Một đời đắm say với tiếng sáo quê hương

Nguyễn Minh An là đời đầu của thế hệ 9X, sinh ra và lớn lên trong bối cảnh các phương thức giải trí thời công nghệ số bắt đầu lan tỏa đến từng ngõ, từng nhà. Thế nhưng, không hiểu sao người dân Nghi Thái (Nghi Lộc) quê em lại rất thích thổi sáo và nghe tiếng sáo, như thể chỉ có sáo là loại hình giải trí duy nhất nơi đây vậy. Trong xóm nhỏ nơi gia đình em sinh sống, có rất nhiều người thổi sáo hay, từ người già đến trẻ nhỏ, đâu đâu cũng thấy người ta tập sáo. Ấy thế nên cậu bé An đã ngấm giai điệu du dương tha thiết ấy từ thuở mới lên 5. Những bài “sáo phủi” em tự mày mò học hỏi như Lý cây bông, dân ca Nam bộ hay những bài nhạc phim Tân dòng sông ly biệt được An thổi rất mượt. “Người ta chỉ tập sáo khi rỗi rãi, hoặc lúc có không gian phù hợp, riêng em tập sáo bất cứ lúc nào. Chỉ cần ngơi tay là em cầm sáo” – An nhớ lại.

Những năm tháng học tiểu học và THCS, An là học sinh giỏi đều tất cả các môn. Em có mặt trong đội tuyển học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện và được thầy cô, gia đình kỳ vọng, đặt niềm tin rất lớn. Nhưng, bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời niên thiếu của An chính là phần thưởng mẹ tặng em khi đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện môn Ngữ văn. Đó là, An được mẹ cho dự thi lớp tuyển sinh bộ môn sáo ở Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật tỉnh. “Không may là mẹ em lại nạp chậm hồ sơ, lúc em đến thi thì người ta đã khép hồ sơ mất rồi” – An kể. Chưng hửng và hụt hẫng, định ra về nhưng em được một giáo viên trong hội đồng giám khảo “mách nhỏ” rằng nếu thật sự đam mê, có thể dự thi ở Học viện Âm nhạc Quốc gia, cũng với hệ tuyển sinh bậc trung cấp.

Đã quyết “nhận phần thưởng” là phải nhận một cách trọn vẹn, An xin mẹ ra Thủ đô một chuyến và được mẹ đồng ý. “Mẹ em nghĩ đơn giản là cho em một chuyến đi chơi xa, còn em thì ước một lần được thi sáo” – An cười nhớ lại. Khăn gói lên đường trước ngày thi tầm 1 tuần để được các thầy cô giáo hướng dẫn. Tưởng đã thạo sáo lắm rồi, nhưng hóa ra chính cái sự thuần thục từ bé ấy lại là lực cản khi thầy cô yêu cầu Minh An phải sửa đổi cho chuẩn chỉnh lại. Thầy giáo – NSƯT Triệu Tiến Vượng, người phát hiện và dìu dắt em từ buổi đầu tiên đến lúc em trưởng thành ở Học viện Âm nhạc Quốc gia, đã nói với em rằng: Nếu con muốn theo sáo thì con phải đổi từ thuận tay trái sang tay phải, vì nếu thổi hay đến mấy mà chỉ thuận tay trái thôi thì ban giám khảo sẽ không chấm cao và con không theo sáo chuyên nghiệp được đâu.

Bản độc tấu “Hồi tưởng”.

Sẵn có năng khiếu, An chuyển tay chỉ trong hai ngày, điều mà cả thầy giáo và chính em cũng không ngờ tới. Điều bất ngờ nhất đã đến với em ở mùa Hè năm đó, khi tiết mục Lý cây bông và Rừng xanh vang tiếng ta lư của em được chấm cao nhất, với 9,8/10 điểm. Dĩ nhiên, em trúng tuyển vào Học viện Âm nhạc Quốc gia.

Kết quả xuất sắc ấy mãi đến rất lâu sau này em mới biết, bởi khi giấy báo trúng tuyển gửi về nhà, bố mẹ An đã… giấu nhẹm đi! Cũng như nhiều phụ huynh khác, bố mẹ Minh An mong rằng cây sáo chỉ là người bạn tinh thần, giúp em thư giãn sau những giờ học hành căng thẳng. Những tưởng mong mỏi được đi theo con đường sáo chuyên nghiệp chỉ còn lại trong giấc mơ, thì bất ngờ thầy giáo tuyển trạch đã vào Cửa Lò nghỉ mát và tìm đến gia đình em. Thầy biết bố mẹ An đã nhận được giấy báo của nhà trường và bày tỏ rằng, gia đình hãy tạo điều kiện để em được đi theo con đường chuyên nghiệp. “Thầy chỉ nói rằng, gia đình đừng chặn mất tài năng và đam mê của cháu, nghệ thuật và tài năng không phải muốn là có được. Không ngờ bố mẹ em thay đổi và gật đầu đồng ý cho em “tay nải” ra Thủ đô” – An kể lại.

Hỏi rằng: Suốt chặng đường theo học sơ cấp, trung cấp đến đại học với nhiều khó khăn gian khổ, có bao giờ An nản chí không? An trả lời rằng có, nhất là những năm đầu xa nhà, em là đứa trẻ ở quê ra, lại còn quá nhỏ để có thể tự lập. Nỗi nhớ nhà và nhiều lúc mất phương hướng đã khiến cậu bé An muốn từ bỏ môi trường chuyên nghiệp. Nhưng niềm đam mê với sáo, lời hứa với bản thân đã neo giữ em ở lại, quyết tâm “dùi mài kinh sử”. Điều cần nhất ở một người theo đuổi nghệ thuật chính là phải biết nuôi dưỡng đam mê và có chí hướng với mục tiêu của mình. An đã làm được điều đó.

Minh An biểu diễn tại Liên hoan Âm nhạc chuyên nghiệp toàn quốc.
Minh An biểu diễn tại Liên hoan Âm nhạc chuyên nghiệp toàn quốc.

Càng học càng say, càng khó càng quyết tâm chinh phục, lần lượt những kỹ thuật khó của hơi, lưỡi, ngón được Minh An chiếm lĩnh trong các bậc học sơ cấp và trung cấp, những tác phẩm được thể hiện rất mượt mà, trọn vẹn nhiều cung bậc cảm xúc. An cho rằng: Cái khó nhất của sáo chính là độ nhuyễn của kỹ thuật, thể hiện tâm hồn nghệ sĩ gửi gắm vào tác phẩm. “Như trong tác phẩm Hương quê mà em vô cùng tâm đắc, ở tác phẩm này, ngoài kỹ thuật như lưỡi kép, đi ngón điêu luyện, người nghệ sĩ cần vận dụng nó để đưa tình cảm vào tác phẩm của mình, sao cho lột tả hết được vẻ đẹp hùng vĩ, nên thơ bằng trái tim yêu thiên nhiên, yêu con người; bằng trái tim rất Việt Nam khi cầm trên tay chiếc sáo trúc” – An chia sẻ.

Nguyễn Minh An được mời về quê hương Nghệ An với sự thiết tha của Phó Giám đốc Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh, nay là Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh. Khi vị này đến tận gia đình để trò chuyện với bố mẹ em, mong em về cống hiến cho tỉnh nhà, An nói rằng, ban đầu cũng hơi nghi ngại, sợ hụt hẫng và sợ môi trường nghệ thuật ở tỉnh không như mình mong muốn. Thế nhưng, trước sự thuyết phục của gia đình và của các bậc tiền bối, em đã quyết định trở về.

Về quê, môi trường tỉnh lẻ nhưng bầu không khí nghệ thuật và tình thân nơi đây đã khiến An bị thuyết phục. An được chơi những bản tình ca yêu thích trong một dàn nhạc dân tộc, được thể hiện hết khả năng của mình, lại được tín nhiệm và trọng dụng trên hầu hết các sân khấu lớn, nhỏ. Nhờ khả năng và tình yêu với sáo nên các bản nhạc khó anh em nghệ sĩ phải tập thời gian dài thì An chỉ nhìn vào đã chuyển tải được ngay. Thế nên, An có thời gian chia sẻ kinh nghiệm cho bạn bè, đồng nghiệp. Đó cũng là cách mà chàng nghệ sĩ trẻ ấy nhận được sự yêu quý, tin tưởng của các anh chị em nghệ sĩ trong đoàn.

Mới hơn 4 năm “đầu quân” vào Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh, nhưng Nguyễn Minh An đã gặt hái được nhiều giải thưởng danh giá, đó là Bằng khen dành cho Nghệ sĩ thổi Tiêu Sáo xuất sắc do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trao tặng tại Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch tổ chức tại Nghệ An năm 2022; Nghệ sĩ biểu diễn Sáo trúc xuất sắc do Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng tại Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2021 đợt 2 năm 2022 tổ chức tại Đắk Lắk. Huy chương Bạc với tiết mục Trầm tích dòng Lam tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2022. Cũng trong năm 2022, Minh An được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tặng giải thưởng Nghệ sĩ tiêu biểu của năm. Đặc biệt, trong Liên hoan Âm nhạc ASEAN, An đạt Huy chương Bạc hòa tấu Ru về nguồn cội; Giải Nhạc Công Chính xuất sắc của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch  trao tặng tại Liên hoan Âm nhạc ASEAN 2022 tại Hội An, Quảng Nam.

Nghệ sĩ Nguyễn Minh An được vinh danh nghệ sĩ tiêu biểu năm 2022.
Nghệ sĩ Nguyễn Minh An được vinh danh nghệ sĩ tiêu biểu năm 2022.

Giờ đây An nói rằng em “sống rất khỏe với sáo”, em nhận được rất nhiều hợp đồng lớn nhỏ cho các event và các chương trình sự kiện trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra em cũng nhận dạy theo hợp đồng tại trường Cao đẳng VHNT tỉnh, với 20 học viên. Đối với em, việc lan tỏa, gây dựng và trao truyền bộ môn Sáo là sứ mệnh. “Phát hiện và gây dựng những mầm non về sáo khiến em có hứng thú vô cùng, nó như là công việc của người dẫn đường, một con đường sáng đẹp và mới mẻ cho nhiều bạn trẻ” – An nói.

Tiết mục “Trầm tích dòng Lam”.