Moon Jae-in nóng lòng về “buổi diễn” Hàn-Mỹ-Triều

Lan Hạ 01/06/2018 17:41

(Baonghean.vn) - Trong bối cảnh giới chức cấp cao Mỹ và Hàn Quốc khẩn trương công tác chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, Hàn Quốc đã “dòm ngó” về khả năng tiến hành một cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên Hàn-Mỹ-Triều với sự tham dự của Tổng thống Moon Jae-in.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: AP

Giới chức Hàn Quốc nói rằng cuộc gặp 3 bên này sẽ chỉ diễn ra nếu được hỗ trợ bởi kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh giữa Bình Nhưỡng và Washington. Tổng thống Hàn Quốc nói rằng ông hy vọng một cuộc gặp như vậy có thể diễn ra ngay sau cuộc gặp giữa Trump và Kim dự kiến diễn ra vào ngày 12/6 tại Singapore.

Moon Jae-in nóng lòng về “buổi diễn” Hàn-Mỹ-Triều. Ảnh: Getty

Một cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo 3 nước có thể đóng vai trò là bước khởi đầu để Tổng thống Moon tiến tới đạt được mục tiêu tìm kiếm lâu nay: một hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.

Giới chuyên gia cho rằng chính quyền Tổng thống Moon coi một tuyên bố về hiệp ước hòa bình này là một động lực để Triều Tiên nhất trí thực hiện phi hạt nhân hóa. Ngoài ra, họ cho rằng đây cũng là một vấn đề mang tính cá nhân đối với Tổng thống Moon khi ông là con trai của một gia đình tị nạn từ Triều Tiên.

Kim Yong-hyun, Giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Dongguk ở Seoul nhận định: “Nếu có một tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, thì sẽ mở ra một con đường đạt được hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Vì vậy, ông Moon muốn tuyên bố kết thúc chiến tranh càng sớm càng tốt”.

Tuy nhiên, theo hai nguồn tin thân cận với chiến lược đàm phán hiện nay của Washington, hiện chính quyền Trump bị chia rẽ về việc một khi nhất trí về một hiệp ước hòa bình ngay tại thời điểm ban đầu của cuộc đàm phán thì sẽ chẳng khác nào dễ dàng nhường cho Bình Nhưỡng một nhượng bộ đáng kể trong đàm phán.

Một quan chức cấp cao chính quyền Seoul nói rằng, cả Tổng thống Moon và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, đều “háo hức” muốn đóng một vai trò nào đó trong các cuộc đàm phán, song kể từ hồi tuần trước đến nay, mong muốn đó nhường chỗ cho mục tiêu là làm sao duy trì cuộc gặp giữa Trump và Kim như đã được lên kế hoạch ban đầu.

“Tổng thống (Trump) đang cố gắng giữ khoảng cách với họ (Abe và Moon)”, quan chức giấu tên trên chia sẻ. Lý thuyết của Trump là ông ấy có thể xây dựng mối quan hệ tốt hơn với Kim mà không cần nhờ đến Abe và Moon và khi ấy Trump sẽ có được sự đảm bảo mà ông ấy cần trong dạng thức đàm phán một đối một”.

Theo các nguồn tin thân cận, nếu Mỹ và Hàn Quốc quyết định mời Hàn Quốc tham gia thì Tổng thống Moon có thể đến Singapore sớm nhất vào chiều ngày 13/6. Điều này sẽ cho phép Trump và Kim thảo luận những vấn đề chính yếu tại cuộc gặp ngày 12/6 và để cho ông Moon có mặt ở Seoul trong ngày 13/6, thời điểm các cuộc bầu cử địa phương sẽ được tổ chức ở Hàn Quốc.

Theo một nguồn tin, Hàn Quốc đã cử một quan chức đến Singapore để chuẩn bị kế hoạch cho Đối thoại an ninh Shangri-la bắt đầu diễn ra vào ngày 1/6. Những công tác chuẩn bị này cũng có thể hỗ trợ phần nào cho một cuộc gặp 3 bên có thể xảy ra với Trump và Kim.

Tại cuộc gặp liên Triều hôm 27/4, hai nhà lãnh đạo Moon và Kim đã nhất trí “tích cực theo đuổi” các cuộc đàm phán 3 bên với Mỹ hoặc 4 bên với sự tham dự của Trung Quốc, để biến thỏa thuận đình chiến 1953 thành hiệp ước hòa bình lâu dài.

Trong tuyên bố Panmunjom được ký kết bởi Moon và Kim, hai nhà lãnh đạo nhất trí “chấm dứt tình trạng chiến tranh hiện nay và thiết lập một chế độ hòa bình trên bán đảo Triều Tiên là một sứ mệnh lịch sử không thể bị trì hoãn thêm nữa”.

Một số giới phân tích tỏ thái độ hoài nghi, cho rằng việc nhất trí một hiệp ước hòa bình sẽ tạo ra một sự khác biệt đáng kể. Chun Yung-woo, cựu cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc và từng là nhà đàm phán hạt nhân với Triều Tiên, phân tích rằng thỏa thuận đình chiến được ký 65 năm trước đây chỉ là một tuyên bố chấm dứt chiến tranh trên thực tế.

Một tuyên bố chính thức tại cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên sẽ “không hơn gì một cam kết chính trị đối với một hiệp ước hòa bình, như một phần của thỏa thuận phi hạt nhân hóa. Tuyên bố này cũng không thể đóng vai trò thu hẹp sự khác biệt về vấn đề phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên”, ông Chun nói.

Bình luận về vai trò của Tổng thống Moon trong cuộc gặp 3 bên, ông Chun nói: “Ngay cả khi ông Moon muốn đóng vai trò nào đó với bất kỳ thỏa thuận nào có thể đưa ra sau cuộc gặp Trum-Kim thì ông ấy vẫn có nguy cơ bị coi như một ‘người thừa’ háo hức muốn đóng vai trong buổi diễn Trump-Kim”.

Việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh có thể đóng vai trò như một bước đi đầu tiên tiến tới bình thường hóa quan hệ của Triều Tiên với Mỹ và mở đường cho một hiệp ước hòa bình mà theo đó binh sĩ Mỹ có thể sẽ rời bán đảo Triều Tiên vào một thời điểm nào đó, nhận định của Duyeon Kim, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại chương trình Diễn đàn Tương lai bán đảo Triều Tiên ở Seoul.

Hồi đầu tuần, Moon bày tỏ hy vọng theo đuổi một cuộc gặp 3 bên nếu cuộc gặp Mỹ - Triều vẫn diễn ra như dự định. Tuy nhiên, từ đó đến nay, ông chủ Nhà Xanh đã nỗ lực ém nhẹm những đồn đoán về kế hoạch của mình.

Theo nhà nghiên cứu Duyeon Kim, trong bối cảnh vẫn tồn tại những khác biệt lớn giữa Mỹ và Triều Tiên xoay quanh vấn đề phi hạt nhân hóa, vẫn còn quá sớm để có thể nói rằng liệu một cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên có thể diễn ra hay không. “Cuộc gặp ba bên là một nỗ lực đầy tham vọng, song chúng ta sẽ chờ xem”./.

Theo (Theo Washington Post)
Copy Link

Mới nhất

x
Moon Jae-in nóng lòng về “buổi diễn” Hàn-Mỹ-Triều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO