Xã hội

Giữ gìn tinh thần hiếu hạnh của lễ Vu Lan

Minh Quân (Thực hiện) 18/08/2024 06:46

Nhân dịp lễ Vu Lan năm 2024, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - nguyên giảng viên khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).

vulan-cover.png

Nhân dịp lễ Vu Lan năm 2024, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - nguyên giảng viên khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Minh Quân (Thực hiện) • 18/08/2024 7:30
*****

P.V: Ngày nay, lễ Vu Lan không đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà còn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với tổ tiên. Xin ông cho biết lễ Vu Lan có nguồn gốc từ đâu?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: “Vu Lan” hay “Vu Lan bồn” là tín ngưỡng văn hóa cổ xưa của Ấn Độ, trước cả khi Phật giáo ra đời. Ba chữ "Vu Lan bồn" là chuyển âm tiếng Phạn đọc là Ullambana, Hán Việt phiên và đọc thành “Vu Lan bồn” (nghĩa là “treo ngược”) nhằm ám chỉ nỗi khổ của những người bị đọa vào kiếp Ngạ quỷ ở cõi Diêm phù đề, chịu nỗi đau như người ta bị treo ngược vậy.

Trong sử thi cổ đại Mahabharata người ta đọc thấy nhiều lần nhắc tới việc hành lễ Vu Lan bồn. Như vậy, Phật giáo đã tiếp thu nền tảng tín ngưỡng đó và điển phạm hóa thành pháp hội và ghi thành truyền thuyết trong Kinh tạng của mình. Khi đã vào Kinh tạng của Phật giáo, nó thường được kể thành truyền thuyết “Mục Kiền Liên cứu mẫu”.

Mục Liên là đệ tử bậc nhất của đức Phật, người đã từng cùng đức Phật đi giảng đạo, tu hành đạt đến đẳng Đại A la hán. Mục Kiền Liên dùng thiên nhãn của mình thấy được mẹ của mình vì vấp tội khi còn sống bị đày xuống cõi Diêm phù làm kiếp Ngạ quỷ, đau khổ, đói khát. Thương mẹ, ông đưa thức ăn nhưng đến miệng lại hóa ra lửa. Ông cầu đức Phật bày cho cách cứu mẹ. Đức Phật dạy rằng, đến Rằm tháng Bảy, mùa chư tăng tự tứ (hết hạ) thì làm năm trăm mâm cỗ, chủ yếu là mâm ngũ quả, cúng dường 10 phương. Ông làm vậy và mẹ ông xả hết 10 tội bà mắc khi tại thế để lên được cõi Trời. Từ đó mà có pháp hội Vu Lan bồn.

Đông đảo người dân thành tâm hành lễ Vu Lan tại chùa Diệc. Ảnh: Hải Vương
Đông đảo người dân thành tâm hành lễ Vu Lan tại chùa Diệc (TP. Vinh). Ảnh: Hải Vương

Lễ Vu Lan là một lễ trọng mà bất cứ tông phái nào của Phật giáo cũng đều thực hành vì nó gắn với đạo hiếu (đạo chí tôn của Phật giáo), gắn với thực hành tu tập (mùa đi Hạ của chư tăng), gắn với kinh sách kinh điển (kinh Vu Lan bồn).

P.V: Vậy, tục lệ Vu Lan bồn truyền vào nước ta như thế nào, thưa ông?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Ở Trung Hoa, theo truyền thuyết, thời nhà Lương đã mở hội Vu Lan bồn để báo ân đức cha mẹ tổ tiên, sau đó nhà Đường thì phát triển mạnh mẽ ra chốn dân gian. Ở Việt Nam, thời Bắc thuộc, cùng với việc Phật giáo lan tỏa vào Giao Chỉ xưa (thế kỷ thứ II sau Công nguyên), chắc chắn nghi thức này đã được thực hành trên đất Việt. Tuy nhiên, ghi chép thời đó để lại không rõ ràng.

