Mở rộng nội dung chương trình 'Phòng giúp phòng, trường giúp trường' với các huyện miền núi Nghệ An

Mỹ Hà 28/10/2020 11:24

(Baonghean.vn) - Đây là chương trình được triển khai nhằm thực hiện cuộc vận động “Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa” do Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động.

Sáng 28/10, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện chương trình “Phòng giúp phòng, trường giúp trường" giai đoạn 2019 – 2022.

Qua 1 năm thực hiện, hiện có 9 đơn vị đăng ký hỗ trợ các phòng Giáo dục và Đào tạo và các trường THPT thuộc các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu với nhiều nội dung, phần việc.

Trong đó, đặt trọng tâm vào việc giúp đỡ về kinh nghiệm giảng dạy, bồi dưỡng chuyên môn, đặc biệt chú trọng đổi mới phương pháp để từng bước nâng cao chất lượng dạy học. Các đơn vị "trường giúp trường" còn chia sẻ kinh nghiệm công tác quản lý, nâng cao năng lực và vai trò của người Hiệu trưởng.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà

Bên cạnh đó, bằng nội lực của các đơn vị và nguồn lực xã hội hóa, các đơn vị nhận giúp đỡ đã huy động được gần 800 triệu đồng để hỗ trợ các phòng và trường học mua sắm trang thiết bị dạy học, đồ dùng giáo viên, học sinh và trao tặng hàng chục suất học bổng dành cho học sinh nghèo, khó khăn.

Sự giúp đỡ được thực hiện thường xuyên đã thể hiện được tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của cán bộ nhà giáo, người lao động trong toàn ngành. Đồng thời, chương trình đã tạo được sự thay đổi, chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh.

Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục toàn diện; khơi dậy, phát huy được nguồn lực tinh thần, vật chất trong toàn ngành, tạo động lực thúc đẩy, góp phần vào thành công của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Trường THPT Lê Viết Thuật trao quà hỗ trợ cho Trường THPT Tương Dương 1. Ảnh: PV
Trường THPT Lê Viết Thuật trao quà hỗ trợ cho Trường THPT Tương Dương 1. Ảnh: PV

Để nâng cao hiệu quả của chương trình, tại hội nghị các đại biểu cũng đã chia sẻ những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Nhiều đại biểu đề nghị, trong thời gian tới, mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về công tác chuyên môn, bởi hiện nay khoảng cách chất lượng giáo dục giữa vùng miền núi và đồng bằng còn chênh lệch rất nhiều.

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành ghi nhận sự nỗ lực của các đơn vị sau 1 năm triển khai. "Hiệu quả rõ rệt nhất được thể hiện qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (có nhiều học sinh miền núi đạt điểm cao) và qua Kỳ thi Giáo viên dạy giỏi tỉnh" - Giám đốc Sở cho biết.

Từ hiệu quả của chương trình, thời gian tới lãnh đạo sở phát động thêm “Tổ bộ môn giúp bộ môn” và xem đây là yếu tố cốt lõi để nâng cao chất lượng giáo dục. Muốn vậy, các trường vùng thuận lợi phải sẵn sàng cử giáo viên cốt cán trực tiếp xuống các đơn vị để hướng dẫn về công tác giảng dạy, truyền đạt các kinh nghiệm.

Ở nhiều huyện miền núi cao, chất lượng giáo dục đang còn nhiều bất cập và cần có sự hỗ trợ của các trường thuận lợi. Ảnh: MH
Ở nhiều huyện miền núi cao, chất lượng giáo dục đang còn nhiều bất cập và cần có sự hỗ trợ của các trường thuận lợi. Ảnh: MH

Ngoài ra, các đơn vị nhận giúp đỡ cần tiếp tục hỗ trợ về việc đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá theo hướng phát triển năng lực người học, xây dựng các chương trình tăng cường kỹ năng sống, giáo dục Stem, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xã hội hóa giáo dục trong việc giúp đỡ về kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, hỗ trợ dạy học và sinh hoạt của học sinh và giáo viên vùng cao.

Mới nhất

x
Mở rộng nội dung chương trình 'Phòng giúp phòng, trường giúp trường' với các huyện miền núi Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO