Một mai giấy dó…
Tương lai nào cho giấy dó, là trăn trở của nhiều người dân làm nghề ở xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc. Vẫn biết trong xu thế phát triển của xã hội, sự mai một ấy âu cũng là tất yếu, nhưng vẫn cần lắm sự cứu vãn, bảo tồn để giá trị văn hoá, lịch sử của làng nghề cổ xưa này không biến mất.
Tương lai nào cho giấy dó, là trăn trở của nhiều người dân làm nghề ở xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc. Vẫn biết trong xu thế phát triển của xã hội, sự mai một ấy âu cũng là tất yếu, nhưng vẫn cần lắm sự cứu vãn, bảo tồn để giá trị văn hoá, lịch sử của làng nghề cổ xưa này không biến mất.
Giấy dó trên đất cù kì
Không ai biết giấy dó làng Phong Phú, xã Nghi Phong có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, những người già trong làng lớn lên với tôi tay thoăn thoắt cạo vỏ niệt và cách làm giấy dó từ cây niệt in hằn trong tiềm thức. “Cách đây nhiều năm, khi đi tìm câu trả lời cho lịch sử làng giấy dó, mọi người đã đến phỏng vấn cụ già nhiều tuổi nhất làng – cụ Sửu. Lúc đó cụ đã 100 tuổi, vẫn vô cùng minh mẫn, vẫn ăn được cả kẹo lạc. Nhưng cụ cũng không có câu trả lời, cụ chỉ biết là nghề đã hình thành từ lâu lắm rồi” – bà Vương Thị Loan (sinh năm 1966), một trong những người dân hiếm hoi còn theo nghề, nói.
Cây niệt để làm giấy dó được người dân ở đây lấy từ ngoài đồng, trên núi hoặc mua về từ các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu và một số huyện ở tỉnh Hà Tĩnh. Vỏ cây niệt sau khi bóc khỏi thân cây, cạo sạch lớp tinh bên ngoài thì được lước mỏng như tờ giấy và nhồi với nước vôi, vắt sạch và nấu kỹ. Sau khi nấu, vỏ niệt được ngâm 1 ngày dưới dòng nước chảy rồi mang đi giã mịn, nhất định phải giã bằng tay để đảm bảo độ dẻo, dai. Sau cùng là công đoạn seo giấy. Khi tráng giấy dó, hỗn hợp vỏ cây niệt được múc đổ lên khuôn, lắc qua, lắc lại cho hỗn hợp dàn đều. Nước lã và nhựa cây bìm bìm sẽ chảy qua lưới, bột cây khô thành tờ giấy. Giấy dó thành phẩm sau khi khô mỏng, nhẹ, dai, có màu trắng đục. Loại giấy này được ưa chuộng bởi có thể để đến trăm năm cũng không bị mục nát nhờ sợi dó có khả năng hút và nhả ẩm tốt.
Để tiết kiệm thời gian, tăng năng suất, người làm giấy dó phải biết nhìn thời tiết mà bố trí công việc hợp lý, ngày mưa thì thực hiện khâu làm vỏ, trời nắng thì tráng phơi khô. “Ngày khô thì phơi giấy, ngày mưa thì cạo niệt, nếu đủ nguyên liệu thì gần như có thể sản xuất quanh năm. Tuy nhiên, vì nguyên liệu ngày càng khan hiếm nên thông thường cứ 4-5 ngày chúng tôi mới làm phơi một mẻ. Nghề dù không nặng nhọc, nhưng vì làm thủ công nên đòi hỏi phải cần cù, chịu khó, khéo tay” – ông Nguyễn Văn Hà (sinh năm 1960) chia sẻ.
Trong quá trình làm nghề giấy dó, nhiều người dân đã thử áp dụng một số cách làm nhằm cải tiến, đổi mới sản phẩm. “Trước đây giấy dó không trắng như bây giờ đâu, giấy có màu ngả nâu, sẫm hơn nhiều. Có một dạo, bà Tuyết (một người dân làm nghề trong làng) làm ra những tờ giấy trắng sáng hơn hẳn, đẹp lắm, thương lái đổ xô mua hàng giấy trắng, chúng tôi ế giấy nâu. Không ai biết bà Tuyết làm thế nào để có được những mẻ giấy đẹp như vậy. Cho đến khi bà Tuyết già yếu, không thể sản xuất được nữa, chúng tôi mới lân la hỏi bí quyết, lúc này bà mới tiết lộ. Cũng có nhiều người thử xay nguyên liệu thay vì giã tay thủ công, nhưng thành phẩm cuối cùng lại bị bở, không dùng được. Và càng làm tôi càng nhận ra ông cha ta thật quá tài tình khi nghĩ ra cách làm giấy dó, những nguyên liệu cơ bản để làm ra nó, không thể thêm cũng không thể bớt” – ông Hà chia sẻ thêm.