Tài liệu ghi chép rõ ràng nhất có được về lễ Vu Lan ở Việt Nam hiện nằm trên tấm bia quý hiếm ở chùa Đọi (Hà Nam) mang tên là "Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi" do Nguyễn Công Bật soạn vào năm 1121 thời Lý Nhân Tông. Trong tấm bia có đoạn dài 396 chữ viết về một pháp hội do chính Vua Lý Nhân Tông chủ trì tổ chức và vì lý do "hiếu thành" với cha mẹ mà lập hội.

Còn theo ghi chép của “Đại Việt sử ký toàn thư”, ngày Rằm tháng Bảy năm 1118, Vua Lý Nhân Tông đã cho mở hội Vu Lan để tưởng nhớ mẹ mình là Ỷ Lan Hoàng thái hậu mất một năm trước đó, tức năm 1117. Có lẽ từ đó, Lễ Vu Lan đã bước ra khỏi khuôn viên nhà chùa, phổ biến trong nhân gian, để nhân lên giá trị đạo lý trọng hiếu trong mỗi người dân, để tôn vinh đức hiếu sinh của Phật giáo.

bna_vu_lananh_ho_chien9862700_2482018.jpg
Ảnh: Hồ Đình Chiến

P.V: Lễ Vu Lan có cốt lõi là đạo hiếu, khi thực hành thì gọi là hiếu hạnh. Vậy tinh thần hiếu hạnh trong Phật giáo như thế nào, thưa ông?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Trong Phật giáo, đạo hiếu hạnh đứng đầu mọi đạo lễ khác. Để báo hiếu cha mẹ, người ta thực hành 2 loại hiếu theo lời Phật dạy là "Hiếu thế gian" và "Hiếu xuất thế gian". “Hiếu thế gian” là cúng dường cha mẹ cơm ăn, nước uống, chỗ ở, nơi nằm, chữa bệnh thuốc thang, tiện nghi sử dụng... “Hiếu xuất thế gian” là đưa cha mẹ vào lễ nghi giáo hóa, đi chùa đi chiền, bỏ điều ác làm điều thiện để khi chết được siêu sinh tịnh độ. Đến khi cha mẹ bảy đời đã mất thì làm lễ cúng dường xá tội vong nhân để được vãng sinh.

Chữ Hiếu nhà Phật không những sâu sắc mà còn hết sức quảng đại. Muốn hiểu nó, ta đem so với chữ Hiếu Nho gia. Cũng là triết lý nhân sinh thôi nhưng nhà Nho quan niệm "Tam bất hiếu" như sau:

- A ý khúc tòng, hãm thân bất nghĩa (Tùy ý cha mẹ mà dấn vào điều bất nghĩa - đó là bất hiếu thứ nhất).

- Gia bần thân lão, bất vị lộc sĩ (Nhà nghèo cha mẹ già mà không làm quan lấy lộc về - là bất hiếu thứ hai).

- Bất thú vô tử, tuyệt tiên tổ tự (không vợ, không con, nên đứt mạch cúng tế tổ tiên - là bất hiếu thứ ba).

Lễ Vu Lan báo hiếu ở chùa Diệc (TP. Vinh). Ảnh: Hải Vương

Đạo hiếu trong đạo Phật không chỉ bó hẹp trong gia đình mà nó mở rộng cho muôn chúng sinh... Cần biết mang ơn tất cả, và cầu mong cho tất cả tồn tại an lành.

Như vậy, Nho giáo, vốn là đạo dạy cho đàn ông làm quan, nên chữ Hiếu khá bó buộc. Còn chữ Hiếu Phật giáo từ Hiếu thuận mở rộng đến Hiếu sinh cho muôn vật trong vũ trụ này. Đạo hiếu trong đạo Phật không chỉ bó hẹp trong gia đình mà nó mở rộng cho muôn chúng sinh, cho cả cỏ cây, môi trường, môi sinh vì theo lẽ luân hồi, con người ta kiếp này là con của nhiều lần sinh hóa ở những thực kiếp khác nhau nên ai, loài gì cũng là cha mẹ tổ tiên ta cả. Cần biết mang ơn tất cả, và cầu mong cho tất cả tồn tại an lành.

