Xã hội

Mùa Vu Lan, hướng về nguồn cội

Vân Thiêng 18/08/2024 10:12

​Đã từ lâu, Vu Lan không còn đơn thuần là một nghi lễ Phật giáo mà đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa Việt - Văn hóa của đạo hiếu. Dù cuộc sống có thay đổi, con người thời hiện đại phải đối mặt với nhiều vấn đề của nhịp sống công nghiệp, thì chữ hiếu vẫn luôn vẹn nguyên ý nghĩa với mỗi con người. Đó chính là sự tôn trọng, trân quý công ơn đấng sinh thành dưỡng dục. Ngày Vu Lan là dịp để mỗi chúng ta nghĩ suy về tình cảm, trách nhiệm của đạo làm con cháu đối với cha mẹ, ông bà tổ tiên

Những ngày này khắp các chùa đều tổ chức lễ Vu Lan báo hiếu. Ảnh: tư liệu của Huy Thư
Những ngày này khắp các chùa đều tổ chức lễ Vu Lan báo hiếu. Ảnh tư liệu của Huy Thư

Đạo hiếu từ ngàn đời nay vẫn luôn là giá trị đạo đức cao đẹp, là nền tảng cho mọi sự phát triển trong cuộc sống. Vì vậy, mặc dù lễ Vu Lan bắt nguồn từ câu chuyện Bồ tát Mục Kiền Liên cứu mẹ trong điển tích Phật giáo, nhưng trải qua thời gian, xã hội có nhiều đổi thay, Vu Lan không còn đơn thuần là một nghi lễ tôn giáo thiêng liêng, mà còn là một ngày lễ của tình người có ý nghĩa đặc biệt, hướng con người trở về với tổ tiên, với đạo lý uống nước nhớ nguồn.

​Đạo hiếu đứng đầu tiên trong đạo làm người. Làm con phải hiếu kính với cha mẹ - người có công sinh thành dưỡng dục giúp ta nên người. Công lao ấy cao tựa Thái Sơn; tinh khiết, thẳm sâu như suối nguồn vô tận. Người làm cha mẹ luôn lấy sự thành đạt của con cái làm vui. Con cái biết giữ gìn nề nếp gia phong, sống kính trên nhường dưới, anh em thuận hòa, không làm việc xấu…cũng là cách thể hiện sự hiếu hạnh với cha mẹ. Chả thế mà báo đáp công ơn cha mẹ thông qua việc phụng dưỡng hằng ngày, chăm sóc lúc ốm đau, bệnh tật... luôn được xem là tiêu chí đầu tiên trong việc đánh giá lòng hiếu thảo của con cái với đấng sinh thành.

Lễ cầu siêu trong dịp lễ vu lan báo hiếu tại Chùa Diệc. Ảnh: tư liệu
Lễ cầu siêu trong dịp lễ Vu Lan báo hiếu tại Chùa Diệc. Ảnh: tư liệu

Mùa Vu Lan không chỉ để Phật tử đến chùa lễ Phật, tụng kinh cầu nguyện, hồi hướng cho vong linh ông bà, tổ tiên, hoặc cha mẹ đã khuất, mà hơn hết là dịp để mỗi người nghĩ về trách nhiệm của đạo làm con, cầu mong cho mẹ cha còn sống luôn khỏe mạnh, vui vẻ bên con cháu. Việc báo hiếu, tri ân phải được thực hiện ngay khi mẹ cha còn sống trên đời, bằng việc lo cho cha mẹ miếng ăn giấc ngủ; thuốc thang, chăm sóc lúc cha mẹ ốm đau, trái gió trở trời.

​Ngôi chùa, ngôi đền thiêng nhất chính là ngôi chùa, ngôi đền trong lòng người. Vị Bồ tát đáng kính nhất, đáng tôn thờ nhất chính là vị Bồ tát trong mỗi gia đình, là cha, là mẹ ta khi còn sống. Vì thế, lễ Vu Lan còn bao hàm ý nghĩa để con người để biết ơn và báo ơn. Tư tưởng ấy phù hợp với tư duy và đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa… trong tâm thức người Việt.

Thật đáng trân trọng khi ngày càng có nhiều người, nhất là giới trẻ tham gia lễ hội Bông hồng cài áo trong ngày lễ Vu Lan với tất cả sự thành kính thiêng liêng, để khi cài lên ngực một bông hồng, mỗi người lại có dịp nhìn lại mình và những việc mình đã làm đối với đấng sinh thành. Ngày càng có nhiều tấm gương hiếu thảo với ông bà cha mẹ, những gia đình văn hóa, những lễ mừng thọ trân trọng, thành kính, giúp người già thêm vui để sống khỏe trong tình thương yêu, sự hiếu thuận của cháu con.

​Báo hiếu cho đấng sinh thành, mỗi người có một điều kiện thể hiện khác nhau. Nhưng chưa chắc, một đại gia tổ chức đám mừng thọ cha mẹ linh đình với hàng trăm quan khách, ô tô vòng trong vòng ngoài ở thành phố với mâm cỗ đạm bạc của một nông dân nghèo ít chữ trong ngày “Giỗ sống cha mẹ” theo phong tục của đồng bào dân tộc Chức ở các huyện miền núi Quảng Bình, Hà Tĩnh, ai sẽ hiếu thảo với cha mẹ hơn ai! Bởi người già lắm bệnh tật, nhu cầu vật chất không nhiều. Điều quan trọng là tình cảm, sự quan tâm chăm sóc của người thân. Dân tộc ta có câu: “miếng trầu không đẹp ở người têm, mà đẹp ở người đem dâng”.

​Cho nên, lên chùa lễ Phật, hồi hướng vong linh ông bà tổ tiên trong ngày Vu Lan là việc nên làm. Nhưng cũng đừng vì hình thức màu mè mà phải góp tiền mua dịch vụ, sắm sanh lễ vật, đốt vàng mã đắt tiền, rồi cúng kiến không đúng chính pháp và nghi lễ truyền thống. Thay vào đó, hãy cùng nhau làm nhiều việc thiện, giúp đỡ người khó khăn, bệnh tật, xem đó như một cách chuyển hóa thành nghiệp thiện lành để báo hiếu tổ tiên và cha mẹ. Không có tâm thiện, không làm việc thiện thì mâm cao cỗ đầy hay đốt tiền vàng nhiều đến đâu, cũng vô ích mà thôi!

Xã hội không có quyền đối xử tệ bạc và bất công với người già. Là con cháu lại càng không được phép thờ ơ, vô cảm với chính những đấng sinh thành dưỡng dục của mình. Bởi không xã hội nào coi việc ngược đãi, tàn ác với cha mẹ là điều bình thường.

"Trẻ em không nghe người lớn nói gì, nhưng chúng sẽ mở căng mắt ra nhìn xem người lớn làm gì và chúng sẽ làm theo. Đừng để phải khóc khi quá muộn. Nhất là những việc mà hôm nay, mỗi người trong chúng ta có thể làm được cho cha mẹ, ông bà của mình./.

Mới nhất

x
Mùa Vu Lan, hướng về nguồn cội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO