Một cuộc thi, một trang sử đẹp nơi Bác Hồ về thăm
(Baonghean.vn) - Một ngày Đông nắng đẹp, tôi cùng Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Đăng Chế và Vũ Minh Thao - nguyên Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành về thăm Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành. Mảnh đất này là nơi ghi dấu sâu đậm tình cảm của Bác Hồ với Nhân dân xã Vĩnh Thành khi Người về thăm ngày 10/12/1961.
Rải bộ trên con đường nhựa đủ rộng cho 2 chiều xe ô tô xuôi ngược với 2 hàng cây mướt xanh, lòng tôi cứ lâng lâng. Nhằm thẳng hướng nhà lưu niệm Bác, vừa đi anh Vũ Minh Thao vừa kể về ngày khai trương nhà lưu niệm Bác cách đây 30 năm (năm 1991). Câu chuyện vui bỗng ký ức ùa về trong tôi kỷ niệm ba mươi năm trước - nơi in dấu một trang sử đẹp của Mặt trận Tổ quốc huyện Yên Thành, cũng là một kỷ niệm đẹp trong đời công tác của tôi.
Bác Hồ làm việc với lãnh đạo xã Vĩnh Thành ngày 10/12/1961. Ảnh tư liệu |
Đó là dịp đầu tháng 10 năm 1991, khi đang là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Yên Thành, tôi đã đề xuất cùng tập thể và trực tiếp tổ chức thành công cuộc “Thi kể chuyện truyền thống”, đúng dịp kỷ niệm 30 năm ngày Bác về thăm xã Vĩnh Thành, một điển hình xuất sắc của miền Bắc xã hội chủ nghĩa về sản xuất nông nghiệp và thực hiện “Tết trồng cây” theo lời kêu gọi của Người. Cuộc thi thu hút sự tham gia của nhiều lứa tuổi, các tầng lớp nhân dân trong huyện. Các thôn, xã đua nhau tập luyện hát múa, kể chuyện. Đặc biệt, người dự thi sẽ kể những câu chuyện của chính mình trên hành trình tham gia các sự kiện kinh tế, chính trị ủng hộ cách mạng theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc. Nhiều cụ già trên 70 đã đăng ký tự kể chuyện. Người kể về ngày cùng toàn dân tiến về huyện đường giành chính quyền năm 1945, người kể chuyện mình tham gia tuần lễ vàng và vận động mọi người cùng tham gia,...
Tôi vừa nhắc lại kỷ niệm ấy, anh Vũ Minh Thao tiếp lời: “Ngày ấy, lãnh đạo xã Vĩnh Thành phấn khởi lắm, đã lên kế hoạch phân công cụ thể cho các lực lượng, đoàn thể quần chúng từ việc sửa chữa, tân trang các tuyến đường trong xã, đặc biệt đường vào Khu lưu niệm Bác Hồ. Lạ nhất khi đó là người của các xã ở gần nhất vẫn đăng ký ở lại…”.
Trở lại với sự kiện cách đây 30 năm, khi kế hoạch cuộc thi kể chuyện truyền thống được truyền đi, tôi nhận được tin Đại tá Phan Đức Khước ở xã Liên Thành đăng ký kể câu chuyện: “Trực tiếp tham gia cướp chính quyền ở Phủ huyện ngày 25/8/1945”. Tiếp đó, nhà giáo Tô Sỹ Giơu, xã Minh Thành cũng đăng ký kể chuyện tham gia Tổng khởi nghĩa. Và một cụ bà ở xã Phú Thành đăng ký kể chuyện bản thân và vận động bà con tham gia “Tuần lễ vàng” ủng hộ Chính phủ sau Cách mạng Tháng Tám thành công... Tin vui dồn dập từ các cơ sở về MTTQ huyện. Không khí tại cơ quan MTTQ huyện khác hẳn ngày thường, rộn ràng hơn, náo nức hơn... Tất cả tạo nên một không khí vui tươi, phấn khởi từ mọi thôn, xóm trong huyện.
Cắt băng khánh thành Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm xã Vĩnh Thành (12/2011). Ảnh tư liệu |
Còn nhớ trong một lần hội ý, anh Nguyễn Văn Bồng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện nói: “Không khí chuẩn bị của các xã rất sôi nổi. Người già, người trẻ nhiệt tình hưởng ứng cuộc thi. Đặc biệt có cụ đăng ký kể chuyện nhưng không thể đi được phải nhờ con, cháu chở đến, có thể không đứng kể chuyện được, xin được ngồi kể chuyện…”.
Trong những ngày chuẩn bị cuộc thi, tuần nào tôi cũng về Vĩnh Thành để kiểm tra công tác chuẩn bị như địa điểm thi, chỗ ăn nghỉ của các đoàn, công tác tuyên truyền và các sinh hoạt trước, trong những ngày diễn ra cuộc thi. Điều mừng nhất là lãnh đạo xã Vĩnh Thành rất nhiệt tình.
Nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Thành Vũ Minh Thao nhớ lại: Đảng ủy, UBND xã đã huy động tất cả các lực lượng có thể để phục vụ cho cuộc thi. Điều lo nhất là bố trí nơi ăn nghỉ của 22 đoàn trong huyện về dự hội thi…
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành Nguyễn Thanh Hùng dẫn chúng tôi vào thăm nơi trưng bày những hiện vật của Bác Hồ dịp về thăm xã Vĩnh Thành ngày 10/12/1961… Thuyết minh là cô gái có giọng nói nhỏ nhẹ, ấm áp. Khi kể về các bức ảnh đang trưng bày, bỗng cô thuyết minh quay sang phía tôi: “Có những hiện vật này công đầu của bác Lăng Hồng Quang”. Có chút ái ngại, có chút vinh dự, tôi nhớ lại ngày chuẩn bị khai trương nhà lưu niệm Bác, nhìn các tủ lưu niệm chưa có hiện vật gì; tôi nghĩ mình phải góp một cái gì đó để thêm phong phú. Tôi nhớ, quê mình có Nguyễn Bá Ngọc, người xã Liên Thành làm ở Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội). Tôi gọi điện cho Ngọc nói rất muốn mua một bộ áo và đôi dép cao su của Bác để trưng bày trong nhà lưu niệm Bác ở xã Vĩnh Thành. Ngọc nói: “Mua thì không có, em có thể chỉ nơi để anh đặt họ làm”. Tôi vui đến mức khó tả. Khi gửi bộ áo và đôi dép cao su của Bác Hồ vào Nhà lưu niệm, tôi thấy lòng mình ấm áp lạ. Nhưng tôi vẫn không thôi trằn trọc: “Đơn sơ quá, cần phải có thêm hiện vật hoặc hình ảnh làm phong phú hơn cho Nhà lưu niệm. Nhanh nhất là ảnh”. Nghĩ thế, tôi nhớ ngay đến NSNA Văn Hoành. Hôm sau tôi vào thành phố Vinh, gặp Văn Hoành nhờ tìm và phóng giúp một số ảnh về cuộc thăm xã Vĩnh Thành của Bác Hồ 30 năm trước. Văn Hoành hướng dẫn tôi lên Bảo tàng Xô Viết hoặc Khu Di tích Kim Liên, nhưng lúc ấy thời gian rất hạn hẹp. May thay, tôi nhớ ra cô Phùng Ngân Hoa, quê Yên Thành làm lưu trữ ở UBND tỉnh. Thì ra ở cô Hoa có tất cả bộ ảnh ngày Bác Hồ về thăm xã Vĩnh Thành. Tôi mượn bộ ảnh và dùng máy ảnh chụp lại. Băn khoăn là chỉ khoảng 20 - 25% ảnh có thể dùng được. Lại tìm đến Văn Hoành. NSNA Văn Hoành và chị Hồ vợ anh đã dày công chấm sửa ảnh, chụp, phóng lại đến lần thứ ba với 23 bức ảnh, tất cả gần như hoàn hảo. Gia đình nghệ sỹ cũng ủng hộ toàn bộ kinh phí phục chế và phóng ảnh. Mấy ngày sau đó, nhà lưu niệm Bác Hồ ở xã Vĩnh Thành có bộ “Những bức ảnh Bác Hồ thăm xã Vĩnh Thành ngày 10/12/1961” khá đầy đủ.
Trước Nhà lưu niệm Bác Hồ tại xã Vĩnh Thành (tác giả đứng thứ ba trái sang). Ảnh: TGCC |
Đúng 08h00, ngày 05/12/1991 Lễ khai mạc cuộc thi và lễ dâng hương lên Bác diễn ra. Từ nhiều ngả đường, các đoàn người với biểu ngữ, cờ búa liềm, cờ đỏ sao vàng rạng rỡ tiến về lễ đài. Có 23 đoàn đến từ các xã trong huyện và đông đảo các tầng lớp nhân dân xã Vĩnh Thành cùng các xã lân cận về tham dự. Đoàn đại biểu của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện do ông Nguyễn Vĩnh Thú - Chủ tịch UBND huyện dẫn đầu. Đoàn đại biểu Ủy ban Đoàn kết Công giáo huyện nhà gồm 5 linh mục, do cụ Nguyễn Văn Khôi dẫn đầu…
Cuộc thi diễn ra sôi sổi, hào hứng thu hút đông đảo nhân dân đến nghe và cổ vũ. Nhiều chuyện kể thật xúc động.
