Một vùng khí chất ven đô...
Hiếm có mảnh đất nào may mắn ôm ấp, bảo tồn 3 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia (đền Trìa, nhà thờ họ Uông và nhà thờ họ Hoàng); Cũng thật hiếm có mảnh đất nào mà ngay từ định danh đã ban cho đất và người nơi đây vẻ thịnh vượng, trù phú... Ấy là đang muốn nói đến xã Hưng Lộc (TP. Vinh) - một vùng dày trầm tích và nhiều biến động, nay đã ngời sắc diện mới, phần nào nhờ vào những điểm tựa giá trị truyền thống cổ xưa?...
Tôi vẫn thường có thói quen tẩn mẩn chiết tự tên những vùng đất mình có dịp ghé chân. Và Hưng Lộc, phải chăng được ghép từ nghĩa hưng thịnh và tài lộc? Mủm mỉm cười vì cách giải nghĩa có phần vụng về, cụ Uông Đình Hệ bảo, đó là cách giải nghĩa “không sai, nhưng thật từ quá, phải ước lệ một chút, phải hiểu sâu hơn cội nguồn vùng đất này mới thấm thía định danh của nó”. Cụ Hệ tuổi ngót tám mươi, nhà ở tít tắp ngõ sâu rợp bóng cây leo thôn dã, vận chiếc sơ mi đã ngả màu nhưng toát vẻ nghiêm ngắn, tất bật dắt chiếc Honda xanh, mà tuổi đời dễ cũng xấp xỉ đôi chục, chở tôi đi thăm thú dọc ngang vùng đất cổ. Chuyến xe rù rì cùng những câu chuyện ngắn, dài về bao lớp người cố cư, ngụ cư và những cuộc mở mang ruộng đất, đi đôi với tạo thôn, lập ấp quây tròn trong vùng đất cát pha không mấy phì nhiêu. Cụ mặn chuyện chia sẻ nhiều thông tin về sử đất mà mình đã cố công tìm đọc mấy mươi năm nay, trong đó, chưa có tài liệu nào đánh giá cao về thổ nhưỡng và địa hình nơi đây, thế nên, cái sự “hưng thịnh và tài lộc” mà tôi vội vã chiết tự ban đầu, hẳn phải xuất phát từ lẽ khác?
Cái lẽ khác ấy dần được khơi mở hồn hậu trong cuộc điền dã cùng cụ Hệ đến với các điểm di tích lịch sử trên địa bàn. Cụ sinh ra và lớn lên ở đây, từ thuở tên làng còn là Lộc Đa - Đức Thịnh. Tầm tuổi như cụ, ở đất này còn nhiều bậc trưởng lão hiểu chuyện, nhưng cụ Hệ thường được khách gần xa tìm đến bởi lối nói chuyện khúc chiết và trí nhớ minh mẫn đâu ra đấy. Phần khác, cũng bởi lẽ cụ có “lợi thế” nhiều năm liền đảm nhiệm chức vụ là Chủ tịch Hội đồng gia tộc họ Uông - một trong những gia tộc theo làn sóng di cư, cùng với những dòng họ Nguyễn, họ Trần, họ Hoàng, họ Phạm... có mặt gần như sớm nhất trên mảnh đất giàu trầm tích này. Nói là sớm nhất, nào ai biết là mấy trăm năm hay đã tự ngàn năm, những đôi chân thiên di đầu tiên đã đặt chân khai phá, mở mang vùng đất cổ trên đất Việt Thường, nằm cuối tả ngạn Lam giang? Sử xưa không thấy chép lại nguyên cớ di cư của các dòng họ, những biến động của thời gian và lịch sử xã hội cũng khiến cho lớp hậu duệ ngày nay như lão làng Uông Đình Hệ không còn lưu giữ được tộc phả cổ truyền, nên có phần mơ hồ dấu chân người trước. Chỉ có điều xác tín rằng, các bậc tiền nhân của nhiều dòng họ nơi đây, đều là những bậc hiền tài dày công đức, có đóng góp lớn cho sự nghiệp giữ nước của dân tộc và làm rạng danh vùng đất quê hương. “Ấy cũng là một cái lẽ nguyên cơ, là nền tảng cho sự hưng thịnh của đất cằn này!” - cụ Hệ chốt lời.
Cụ Hệ bấm đốt ngón tay lẩm nhẩm tên những bậc tiền nhân họ Uông lưu danh trong sử sách, ra điều tự hào không giấu diếm: Uông Trọng Công (Đại tướng Đô đốc thời Lê), Uông Mạnh Chướng (Thượng thư Bộ Lại thời Nguyễn), Uông Văn Hoan, Uông Sỹ Tư (Tú tài, Thám hoa thời Nguyễn), Uông Sỹ Túy, Uông Huy Danh (tham gia phong trào Văn Thân - Cần Vương do vua Hàm Nghi khởi xướng)...
Các vị tiền nhân oanh liệt được con cháu phụng thờ trọng vọng trong ngôi nhà thờ dòng họ đã hơn 130 tuổi, những vì, kèo, xà, cột lên nước bóng màu lưu niên, uy nghi vững chãi trong ánh sáng vãn chiều. Phất tay tàn lửa cho nén tâm nhang tỏa làn hương sương khói, cụ Hệ kính cẩn cúi lạy trước ban thờ tiên tổ, lẩm nhẩm thưa trình về lý do xuất hiện người khách lạ là tôi. Trong không gian trầm mặc, đưa mắt nhìn quanh 3 gian cổ kính, thấy rõ lối kiến trúc đặc trưng của những ngôi nhà thờ Bắc bộ theo kiểu “tiền hạ - hậu trụ” để tiện cho việc thờ cúng. Gian giữa thờ Đại tướng Đô đốc Uông Trọng Công, gian phải thờ Thượng thư Bộ lại Uông Mạnh Chướng, còn gian trái thờ con cháu dòng họ Uông các đời sau. Tôi say sưa ngắm nhìn những chi tiết tinh xảo mà dẫu đã qua bao lần vật đổi, sao dời, bao lần tu tạo bởi bàn tay thợ tứ phương, vẫn may mắn còn gần như vẹn nguyên những uy nghi hổ phù và mặt nguyệt, bộ bát long cầu kỳ trên đầu đao của nhà thờ...
Thế nhưng, ngôi nhà thờ dòng họ Uông không chỉ có ý nghĩa như là một di tích - văn hóa, mà còn tỏa sáng trong lịch sử cận đại nước nhà với giá trị lịch sử cách mạng. Vẻ trầm ngâm, cụ Hệ lục tìm trong hộp gỗ sơn son thếp vàng, kính cẩn bày ra những ghi chép đầy đủ về các sự kiện quan trọng của ngôi nhà thờ dòng họ: “Với vị trí gần trung tâm Vinh - Bến Thủy, địa thế khuất tịch, cây cối rậm rạp, ít có người qua lại, nên Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Vinh - Bến Thủy đã quyết định chọn Nhà thờ họ Uông làm cơ sở hoạt động và lãnh đạo trực tiếp phong trào Xô viết - Nghệ Tĩnh 1930-1931”. Cũng vì những giá trị lịch sử, văn hóa và cách mạng ấy, nhà thờ dòng họ Uông đã vinh dự được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia, năm 1992.
Cụ Uông Đình Hệ thắp hương lên bàn thờ tổ tiên dòng họ Uông. |
Chỉ 3 năm sau vinh dự có Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia đầu tiên, đất và người Hưng Lộc ngời niềm hãnh diện khi năm 1995, Nhà thờ họ Hoàng và đền Trìa nối tiếp lần lượt được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia. Trong ánh nắng vãn chiều, nhà thờ họ Hoàng hiện vẻ thâm u cổ kính. “Trải qua mấy cuộc bể dâu”, nhà thờ đã không còn dáng hình trăm năm trước, nhưng vẫn luôn được thế hệ hậu sinh ý thức bảo tồn theo lối kiến trúc tứ trụ, 3 gian, 2 hồi, lợp ngói nam, trên nóc đắp nổi hình “lưỡng long triều nguyệt”. Điều đặc biệt, gian thờ ở giữa vẽ cuốn thư với hai chữ “Chính trung” (chân chính và trung thực); phía ngoài có 4 cột quyết bằng gạch khắc hai câu đối: “Thể lệ gia phong truyền tự cổ/ Á u vũ lỗ khách trùng kim” (Nề nếp gia phong được truyền từ lâu/ Nay gặp được thế hệ kế tiếp). Tôi bần thần ngước nhìn cuốn thư mà ngẫm nghĩ về sự chân chính của nếp gia phong dòng họ, đã rèn nên những người con ưu tú cho mảnh đất Hồng - Lam. Trước, là các vị tổ của dòng họ như Phó bảng Hoàng Văn Nha, Tú tài Hoàng Văn Dương... ; sau này, là tên tuổi của đồng chí Hoàng Trọng Trì - Bí thư Chi bộ nông thôn vùng Bắc Vinh - Bến Thủy - thủ lĩnh của nhiều cuộc đấu tranh trong cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930-1931). Trong ngôi nhà thờ dòng họ Hoàng, sự tĩnh mịch và uy nghiêm như gợi lại không khí căng thẳng của những cuộc họp kín, những sự đi về bí mật của các đồng chí như Nguyễn Phong Sắc, Tùng Liễu, Nguyễn Khuê..., những nhen nhóm của bao cuộc biểu tình quy mô đòi tăng lương, giảm giờ làm, miễn sưu, giảm thuế...
