Mong Chính phủ trị nạn lót tay, bôi trơn
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân đề nghị Chính phủ ra tay cùng cộng đồng DN trị nạn lót tay, bôi trơn, nếu không căn bệnh này sẽ làm hủy hoại đạo đức phát triển DN.
Chia sẻ trước thềm hội nghị Thủ tướng đối thoại với DN năm 2017 diễn ra hôm nay, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam khẳng định hiệu ứng từ cuộc đối thoại lần trước rất tốt.
Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân |
Ngay sau đối thoại lần 1, Thủ tướng tập trung các ý kiến và giải đáp tất cả các câu hỏi cơ bản của DN.
Các kiến nghị của DN đã được tổng hợp đưa vào nghị quyết 35. Hiện nay một số lĩnh vực như hải quan, thuế, thủ tục hành chính cải thiện rất nhiều. Những phiền hà, phiền nhiễu, hách dịch trong các cơ quan hành chính đang chuyển đổi từ từ.
Những tiêu cực, kể cả chi phí không chính thức cũng giảm đi nhiều nhưng vẫn còn là vấn đề bức xúc của DN hiện nay.
“Tôi hy vọng đợt đối thoại làn này, Thủ tướng và Chính phủ sẽ có những hành động mạnh mẽ hơn nữa”, ông Thân chia sẻ.
Đại diện cho cộng đồng DN nhỏ và vừa, ông sẽ chuyển tải những mong muốn gì tới Chính phủ trong cuộc đối thoại lần này?
Mong muốn của tôi là chuyển tải vấn đề chi phí của DN, trong đó có cả chi phí chính thức và không chính thức. Cụ thể chi phí chính thức cao như thế nào và tại sao nó cao, tại sao lại để tình trạng chi phí không chính thức và nguyên nhân. Đây là vấn đề tôi rất tâm huyết để nói trong hội nghị đối thoại lần này.
Đây không chỉ là vấn đề bức xúc của DN nhỏ và vừa mà còn là bức xúc của những DN khác nữa, kể cả DN lớn, DN FDI.
Chính điều này tạo ra giá thành sản phẩm cao hơn, làm mất tính cạnh tranh thị trường. Trong khi khách hàng muốn mua sản phẩm phải tốt, giá phải đảm bảo, chi phí cao dẫn đến giá cao thì người ta khó mua hơn.
Nhất là sắp tới, khi chúng ta hội nhập sâu rộng áp dụng các điều kiện về FTA, các DN FDI, DN ở nước ngoài nhập khẩu vào giá thành rẻ, sản phẩm của mình giá thành cao thì rất nguy hiểm, rất dễ chết trên sân nhà.
Tiếng kêu thì nhiều lắm! Nhiều khi DN cũng chủ động bôi trơn để được việc. Đấy không phải là tích cực. Trong câu chuyện bôi trơn có 2 chuyện xảy ra. Một là công chức nhà nước ép DN để phải có gì đó mới ra hồ sơ cho họ, nhiều lúc vì công việc để làm kịp thời nên DN cũng chủ động bôi trơn cho nhanh dù biết vi phạm pháp luật.
Nhưng cũng có trường hợp DN chủ động bôi trơn vì năng lực kém, muốn tranh thủ quan hệ, tranh thủ nọ kia để được việc.
Xây dựng thể chế chính sách, văn hóa kinh doanh
Theo ông, phải làm gì để khắc phục tình trạng này?
Cái này dứt khoát phải đề nghị Chính phủ ra tay dù là khó. Chính phủ và cộng đồng DN phải cùng nhau xây dựng thể chế chính sách, văn hóa kinh doanh. Tức là phải làm 2 chiều mới chống được căn bệnh này.
Phía Chính phủ phải làm sao đưa ra được những giải pháp để bớt đi thủ tục không cần thiết, bớt chi phí không đâu vào đâu. Năm nay phải giảm hơn năm ngoái, năm sau phải giảm hơn năm trước. Ta không cực đoan là phải giảm ngay được nhưng phải làm dần dần.
Cộng đồng DN cũng phải cam kết không tạo điều kiện cho các chi phí không chính thức có chỗ sống. Phảo đồng hành cùng Chính phủ xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, văn hóa không tạo điều kiện cho chuyện xấu, tức mình lót tay, bôi trơn, nói không với tiêu cực.
Bây giờ biện pháp như thế nào cần Chính phủ, cộng đồng DN phải nghiên cứu để đưa ra, ngăn chặn cái này càng sớm càng tốt, nếu không căn bệnh này sẽ làm hủy hoại đạo đức phát triển DN, ảnh hưởng tăng trưởng.
Phải siết chặt kỷ luật với viên chức, công chức, ai vi phạm phải làm cho nghiêm minh, ai làm tốt thì được khen thưởng.
Ngược lại DN phải tuân thủ pháp luật, nếu ai không tuân thủ pháp luật thì phải trị, không có chuyện người sai, người không sai, người tích cực, người không tích cực đều như nhau. Từ đó lại xảy ra tình trạng người tiêu cực thì thành công và ngược lại.
Theo Vietnamnet
TIN LIÊN QUAN |
---|