Một người đàn ông TP HCM nghi nhiễm nCoV
Người đàn ông 65 tuổi ở Bình Chánh, xét nghiệm tại Bệnh viện Quân y 7A nghi ngờ dương tính nCoV, mẫu bệnh phẩm được gửi sang Viện Pasteur TP HCM, đang đợi kết quả khẳng định.
Bác sĩ Lê Quang Trí - Giám đốc Bệnh viện Quân y 7A, xác nhận thông tin trên với VnExpress chiều 4/1.
Bệnh nhân ngụ thị trấn Tân Túc, là quân nhân về hưu. Ngày 24/12/2020, ông từ TP HCM đến sân bay Nội Bài, Hà Nội, sau đó di chuyển theo đoàn 20 người trong tour du lịch đến Sa Pa. Chiều 27/12/2020, ông đi máy bay về TP HCM, ở nhà tại khu phố 5, trị trấn Tân Túc.
Ảnh minh họa. |
Ngày 28/12, ông xuất hiện triệu chứng ho, sốt, mua thuốc tây gần nhà uống. Ngày 29/12, ông đến khám phòng khám gần nhà, được bác sĩ kê toa thuốc về uống.
Đêm Giao thừa, ông nhập khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quân y 7A, bằng ô tô, có nhân viên quân y đi cùng. Các bác sĩ nghi ngờ, thực hiện khám sàng lọc, chẩn đoán bệnh nhân viêm phổi nghi Covid-19, tăng huyết áp, suy tim.
Theo cơ quan chức năng huyện Bình Chánh, trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm chính thức, địa phương đã phong tỏa căn nhà người đàn ông này ở.
Điều tra dịch tễ cho thấy từ khi về nhà sau chuyến du lịch, người này không tiếp xúc với hàng xóm. 24 người tiếp xúc trực tiếp đã được đưa vào khu cách ly của huyện. Hiện ngành Y tế địa phương tiếp tục truy vết các diện tiếp xúc gián tiếp.
Bệnh viện Quân y 7A đã được Bộ Y tế cấp phép thực hiện xét nghiệm khẳng định Covid-19.
TP HCM đã trải qua 33 ngày không ghi nhận ca nhiễm cộng đồng, kể từ ca nhiễm cuối trong chuỗi lây nhiễm từ một tiếp viên hàng không được ghi nhận ngày 2/12/2020.
Cuối tháng 12/2020, TP HCM ghi nhận 2 ca nhiễm nCoV là người nhập cảnh trái phép. Hai ca nhiễm này trong nhóm 9 người từ Myanmar đi theo đường mòn lối mở về An Giang, từ đó 3 người tản ra về các tỉnh miền Tây; 6 người đi chung xe về hướng TP HCM gồm 2 người xuống xe ở Long An để 1 về Đồng Tháp một về Vĩnh Long, 4 người đi thẳng đến TP HCM. Hiện cả nhóm này đã được phát hiện, cách ly, trong đó 4 người đã xác định nhiễm nCoV gồm "bệnh nhân 1440" (ở Vĩnh Long), "bệnh nhân 1452" (ở Đồng Tháp) và "bệnh nhân 1451", "bệnh nhân 1453" (ở TP HCM).