Cùng với nhà thờ họ Uông và nhà thờ họ Hoàng, đền Trìa (tên cũ là đền Lộc Đa) đã góp phần đưa tên tuổi của ngôi làng nghèo khó Lộc Đa - Đức Thịnh vang xa ra trường quốc tế. Trong bài “Nghệ An Đỏ” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gửi Bộ Phương Đông Quốc tế Cộng sản (ngày 19/12/1931), tác giả đã nhắc lại cuộc mít tinh như sau: “...Ở làng Lộc Đa, cách Vinh 2 km, 4.000 công nhân Thành phố Vinh và nông dân Hưng Nguyên, Nghi Lộc đã đến dự lễ truy điệu những chiến sỹ đã hy sinh, một lá cờ búa liềm được chăng ra trên chiếc bàn thờ đầy hương hoa. Người chủ trì lên đọc điếu văn, sau đó đại biểu Công hội, Nông hội và đại biểu các làng lên nói chuyện...”. Đền Trìa vẫn giữ được vẻ hoành tráng uy nghiêm của chốn cổ tự, và nhắm mắt lại, tưởng như vẫn mường tượng rõ âm vang hào sảng của người chủ lễ trong sự yên ắng đến vô cùng của hàng ngàn người con yêu nước. Những ánh mắt rực lửa căm thù, những hơi thở khẽ khàng như nén chặt chí quật cường “đi đầu dậy trước”, và sóng bàn tay đã giơ cao lời thề quyết, những bước chân dũng cảm diễu hành quanh làng Lộc Đa - Đức Thịnh trong ánh sáng của hàng ngàn ngọn đuốc và cờ đỏ của Đảng...
Từ cái đêm lịch sử ấy đến nay đã 84 năm. Làng Lộc Đa - Đức Thịnh xưa, nay đã là một phần của chốn thị thành. Những đồng bãi mông mênh đã hóa thành khu công nghiệp nhỏ sầm uất. Nhà cao tầng nối vươn cao đô thị Vinh hiện đại, những nẻo đường quê in dấu bước chân của những nông dân vùng lên đòi quyền sống trong phong trào Xô viết, nay đã thênh thang, phẳng lì bê tông hóa. Hưng Lộc nay phần nào đã “hưng thịnh và tài lộc” như cái định danh vững chãi của mình. Nói như cụ Uông Đình Hệ, thì điều “tài lộc” nhất, là con cháu quê hương biết trọng cái nếp làng xưa, tích cũ mà rèn giữ và lan tỏa những giá trị nhân văn trong mỗi việc làm nhỏ to của cuộc sống hiện đại. Cụ ví ấy như mùa quả ngọt, được gieo từ những hạt giống trăm ngàn năm lịch sử - văn hóa, truyền thống yêu nước, cách mạng và ý chí vượt lên gian khó đất cằn của những người con yêu quê hương trong huyết mạch đời mình!
Vùng đất Hưng Lộc nay, trước đây gọi là làng Lộc Đa - Đức Thịnh. Cuối thời Lê đến giữa thời Nguyễn, Đức Thịnh thuộc xã Ngô Xá, Lộc Đa thuộc xã Ngô Trường, tổng Yên Trường, huyện Chân Lộc. Thời Vua Thành Thái nhà Nguyễn có sự điều chỉnh địa lý hành chính, một bộ phận tổng Yên Trường cắt sang phủ Hưng Nguyên, Đức Thịnh và Lộc Đa tách ra khỏi hai xã Ngô Xá và Ngô Trường thành những đơn vị hành chính riêng, gọi là xã Đức Thịnh và xã Lộc Đa. Mãi đến năm 1946, hai xã Đức Thịnh - Lộc Đa hợp nhất thành xã Đức Lộc (thuộc phủ Hưng Nguyên). Tháng 3/1947, xã Đức Lộc sát nhập với Yên Dũng, Yên Lưu thành xã Hưng Phong. Thực hiện chủ trương của Trung ương, chia tách xã lớn thành xã nhỏ, tháng 7/1953, xã Hưng Phong được chia thành 3 xã (Hưng Lộc, Hưng Hòa, Hưng Dũng), tên xã mới Hưng Lộc có từ ngày đó. Đến ngày 26/12/1970, Hưng Lộc có Quyết định số 80-BT của Phủ Thủ tướng sát nhập xã Hưng Lộc vào Thành phố Vinh. |