P.V: Là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, ông nhìn nhận thế nào về sự thay đổi của lễ Vu Lan những năm gần đây?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Hoạt động tín ngưỡng ngày xưa trong lễ Vu Lan được thực hành cả ở nhà chùa và tư gia. Nhà chùa tổ chức lễ trọng, cờ phướn trang nghiêm, các sư tập trung thực hành "tự tứ" (kiểm thảo, sám hối sau kỳ đi Hạ 3 tháng). Sau đó đón phật tử vào đảnh lễ nghe kinh; các nhà sư tụng kinh và giảng kinh. Ở các nhà riêng, người ta trang thiết cỗ chay để cúng tổ tiên 7 đời, tụng kinh, cầu nguyện và sám hối; kèm theo đó là tục cúng dường cho cha mẹ ông bà tổ tiên bằng cách đốt gửi vàng mã.

bna_Lễ-Bông-hồng-cài-áo-trong-mùa-Vu-Lan-là-để-người-được-cài-bông-trắng-không-quên-cha-mẹ-mình-đã-khuất.-Ảnh-Hải-Vương.jpg
Nghi thức hoa hồng cài áo trong lễ Vu Lan. Ảnh: Hải Vương

Nhưng trong thời kỳ đất nước chiến tranh, do điều kiện thiếu thốn và hoàn cảnh loạn lạc, từng nhà thường làm riêng ở quy mô nhỏ với hình thức khá giản đơn. Tại chùa chiền, người dân cũng không tập trung đông để nghe giảng kinh Mục Liên được. Mặt khác, mâm ngũ quả vốn xuất phát từ tập tục này lại phổ biến sang dịp Tết hay các dịp cúng quả khác.

Tuy nhiên, kể từ ngày đất nước thống nhất, lễ Vu Lan ngày càng phong phú hơn, ý nghĩa càng sâu sắc hơn. Đáng chú ý phong trào “bông hồng cài áo” ngày Vu Lan báo hiếu cũng mới được du nhập về Việt Nam. Phong trào này do Thiền sư Thích Nhất Hạnh phát động sau một chuyến hành giáo ở nước Nhật, đã lan tỏa vẻ đẹp của đức hiếu hạnh ra toàn xã hội và được hưởng ứng rộng rãi, trở thành hoạt động nổi bật mỗi mùa Vu Lan báo hiếu.

Gần đây, trước lễ Vu Lan, nhiều chùa mở các khóa tu, các lớp hiếu hạnh nhân dịp nghỉ hè cho học sinh các cấp để giác ngộ cho các tu sinh về công cha nghĩa mẹ, về lẽ yêu thương nhân quần, trách nhiệm với truyền thống và đất nước. Trong kỳ lễ Vu Lan, ở các chùa, ngoài phần lễ thì các chương trình nghệ thuật cũng được chú trọng tổ chức. Những thay đổi ấy diễn ra tùy hoàn cảnh, tùy nhu cầu của người dân mỗi thời kỳ khác nhau, nhưng tựu trung không làm mất đi giá trị cốt lõi của ngày lễ, thậm chí đôi khi còn làm phong phú hơn các hình thức thực hành.

Lễ Vu Lan được các chùa tổ chức tại chính điện hoặc trước sân chùa với sự chuẩn bị công phu, chu đáo, trang trọng của ban tổ chức. Trong ảnh: Lễ Vu Lan tại chùa Ngưu Tử (Thanh Chương) diễn ra vào đêm 14/8. Ảnh: Huy Thư
Lễ Vu Lan được các chùa tổ chức tại chính điện hoặc trước sân chùa với sự chuẩn bị công phu, chu đáo, trang trọng của ban tổ chức. Trong ảnh: Lễ Vu Lan tại chùa Ngưu Tử (Thanh Chương) diễn ra vào đêm 14/8. Ảnh: Huy Thư

P.V: Được biết, hiện nay, trong quá trình người dân thực hành tín ngưỡng dịp lễ Vu Lan, Rằm tháng Bảy vẫn còn những hạn chế. Ông có thể cho bạn đọc rõ hơn về vấn đề này?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Bước ra từ nhà chùa, hòa vào chốn nhân gian, tất yếu lễ Vu Lan sẽ thay đổi theo dòng chảy của thời đại và những tập tục bản địa khác nhau để tồn tại và phát triển. Quá trình thay đổi đó không tránh khỏi những yếu tố tiêu cực, những biến tướng.

