Một nửa số tiến sĩ làm 'quan' thì có gì đáng mừng?
GS Nguyễn Minh Thuyết: 50% số tiến sĩ làm việc trong các cơ quan quản lý Nhà nước, làm công chức, viên chức thì đó không phải là điều đáng mừng.
Theo số liệu của Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ), tính tới năm 2016, nước ta có tới hơn 24.000 tiến sĩ. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Giáo dục - Đào tạo, số tiến sĩ làm việc trong các trường ĐH, CĐ có khoảng 15.000 người.
Như vậy, có tới gần 50% tiến sĩ đang làm cán bộ, công chức. Đây là con số đáng mừng hay đáng lo? Giữa quan chức và tiến sĩ có mối quan hệ như thế nào? Bằng tiến sĩ có phải là điều kiện tốt để được thăng tiến. Đây là nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV và Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Giá trị của bằng tiến sĩ đang giảm sút
PV: Thưa Giáo sư, với một quốc gia có truyền thống hiếu học như Việt Nam, có người là tiến sĩ hẳn sẽ là niềm tự hào lớn của gia đình, dòng họ, thậm chí của làng xã?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Chắc chắn là như thế, dù bây giờ số lượng tiến sĩ rất nhiều, nhưng đối với mỗi gia đình, mỗi dòng họ là một niềm vui, vinh dự lớn.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết |
PV: Rõ ràng là học vị tiến sĩ rất đáng tự hào, xứng đáng được vinh danh. Thế nhưng, những năm gần đây, học vị tiến sĩ đang được nhìn nhận khác đi rất nhiều, có thể nói, giá trị của văn bằng này đang giảm sút nghiêm trọng tại Việt Nam. Vì sao lại như vậy thưa ông?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Nhận định này là đúng và có thể nói đây là một điều rất đáng buồn, mặc dù chúng ta phải khẳng định là hiện nay, nhiều người trẻ có học vị tiến sĩ ở nước ngoài cũng như bảo vệ luận án tiến sĩ ở trong nước là những người rất có năng lực, nhiều người có năng lực hơn thế hệ chúng tôi. Nhưng số đông hiện nay có thể nói năng lực kém. Tại sao “giá” của học vị tiến sĩ lại giảm sút như thế là do chúng ta chỉ chú trọng đến số lượng, mà không chú trọng chất lượng; công tác đào tạo bị buông lỏng, thậm chí có thể nói đã bị buông lỏng lâu rồi. Để lấy lại giá trị của văn bằng tiến sĩ, cần chấn chỉnh công tác đào tạo.
PV: Theo cách hiểu thông thường, những người có học vị tiến sĩ, học hàm PGS, GS thường làm các công tác nghiên cứu khoa học, công tác giảng dạy. Thế nhưng, có tới gần 50% tiến sĩ là cán bộ công chức, viên chức, theo ông, con số này là đáng mừng hay đáng lo?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Về con số do Bộ Khoa học - Công nghệ đưa ra tôi không rõ bên đó đã trừ đi những người có học vị tiến sĩ đã về hưu hay chưa. Thế nên tới 50% số tiến sĩ làm việc trong các cơ quan quản lý Nhà nước, làm công chức, viên chức thì đó không phải là điều đáng mừng. Bởi chúng ta đào tạo tiến sĩ để làm nghiên cứu khoa học, để giảng dạy ở bậc đại học chứ không phải để làm quan chức. Để làm quan chức, làm cán bộ công chức, không nhất thiết phải có bằng tiến sĩ.
Tôi nhớ từng làm việc với đoàn Thượng viện Australia năm 2003, Văn phòng Quốc hội giới thiệu tôi, một vị trong đoàn nghị sĩ Australia đã bày tỏ sự về số lượng tiến sĩ, giáo sư trong Quốc hội Việt Nam. Tôi nghĩ ông ấy nhận xét chân thành, còn thực ra, để hoạt động chính trị, không nhất thiết phải có bằng tiến sĩ, học hàm GS, PGS để phong cho những người làm công tác giảng dạy.
Học tiến sĩ để lên làm quan
PV: Trong báo cáo về tình hình cán bộ công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị địa phương, tỷ lệ tiến sĩ được đưa lên biểu dương như là một thế mạnh của cơ quan, đơn vị đó, trong khi năng lực và hiệu quả công việc của những tiến sĩ còn chưa biết thế nào. Phải chăng việc đánh giá cán bộ có chất lượng cao hay thấp thông qua hồ sơ lý lịch, danh vị đang được coi trọng hơn hiệu quả công việc thực tế, thưa ông?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Đây là một thực tế ở nước ta hiện nay. Dĩ nhiên, chúng ta muốn tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ thì phải dựa vào trình độ đào tạo của họ. Nhưng nếu chỉ dựa vào các văn bằng, các “mảnh giấy” thôi chưa đủ, mà phải đánh giá được năng lực thực tiễn của cán bộ. Tôi nghĩ rằng, ở các cơ quan công quyền, những cơ quan không phải đơn vị nghiên cứu khoa học, đơn vị đào tạo, có lẽ nên bớt ca tụng số lượng tiến sĩ, thạc sĩ. Chúng ta còn tiếp tục theo hướng đó, nghĩa là khuyến khích người ta lấy bằng sau đại học để làm quan.
PV: Câu chuyện nhập nhằng giữa cán bộ và tiến sĩ đã tồn tại lâu nay ở nước ta, trở thành một quán tính khó thay đổi, có đúng không thưa ông?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Theo tôi thì nó có truyền thống từ xa xưa, ngày xưa các cụ đi học và cũng học đến tiến sĩ là để làm quan. Bây giờ chúng ta có sự lằng nhằng giữa một bên học vị để nghiên cứu khoa học một bên là văn bằng để làm quan nên mới dẫn đến tình trạng như thế này. Nhưng ngày xưa, các cụ học đến tiến sĩ, học để làm quan thật, học chính sách cai trị, chính sách phát triển kinh tế… Bây giờ, ta học tiến sĩ là để nghiên cứu khoa học chứ không để làm quan như ngày xưa. Do đó, chúng ta phải dứt khoát không coi việc có văn bằng tiến sĩ hay thạc sĩ là một điều kiện để tuyển dụng hay bổ nhiệm; phải nâng cấp cán bộ công chức viên chức, trừ viên chức trong các cơ quan nghiên cứu khoa học và đào tạo.
PV: Theo ông, một người có thể đảm đương tốt cả trách nhiệm công vụ và trách nhiệm khoa học hay không?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Có thể có những người làm được như thế nhưng theo tôi, để đảm đương được cả “hai vai” là rất khó. Thời gian tôi làm Đại biểu Quốc hội, đồng thời vẫn phải hướng dẫn nghiên cứu sinh, vẫn phải đi dạy học, đi chấm luận án… phải làm việc vô cùng vất vả. Tôi nghĩ nếu rảnh tay chỉ làm một việc thì chắc việc đó sẽ tốt hơn.
Bằng sau đại học không thể là một “điểm cộng” để bổ nhiệm, tuyển dụng
PV: Phải chăng đây là căn nguyên của thực trạng nền khoa học của Việt Nam “vừa thiếu, vừa yếu”?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Căn nguyên thì có nhiều, không chỉ có mỗi chuyện đào tạo ra rồi dùng vào việc khác, đào tạo ra tiến sĩ không để nghiên cứu khoa học mà đi làm quan chức. Tuy nhiên, đây cũng là một căn nguyên. Có lẽ cần phải chấn chỉnh công việc này, với các cơ quan hành chính đơn thuần, cần xem lại có nên để anh em lấy thời gian, thậm chí tiền bạc để đi học tiến sĩ hay không. Nếu có một công chức say mê học hành, học ngoài giờ và tự bỏ tiền đi học thì không thể ngăn cản được. Người ta đi học như thế là vì niềm say mê khoa học và để sau đó chuyển sang làm công tác nghiên cứu khoa học, chứ không phải lấy bằng tiến sĩ ấy để lên chức. Trong tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ, không nên coi việc đào tạo sau đại học là một tiêu chuẩn, vì nếu chỉ làm công chức Nhà nước, người ta cần một cài tài khác, không cần bằng tiến sĩ.
PV: Để khắc phục những hạn chế, theo ông chúng ta cần có thay đổi gì?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Trước hết phải chấn chỉnh công tác đào tạo sau đại học, cụ thể phải siết chặt đầu vào, kiểm tra kỹ quá trình hướng dẫn, siết chặt đầu ra.
Thứ hai, trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự ở các cơ quan hành chính nhà nước, không nên sử dụng tiêu chuẩn về bằng cấp sau đại học như là một trong những tiêu chuẩn ưu tiên để được bổ nhiệm, tuyển dụng.
Thứ ba, nên chấm dứt việc phong học hàm cho những người chỉ làm việc ở các cơ quan hành chính, bởi chính các vị này “đầu têu” cho những người khác chạy theo học vị ảo. Đã đi làm quan chức ở nhà nước thì còn thời gian đâu đi dạy đại học mà phong giáo sư, phó giáo sư.
Chỉ nên phong cho những người đang trực tiếp đào tạo. Thứ tư, về mặt xã hội, phải có đòi hỏi, đánh giá về hiệu quả công việc của những người có bằng cấp và phải thực hiện từ các cơ quan trực tiếp quản lý những người có bằng cấp sau đại học.
PV: Xin cảm ơn Giáo sư.
Về công tác đào tạo tiến sĩ, cần siết chặt cả đầu vào lẫn đầu ra. Hiện nay quy chế đào tạo tiến sĩ mới của Bộ Giáo dục - Đào tạo đã thực hiện theo hướng này. Để được nhận vào làm tiến sĩ và làm người hướng dẫn tiến sĩ đòi hỏi phải có tiêu chuẩn rất cao, có nhiều ngành chắc phải đóng cửa nhiều năm vì không tuyển được người làm tiến sĩ. Việc siết chặt cả đầu vào cũng như đầu ra là đúng đắn. |
Theo VOV
TIN LIÊN QUAN |
---|