Ông Thái Huy Hoàng - Bí thư Đảng ủy xã trầm ngâm: “Tôi nhớ và vui nhất là được nghe trực tiếp bác Ngô Minh Hớn - đoàn Vĩnh Thành, người kể chuyện đầu tiên. Bác Hớn là người được trực tiếp đón Bác Hồ năm xưa đã kể về phút cảm động khi gần bên Bác. Bác Hớn kể, lúc toàn dân ngồi lặng phắc chờ nghe Bác Hồ nói chuyện, Người bước ra giơ tay chào bà con. Tiếng vỗ tay như không dứt. Ai ai cũng lau nước mắt vì xúc động. Rồi một lãnh đạo huyện cầm chiếc ô đen đến gần che nắng cho Bác. Bác gạt tay và nói: “Chú có che được cho các cụ và hết thảy bà con thì che cho Bác!”... Cả rừng người lại trào nước mắt. Có người khóc thành tiếng. Cụ Hớn kết thúc bài thi bằng bài thơ “Dư âm lời Bác”. Bài thơ có câu: “Xã Vĩnh Thành được đón Bác về thăm/Lời Bác dạy còn dư âm đọng mãi/Như hoa trái ngọt ngào đất xóm Trại/ Mỗi độ Đông về hoa lại bừnghương…”. Xóm Trại là nơi ta đang đứng đây. Nơi đây là trại ươm cây của các cụ phụ lão thời đó…”.
Nhớ về cuộc thi, nhớ về những kỷ niệm khó phai như chuyện kể của Đại tá Phan Đức Khước, kể về khí thế hào hùng của Nhân dân khắp nơi trong huyện kéo về huyện đường. Tiếng hô khẩu hiệu như sấm dậy và đoàn người tiến vào dinh bắt tri huyện. Cảm động hơn là hình ảnh nhà giáo Tô Sỹ Giơu, mặc trang phục lính trong vở tuồng cổ, có kiếm dắt ngang hông. Thầy dạo một vòng quanh sân khấu và kể chuyện mình: “Ngày ấy, tôi vừa 17 tuổi…”. Thầy kể nôm mà thu hút vô cùng, nhiều đợt vỗ tay vang lên không ngớt. Và nhiều, nhiều nữa những câu chuyện thực, hay từ nội dung và từ tâm thế người kể đến sự hưởng ứng của khán giả…
Quang cảnh xã Vĩnh Thành nhìn từ trên cao. Ảnh: Sách Nguyễn |
Khó khăn nhất, vất vả nhất là Ban Giám khảo do nhà giáo Hoàng Trử làm Trưởng ban, các thành viên khác có tôi và các anh: Nguyễn Văn Bồng, Lê Xuân Nhương, Nguyễn Văn Hạnh, Phan Thế Phiệt,… Còn nhớ trước khi kết luận xếp giải cuộc thi, thầy Hoàng Trử gặp riêng tôi nêu dự kiến. Thầy nói: Khó quá, và thầy đưa ra đồng giải Nhất cho 2 người, gồm cụ Khước và cụ Hớn; giải Nhì trao cho 2 cụ: cụ Giơu và cụ Phan Quang; giải Ba cho 3 cụ: cụ Ánh Hồng (Phan Duật), cụ bà Lưu Thị Xuân và cụ Hoàng Đức… Tôi chỉ còn biết: Vâng!
Đi quanh Khu lưu niệm trên con đường làng nhựa phẳng bóng hôm nay, trước dịp kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm xã Vĩnh Thành, nhớ những lời dặn của Người đã giúp Vĩnh Thành nói riêng và cả huyện Yên Thành nói chung tiến lên thành đơn vị Nông thôn mới của cả nước, tôi càng nhớ và tự hào về Mặt trận Tổ quốc huyên Yên Thành bởi đã tổ chức thàng công một cuộc thi giàu ý nghĩa!
Vĩnh Thành tháng 11 năm 2021