Mùa chế biến măng khô ở miền Tây xứ Nghệ
Xuân Hoàng - Quang An - 10/09/2023 07:36
(Baonghean.vn) - Từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 10 là mùa thu hái măng rừng của đồng bào các dân tộc miền Tây xứ Nghệ. Măng hái về được các cơ sở chế biến măng khô trên địa bàn thu mua để chế biến ngay trong ngày với những bí quyết để sản phẩm có màu vàng đẹp, đảm bảo chất lượng.
Clip: Xuân Hoàng - Quang An Ở miền Tây xứ Nghệ, ngoài các sản vật về vật nuôi, còn có nhiều sản vật được chế biến từ măng rừng, đó là măng khô. Theo chị Quang Thị Vân, chủ một cơ sở thu mua và chế biến măng ở bản Na Chạng, xã Tiền Phong (Quế Phong) cho biết: Từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 10 hàng năm là mùa thu hái măng rừng, chủ yếu là măng nứa. Trong quãng thời gian này, bà con trong vùng kéo nhau vào rừng thu hái măng để bán, thông thường bà con đi từ mờ sáng đến 11 giờ là về, được bao nhiêu là nhập hết cho các cơ sở chế biến măng trên địa bàn xã. Ảnh: Xuân Hoàng Ông Lương Vi Tân, người dân bản Na Chạng vừa thu hái măng rừng về cho biết, măng ngon nhất là hái loại măng vừa nhú lên mặt đất khoảng 20 - 30 cm. Sau khi chặt xong, dùng mũi dao sắc nhọn tách bóc hết phần bẹ, chỉ lấy phần thân măng non trong cùng. Sáng nay một mình ông thu hái được 24 kg măng, bán với giá 8.000 đồng/kg, được gần 200 nghìn đồng. Ảnh: Quang An Các cơ sở chế biến măng, hàng ngày thu mua đến đâu, thuê mượn nhân công sơ chế ngay đến đó. Chị Quang Thị Vân cho hay, trước khi luộc măng phải cắt bỏ một phần gốc và ngọn nhằm đảm bảo sản phẩm măng khô được ngon, bởi bà con thu hái thường không cắt hết phần già để thêm trọng lượng. Ảnh: Xuân Hoàng Theo kinh nghiệm của chị Quang Thị Vân chia sẻ, để măng sau khi luộc có màu vàng đẹp, yêu cầu là nước phải sôi bùng mới cho măng vào nồi luộc. Khi nước trong nồi đã sôi, thả nguyên cả sọt măng vào, tiếp tục đun sôi ít nhất 30 phút mới vớt ra để phơi khô. Nếu cho măng vào cùng với nước để luộc là măng sẽ chuyển thành màu trắng, là không đạt yêu cầu về mẫu mã. Ảnh: Quang An Để sản phẩm măng khô được vàng đẹp, đảm bảo chất lượng, tốt nhất là phơi được nắng. Do vậy, những ngày nắng to, các cơ sở chế biến măng sử dụng tấm tôn, hoặc tấm liếp để phơi măng cả ngày. Bà Lang Thị Hạnh cho biết, nếu nắng to, thì phơi liên tục 3 - 4 ngày là măng khô hẳn, để măng khô đều là phải thường xuyên đội nắng để lật từng miếng măng. Ảnh: Xuân Hoàng Măng sau khi luộc xong, dùng dao cắt dọc một bên để phanh củ măng ra phơi nắng. Ông Lương Văn Hà - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiền Phong cho biết, trên địa bàn xã có nhiều cơ sở chế biến măng, trung bình một cơ sở thu mua từ 5 tạ đến 1 tấn măng tươi/ngày. Trong đó, một phần sẽ sử dụng bán ra thị trường để ăn tươi, một phần dùng để chế biến măng khô. Ảnh: Quang An Măng được chế biến và phơi khô trên bãi đất trống ven rừng, nên không bị ô nhiễm môi trường do bụi bẩn. Nếu thời tiết những ngày không có nắng thì bà con phải phơi trên lò sấy, do vậy cơ sở chế biến măng nào cũng phải đầu tư lò sấy bằng than, hoặc trấu. Ảnh: Xuân Hoàng Theo các cơ sở chế biến măng cho biết, để cho ra sản phẩm măng khô, phải thực hiện nhiều công đoạn, từ sơ chế măng tươi đến luộc, phơi... nên để cho ra 1 kg măng khô phải cần 20 kg măng tươi. Bởi vậy măng khô được bán trên thị trường với giá hàng trăm nghìn đồng/kg, còn tại các cơ sở chế biến, bán sỉ cho thương lái hiện có giá từ 180.000 - 190.000 đồng/kg. Ảnh: Quang An Miền Tây xứ Nghệ có nhiều thuận lợi để chế biến măng rừng, bởi địa bàn các huyện: Quỳ Châu, Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông... đều có nhiều diện tích nứa, giang... Chưa có số liệu thống kê chính xác mỗi năm Nghệ An sản xuất bao nhiêu tấn măng khô, nhưng riêng huyện Quế Phong, mỗi năm bà con thu hái ước khoảng 1.700 tấn măng tươi. Trong đó một phần sử dụng để ăn tươi, một phần chế biến măng khô. Trong ảnh: Một cơ sở chế biến măng khô trên địa bàn xã Tiền Phong (Quế Phong) phơi măng trên lò sấy, do thời tiết không có nắng. Ảnh: Xuân Hoàng