinh sống. Với khoảng 20 gian hàng, phiên chợ đầu tiên này chủ yếu mua bán, trao đổi các loại sản vật do người dân địa phương và các vùng lân cận sản xuất, chăn nuôi, hái lượm và săn bắt được như: Chuột, gà, củ đậu, cơm lam, rêu, thổ cẩm... Các sản phẩm mây tre thủ công như: Mâm mây, ghế mây, bế, oi, rổ rá... Ngoài ra còn có các hàng ẩm thực bán các món ăn và thực phẩm truyền thống của các dân tộc Thái, Khơ mú sinh sống trên địa bàn.

Chợ dân sinh ở ngã ba Huồi Tụ - Bắc Lý - Mỹ Lý (Kỳ Sơn). Ảnh tư liệu

Lãnh đạo UBND huyện Tương Dương cho biết, năm 2022, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trên địa bàn huyện ước đạt 1.032 tỷ đồng, đạt 102,7% nghị quyết HĐND huyện giao, tăng 6,9% so với cùng kỳ. Thị trường hàng hóa phong phú, đa dạng về chủng loại, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Mô hình dịch vụ du lịch sinh thái, cộng đồng bước đầu đã được hình thành và phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân như cụm du lịch sinh thái Tam Quang (khu du lịch sinh thái Nậm Xán) - Tam Đình (rừng săng lẻ, khe Cớ, Quang Phúc) - Đền Vạn, khe Ngậu, xã Xá Lượng - Thác Nha Vang, xã Nhôn Mai - rừng săng lẻ, cọn nước, bản Coọc, xã Yên Hòa.

Hiện nay, huyện đã và đang tiếp tục đầu tư xây dựng điểm du lịch sinh thái tại rừng săng lẻ…Việc mở thêm các chợ phiên cũng sẽ góp phần thúc đẩy giao lưu, trao đổi hàng hoá, góp phần tăng nguồn thu từ ngành dịch vụ và phát triển du lịch cộng đồng của Tương Dương.

Người dân mua bán hàng hoá tại chợ phiên Mường Quạ, xã Môn Sơn (Con Cuông). Ảnh: HT

Không chỉ ở Tương Dương, Kỳ Sơn, các huyện vùng cao như: Con Cuông, Quế Phong cũng ngày càng nhiều phiên chợ vùng sâu, vùng xa được tổ chức nhằm giúp người dân thuận tiện trong đi lại, trao đổi mua bán hàng hoá.

Ở Con Cuông, ngoài chợ phiên Mường Quạ ở xã Môn Sơn đã hoạt động khá lâu, trở thành nếp sống văn hoá truyền thống của người dân, từ cuối năm 2020 huyện cũng đã khai trương Chợ phiên Mường Chon ở xã Bình Chuẩn. Chợ Mường Chon đặt ở vị trí tiếp giáp giữa các xã vùng trong của huyện Con Cuông và các xã lân cận của huyện Quỳ Hợp và một số xã của huyện Tương Dương, nên người dân 3 huyện có thể đến chợ phiên Mường Chon để buôn bán, mua sắm định kỳ vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật của tuần thứ 3 hàng tháng.

Việc mở thêm các phiên chợ vùng sâu, vùng xa cũng là một trong những hoạt động nhằm thực hiện Kế hoạch 192/KH-UBND ngày 22/3/2022 của UBND tỉnh Nghệ An. Đây là kế hoạch nhằm triển khai Quyết định số 1163 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo đó, UBND tỉnh đề ra nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và quản lý hoạt động thương mại theo cam kết quốc tế. Gia tăng cầu tiêu dùng cuối cùng trong nước, phát triển doanh nghiệp phân phối, gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa; phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025.

Ngoài phát triển những trung tâm thương mại hiện đại, quy mô lớn thì UBND tỉnh cũng tiếp tục triển khai các chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng thương mại như: Chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, kho dự trữ, bảo quản,... theo hướng hiện đại tại trung tâm các huyện, thành phố, thị xã. Đồng thời, lồng ghép các nguồn lực để xây dựng mới, cải tạo nâng cấp các chợ truyền thống mang tính văn hóa, chợ tại vùng nông thôn, biên giới đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa phục vụ nhân dân.

Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2030; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ và xã hội hóa đầu tư xây dựng, khai thác chợ; cải tạo, nâng cấp các chợ đô thị hiện có và nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm, văn minh thương mại; triển khai nhân rộng mô hình chợ thí điểm an toàn thực phẩm; đầu tư phát triển một số chợ gắn với phát triển kinh tế ban đêm, phát triển du lịch ở những khu vực, địa điểm phù hợp để tạo dựng thêm các kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng miền và các sản phẩm OCOP của tỉnh, đặc biệt là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa có thế mạnh về sản phẩm địa phương đặc trưng.

Mới nhất

x
Mở mang dịch vụ thương mại đến các bản làng vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO