Một phụ nữ người Nghệ mất hơn nửa tỷ vì tin lời cựu Công an lừa đảo xin việc
Cựu công an khoe có quan hệ trong ngành, có thể xin việc vào cơ quan nhà nước để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại lên đến hàng tỷ đồng trong đó chiếm đoạt của người phụ nữ người Nghệ với số tiền cao nhất 670 triệu đồng.
Ngày 4/4, TAND TP Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử đối với Mai Văn Hiển (SN 1966, chỗ ở phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), Tô Kỳ Thiệu (SN 1981, ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điểm a, khoản 4, Điều 139 BLHS.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm. |
Dù đã nghỉ hưu theo chế độ ngành công an nhưng để có tiền Hiển vẫn giới thiệu bản thân với những người quen biết là đang công tác tại Bộ Tư lệnh cảnh vệ - Bộ Công an, có vợ đang công tác tại Bộ Công an nên có nhiều mối quan hệ, có thể xin cho rất nhiều người vào ngành công an, cơ quan nhà nước.
Để các bị hại tin và giao tiền, bằng thủ đoạn trên, từ tháng 5/2013 đến tháng 12/2014, Hiển chiếm đoạt của 3 bị hại với tổng số tiền khoảng 1,6 tỷ đồng và chiếm đoạt của Trần Thị Dùng (Nghệ An) 670 triệu đồng và Phùng Thị Dũng (Hòa Bình) 230 triệu đồng để chi tiêu cá nhân. Hiển mới khắc phục được cho bị hại khoảng 500 triệu đồng.
Tô Kỳ Thiệu có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của anh Trần Văn Thoáng (Hải Phòng) 230 triệu đồng và đồng phạm với Mai Văn Hiển trong việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản 370 triệu đồng của Trần Thị Dùng. Sau đó Thiệu mới khắc phục được cho bị hại Dùng khoảng 50 triệu đồng.
Tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa hôm nay, các bị cáo khai nhận đúng với nội dung sự việc như cáo trạng truy tố. Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, tòa sơ thẩm xét thấy có đủ cơ sở kết luận hành vi của các bị cáo đã phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
HĐXX sơ thẩm xét thấy, hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, trực tiếp xâm phạm tới tài sản của công dân, gây bức xúc trong dư luận. Các bị cáo đã lợi dụng lòng tin của những người có nhu cầu xin việc để lừa đảo xin việc cho nhiều bị hại. Sau khi nhận tiền, các bị cáo đã không làm gì để giúp xin học như đã hứa mà chi tiêu sử dụng vào mục đích cá nhân.
Do vậy, Viện kiểm sát truy tố các bị cáo phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điểm a, khoản 4, Điều 139 là có căn cứ.
Bị cáo Mai Văn Hiển phạm tội nhiều lần nên cần thiết phải có hình phạt nghiêm khắc, nhằm răn đe, giáo dục tội phạm cũng như phòng ngừa chung.
Tuy nhiên khi quyết định hình phạt, tòa cấp sơ thẩm xét thấy các bị cáo đã thành khẩn khai báo một phần hành vi phạm tội, nhân thân chưa tiền án, tiền sự, đã bồi thường một phần thiệt hại cho các bị hại.
HĐXX tuyên phạt Mai Văn Hiển 14 năm tù và Tô Kỳ Thiệu 11 năm tù và buộc các bị cáo phải trả lại số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại./.