Mở rộng phạm vi bồi thường của Nhà nước
Sáng 31/5, Quốc hội họp phiên toàn thể để thảo luận dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) với nhiều nội dung quan trọng.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày cho biết: Dự thảo luật này đã được thảo luận tại kỳ họp thứ 2, được các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của đại biểu, các nhà khoa học, người dân để trình ra kỳ họp này.
Theo đó, một trong những vấn đề lớn mà dự thảo Luật đưa vào là mở rộng phạm vi bồi thường của Nhà nước, không chỉ trong hoạt động tố tụng hình sự, mà còn đưa thêm bồi thường đối với hoạt động quản lý hành chính do áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính trái pháp luật. Điều này cũng phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, đồng thời tăng cường tính minh bạch, góp phần thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Đối với bồi thường trong tố tụng hình sự, dự thảo Luật cũng bổ sung trường hợp “Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp mà không có căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật” cho thống nhất với quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, nhưng cụ thể và chặt chẽ hơn, bảo đảm tính khả thi, đồng thời bảo đảm hoạt động bình thường của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Bồi thường trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, dự thảo Luật quy định cụ thể trường hợp bồi thường “Ra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, nhưng bị cơ quan có thẩm quyền kết luận là trái pháp luật, mà người ra bản án, quyết định đó bị xử lý kỷ luật, xử lý trách nhiệm hình sự, hoặc hành vi trái pháp luật của họ đã được xác định tại quyết định giải quyết khiếu nại hoặc kết luận nội dung tố cáo của chánh án tòa án có thẩm quyền”.
Cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường
Một trong những vấn đề được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm là nguyên tắc bồi thường và giải quyết bồi thường Nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, đa số ý kiến đề nghị cần kế thừa nguyên tắc bồi thường như quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành và các luật có liên quan. Đồng thời đề nghị, người bị thiệt hại khi đã có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường thì có quyền khởi kiện tại tòa án yêu cầu giải quyết bồi thường.
Về xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự được nhiều đại biểu tập trung thảo luận. Theo đó, đa số ý kiến thống nhất với quy định xác định cơ quan giải quyết bồi thường như dự thảo Luật theo nguyên tắc chung là cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị oan, sai.
Giải trình về nội dung này, UBTVQH cho rằng, trong hoạt động tố tụng hình sự, các trường hợp gây oan cho công dân thường liên quan đến trách nhiệm của nhiều người thi hành công vụ trong các cơ quan tiến hành tố tụng đã tham gia điều tra, truy tố, xét xử vụ án. Để giải quyết bồi thường cho người bị oan, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành và dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội đều thống nhất nguyên tắc xác định cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng sẽ chịu trách nhiệm thay mặt Nhà nước giải quyết bồi thường.
Tuy nhiên, trong thực tế, đặc biệt là trong các giai đoạn tiến hành tố tụng có những “điểm rơi” khó xác định một cách rành mạch cơ quan nào là cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng. Dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội đã quy định rõ hơn việc giải quyết vấn đề này trên cơ sở nguyên tắc nêu trên, đồng thời bảo đảm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong từng giai đoạn tố tụng.
Nhiều đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp thuộc trách nhiệm của nhiều người tiến hành tố tụng; quy định cụ thể về Hội đồng xác định trách nhiệm hoàn trả.
Đối với vấn đề này, UBTVQH cho rằng, quy định cụ thể về trách nhiệm hoàn trả trong Luật là cần thiết, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, nâng cao trách nhiệm người thi hành công vụ.
Mức hoàn trả cụ thể như dự thảo quy định đã được cân nhắc, tính toán trên cơ sở tổng kết thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành, bảo đảm tính hợp lý, tính khả thi. Do đó, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể hơn về mức hoàn trả căn cứ vào yếu tố lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người thi hành công vụ.
Về thẩm quyền, thủ tục xác định trách nhiệm hoàn trả của Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ,... đều được quy định chặt chẽ trong dự thảo Luật sửa đổi lần này.
Theo Chinhphu.vn
TIN LIÊN QUAN |
---|