Là địa phương duy nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An sản xuất giấy dó thủ công, tháng 12/2007, làng nghề giấy dó Phong Phú được công nhận làng nghề cấp tỉnh. Nhưng vừa được công nhận xong, vì một số lý do, người dân đồng loạt bỏ nghề, chỉ còn khoảng 20 hộ duy trì. Từ đó đến nay, số hộ còn bám trụ cũng chỉ được 5 hộ, sản xuất đều tay chỉ còn 3 hộ.
Về công tác tại xã Nghi Phong hơn 1 năm nay, ông Nguyễn Công Ánh - Chủ tịch UBND xã nói: “Trước đây, khi còn làm việc ở UBND huyện Nghi Lộc, ấn tượng của tôi về xã Nghi Phong là câu nói “Nghi Phong là một xã nghèo với diện tích cù kì lớn…”. Cù kì nghĩa là cát bạc, đất cù kì không sản xuất, trồng trọt được gì. Bù lại, diện tích đất của xã lại nhiều gấp đôi những xã xung quanh, thế mạnh của bà con thiên về phát triển làng nghề, điển hình như sản xuất bún, mây tre đan, làm giấy”.
Về đâu giấy dó?
Những năm gần đây, sau khi quy hoạch lại TP. Vinh, Nghi Phong trở thành vùng lõi, giá đất lẫn tốc độ chuyển dịch ngành nghề nhanh chóng mặt. Diện tích để cây dó mọc xưa kia cũng không còn, cây niệt cũng dần biến mất.
“Tương tự nghề mây tre đan, khi nguyên liệu không còn, cơ hội việc làm khác đa dạng hơn, nhiều người dân bỏ nghề. Chỉ những người thật sự muốn gắn bó mới duy trì nghề bằng cách tìm nguồn nguyên liệu từ những nơi khác và đa số họ là người lớn tuổi. Sự thay đổi này như một điều tất yếu, rất khó có thể bảo tồn” – ông Nguyễn Công Anh chia sẻ.
Chúng tôi tìm về làng giấy dó Nghi Phong trong những ngày nắng đẹp. Với điều kiện thời tiết như vậy, cách đây khoảng 20 năm, đi đến đâu của làng Phong Phú cũng sẽ thấy khung giấy trắng phau phơi đầy vườn nhà, dọc các con đường đất. Nhưng bây giờ, hàng trăm hộ dân làm giấy dó khi xưa nay chỉ còn 3 hộ, khung giấy dó rợp trời bây giờ chỉ nằm khiêm tốn trong sân hoặc bên vỉa hè đường bê tông ngõ xóm. Sản phẩm giấy dó bây giờ cũng chủ yếu để phục vụ cho mục đích dán bụng cá, thỉnh thoảng mới có khách đặt số lượng lớn để làm hương trầm, quạt thủ công, diều…
"Tôi có 4 người con nhưng không ai theo nghề, đứa con gái duy nhất biết làm thì lại ở xa. 2 gia đình còn lại trong làng làm nghề cũng đều đã lớn tuổi. Có lẽ, khi thế hệ chúng tôi chết đi, chúng tôi cũng mang theo nghề sang thế giới bên kia…” - bà Loan cười.
“Không hẳn là người ta quay lưng với giấy dó đâu, nhiều năm trở lại đây, một số người khách tìm đến chúng tôi để học nghề và mong muốn lan toả nghề. Chúng tôi từng tham gia chia sẻ ở những buổi trải nghiệm do Bảo tàng Nghệ An và một số đơn vị tư nhân tổ chức. Thậm chí, có người Hàn Quốc từng đến nhà chúng tôi, học nghề, mua khung và đem giấy về nước của họ. Họ còn nhờ chúng tôi thử nghiệm nhiều mẫu mã giấy dó khác nhau, sáng tạo lắm, đẹp lắm. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ, không hề có tư tưởng giữ cho riêng mình, chỉ mong nghề quý của tổ tiên không mất đi” – ông Hà chia sẻ.
Ở nhiều nơi, nghề làm giấy dó được gìn giữ, phát triển thành một hoạt động trải nghiệm phục vụ du lịch. Thậm chí, với óc sáng tạo và tính thẩm mỹ, giấy dó được dùng để làm nên những tác phẩm nghệ thuật, ứng dụng rộng rãi trong sản xuất hàng lưu niệm. Đây cũng là một hướng đi sáng cho giấy dó truyền thống trong tương lai. Mong sao, tương lai đó sẽ thật gần.