Mùa hè nên ăn rau quả như thế nào cho an toàn
Vào mùa hè, dư lượng thuốc trừ sâu còn sót lại trên rau quả thường cao hơn trong mùa mưa.
Rau quả được coi là an toàn khi có dư lượng nitrate, kim loại nặng và thuốc bảo vệ thực vật, mức độ nhiễm vi sinh vật dưới ngưỡng quy định.
Theo tiến sĩ Cao Thị Hậu, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh Dưỡng, Viện Dinh dưỡng, vào mùa khô, dư lượng thuốc trừ sâu còn sót lại trên rau quả thường cao hơn trong mùa mưa vì nước mưa sẽ làm trôi bớt lượng thuốc còn sót lại trên rau quả. Các loại rau, củ phải gọt vỏ khi ăn thường an toàn hơn như bí, bầu, mướp...
Bạn nên rửa rau củ dưới vòi nước. Ảnh: M.A. |
Vì thế, khi lựa chọn rau quả bạn nên chọn:
- Rau quả còn tươi, toàn vẹn, không bị trầy xước, có hình dạng bên ngoài bình thường, có màu sắc tự nhiên, giòn chắc, cầm nặng tay.
- Rau quả không bị héo úa, giập nát, hoặc dính các chất lạ.
Chú ý:
- Một số loại quả bên trong hư hỏng nhưng bên ngoài vẫn còn tươi do sử dụng hóa chất bảo quản, do đó phải xem kỹ trước khi mua.
- Tránh mua rau quả gọt vỏ và xắt sẵn, ngâm nước ở ngoài chợ vì ngoài nguồn nước ngâm có thể không đảm bảo vệ sinh, thậm chí có các hóa chất độc hại để giữ trắng, giòn. Bên cạnh đó, các vitamin, khoáng có trong rau tươi như vitamin C dễ bị hòa tan và mất đi trong nước ngâm.
Để phòng tránh ngộ độc do ăn phải rau quả nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, người tiêu dùng nên:
- Ngâm kỹ, rửa sạch từng lá, nhất là các kẽ lá cho thật sạch; gọt vỏ các loại quả ăn tươi.
Với các loại rau lá nhỏ như xà lách, rau giền, bông cải thì nên pha vào nước rửa 1-2 muỗng cà phê muối để sâu bọ và côn trùng bò ra khỏi kẽ lá.
Các loại rau củ, trái cây, để nguyên củ, rửa sạch trước khi gọt vỏ.
- Rau quả phải ngâm ngập trong nước sạch 15-20 phút, rửa nhiều lần (ít nhất 3-4 lần), rửa dưới vòi nước để loại trừ phần lớn các thuốc bảo vệ thực vật tồn dư.
- Nấu chín và mở vung khi nấu cũng là cách tốt để loại trừ phần lớn dư lượng hóa chất còn sót lại qua đường bay hơi.
4 bước rửa sạch rau củ
Theo VNE
TIN LIÊN QUAN |
---|