Ví như việc kiêng kỵ vào tháng Bảy. Văn tế thập loại chúng sinh cho rằng, trong tháng Bảy, “cô hồn thất thểu dọc ngang” khắp nơi mọi chốn, có thể làm hại người sống nên càng nhiều kiêng kỵ càng yên lòng hơn. Tuy nhiên, những kiêng kỵ ngày càng thái quá và trở nên bất cập, trở thành mê tín. Phật giáo khẳng định không có cái gọi là ngày tháng xấu, đen đủi, cần kiêng kỵ hay né tránh gì cả. Chỉ cần mỗi người sống lương thiện, làm nhiều việc tốt, không phạm phải những điều xấu thì tự nhiên vận may sẽ đến.

Hay như câu chuyện về tục đốt vàng mã. Bản chất đây không phải tục lệ xuất phát từ Phật giáo, mà là quan niệm của Đạo giáo về việc chia của cho người chết ở thế giới bên kia. Thế nhưng ngày nay, đốt vàng mã đã biến tướng thành một hình thức mê tín dị đoan.

vulan-nen.jpg

Bất luận Rằm tháng Bảy hay lễ Vu Lan có bao đổi thay đi chăng nữa, điều cần phải giữ gìn vẫn là tinh thần hiếu hạnh, sự tri ân cha mẹ, ông bà, tổ tiên và mở rộng hơn là sự tôn trọng thiên nhiên, môi trường sống.

Tuy vậy, bất luận Rằm tháng Bảy hay lễ Vu Lan có bao đổi thay đi chăng nữa, điều cần phải giữ gìn vẫn là tinh thần hiếu hạnh, sự tri ân cha mẹ, ông bà, tổ tiên và mở rộng hơn là sự tôn trọng thiên nhiên, môi trường sống, bởi tất cả, theo quan niệm Phật giáo, là một kiếp trong luân hồi bất tận của chúng ta. Nhiệm vụ của chúng ta là phải giữ gìn các giá trị bất biến đó.

P.V: Tinh thần đạo hiếu và việc thực hành tín ngưỡng dịp lễ Rằm tháng Bảy ở xứ Nghệ có nét riêng, nét nổi bật nào không, thưa ông?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Đạo hiếu được xem là giá trị đạo đức căn bản của người Việt Nam, thể hiện sâu sắc nhất mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt là mối quan hệ giữa con cháu với ông bà, cha mẹ. Dù bị ảnh hưởng từ Nho giáo hay Phật giáo, nhưng qua lăng kính của người Việt, qua thực tiễn xã hội Việt Nam, đạo hiếu của người Việt cũng có những nét đặc sắc riêng. Tinh thần đạo hiếu của người dân xứ Nghệ cũng không nằm ngoài điều đó.

Nhưng cái mà tôi tâm đắc ở tinh thần đạo hiếu của xứ Nghệ là ở văn hóa dân gian, cụ thể là dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh với nhiều ca khúc “Công thầy nghĩa mẹ”, “Thập ân phụ mẫu”, “Phụ tử tình thâm”, “Lời cha dặn”, “Rạng vẻ giống nòi”, “Ơn nghĩa sinh thành”… thấm đẫm tinh thần hiếu hạnh của Phật giáo, thể hiện đạo hiếu của những người nghèo khổ vắt ruột nuôi con thành người.

Còn về việc tín ngưỡng Vu Lan, một điều đáng chú ý là rất nhiều dòng họ ở xứ Nghệ chọn Rằm tháng Bảy làm ngày giỗ họ, tri ân ông bà tổ tiên, thực hành đạo hiếu. Tinh thần hiếu hạnh hòa nhập với tục thờ cúng tổ tiên một cách nhuần nhị.

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

nnc-nguyenhungvy-box(1).png
Mới nhất
x
x
Giữ gìn tinh thần hiếu hạnh của lễ Vu Lan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO