Xã hội

Câu chuyện mùa Vu lan: Từ yêu thương đến hiếu nghĩa

Diệp Thanh 15/08/2024 13:33

Càng ở trong những tình cảnh éo le, lòng hiếu thuận càng được thử thách. Trải qua thử thách, nhiều người cho rằng, hạnh phúc là khi được cuộc đời được bắt đầu với tình yêu thương và kết thúc cùng lòng hiếu nghĩa.

Hạnh phúc của tuổi già là được vui vầy hạnh phúc bên con cái Ảnh minh hoa Đức Anh

Càng ở trong những tình cảnh éo le, lòng hiếu thuận càng được thử thách. Trải qua thử thách, nhiều người cho rằng, hạnh phúc là khi được cuộc đời được bắt đầu với tình yêu thương và kết thúc cùng lòng hiếu nghĩa.

1.

Bố mẹ Huân còn rất trẻ, họ có với nhau 3 người con. Trước khi nhập viện và cơ thể hoàn toàn mất đi khả năng vận động, Huân là đứa con khỏe mạnh, thông minh nhất nhà. Tôi không nhớ chính xác Huân mắc bệnh gì, chỉ biết rằng, bố mẹ cậu bé đã đưa con đi chạy chữa khắp nơi. Sau rất nhiều lần hoang mang, hy vọng rồi lại thất vọng, bố mẹ Huân đành chấp nhận duy trì sự sống của con bằng những chiếc máy trong khu vực chăm sóc đặc biệt của Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An.

359358623_197456876628814_6769633237150830574_n.jpg

Ở khu vực chăm sóc đặc biệt này, người nhà chỉ được phép vào với con mỗi ngày 3 lần, mỗi lần khoảng 30 phút.

Người ta truyền tai nhau, những trường hợp điều trị duy trì lâu dài trong đó rất ít hy vọng qua khỏi và hầu hết đã mất ý thức. Nhưng Huân thì khác, cơ thể mất khả năng vận động và phản xạ nhưng nhận thức lại tỉnh táo như mọi đứa trẻ 6 tuổi khác - biết đau, biết buồn, biết vui, biết tủi...

Để đồng hành với con, bố mẹ Huân thuê một phòng trọ nhỏ xíu, cũ kỹ gần bệnh viện, thay nhau vào chăm sóc con. Tôi được chứng kiến nhiều cung bậc cảm xúc của họ trong hành trình này: Xót xa mỗi khi hết giờ thăm, phải trốn chạy ánh mắt tìm kiếm cái miệng ú ớ của con; Hạnh phúc ướt nhòe cả mắt khi được phép đưa con ra ngoài phòng vô trùng và được bơm thức ăn cho con; Thủ thỉ với con hàng giờ đồng hồ, kiên nhẫn đoán ý con qua biểu cảm của đôi mắt; Rồi lại chết lặng đi khi các bác sĩ thông báo con phải quay lại thở máy…

“Điều đau đớn nhất là Huân rất tỉnh táo, vì tỉnh táo nên con phải chịu đựng những đau đớn, cô đơn khi không có bố mẹ ở cạnh. Tôi đã từng mong mỏi rất nhiều và sẵn sàng đánh đổi tất cả để gánh hết những nỗi đau của con. Giờ đây, tôi chỉ ước con luôn cảm nhận được bố mẹ yêu con nhiều như thế nào”, mẹ của Huân từng tâm sự.

2.

Cũng ở Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, tôi gặp 2 vợ chồng 12 năm chăm 2 con bại não - 12 năm đằng đẵng không đêm nào yên tâm ngon giấc, 12 năm không dám đi đâu xa nhà, 12 năm không cho phép bản thân nghỉ ngơi hay mệt mỏi.

Tôi cũng gặp một người đàn ông bỏ lại tất cả công danh sự nghiệp với tiền đồ sáng lạng để lui về làm một ông bố toàn thời gian, một ngày thay bỉm 6-8 lần cho con, bón cho con từng thìa cơm, tự dạy cho con từng con chữ.

Hay một người mẹ trẻ ban ngày xin bán tạp hóa ở cổng viện, tối đến một mình ngủ vạ vật ở hành lang, không từ bỏ hy vọng đứa con 8 tháng của mình sẽ tỉnh lại vào một ngày nào đó…

Niềm vui bên con cháu Ảnh Sách Nguyễn
May mắn của một người là được sinh ra trong tình yêu thương và sự chăm sóc của gia đình. Ảnh minh hoạ: Sách Nguyễn

Không quá khó để tìm thấy những câu chuyện về sự hy sinh cao cả của đấng sinh thành. Bản năng làm cha mẹ khiến họ kiên trì yêu thương, kiên trì hy vọng, kể cả khi kỳ tích không xảy ra. Có lẽ đây cũng là niềm hạnh phúc đầu tiên mà hầu hết mọi người nhận được ngay khi vừa cất tiếng khóc chào đời: Cuộc sống bắt đầu bằng tình yêu thương của bố mẹ.

3.

Trong hàng nghìn bệnh nhân, chị Vân được các y, bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Nghệ An nhớ đến bởi tình trạng bệnh quá nặng. Khi nhập viện, căn bệnh ung thư vú của chị đã di căn vào xương, rất khó để chữa trị. Mọi chuyện càng khó khăn hơn khi chị là một người mẹ đơn thân với nguồn thu nhập nhìn cả vào ki-ốt ăn đêm bên vỉa hè đường Phong Đình Cảng (TP. Vinh).

Những ngày chị ở viện, cô con gái 18 tuổi và cậu con trai 9 tuổi trở thành “liều thuốc” lớn nhất của mẹ, chăm mẹ từng ly, từng tí. Sau mỗi đợt điều trị, 2 đứa trẻ hiểu chuyện lại tiếp tục là những “nhân viên” cần mẫn ở quán ăn đêm của mẹ, cô chị tráng bánh mướt, cậu em dọn bàn, bưng bê.

Những người khách từng chứng kiến chị Vân với mái đầu trọc, cơ thể gầy gò và đôi mắt trũng sâu giờ đây đều trầm trồ khi thấy chị ngoạn mục vượt qua cơn bạo bệnh. Mọi người nói chị mạnh mẽ, nghị lực, nhưng chị biết, sức mạnh thật sự đến từ lòng hiếu thảo của 2 đứa con.

Chị Vân và cô con gái lớn. Ảnh: Diệp Thanh
Chị Vân và cô con gái lớn. Ảnh: Diệp Thanh

Vì tôi, cả 2 đứa trẻ “buộc phải lớn” trước tuổi, phải làm những công việc mà những đứa trẻ cùng trang lứa không muốn làm. Cô con gái đầu xin lùi lại những dự định học tập, cậu con trai thứ vừa hỗ trợ việc nhà, vừa cố gắng học giỏi để mẹ vui. Chỉ cần biết điều khiến mẹ vui, 2 đứa sẽ âm thầm làm bằng được. Cuộc đời thăng trầm lấy của tôi nhiều thứ nhưng đã đem lại cho tôi một món quà vô giá: Những đứa con ngoan.

Chị Vân (TP. Vinh)

4.

Nhiều năm trong nghề điều dưỡng, người bạn của tôi từng chứng kiến rất nhiều những câu chuyện xúc động về lòng hiếu thảo. Chị kể: “Đáng ngưỡng mộ nhất là những người lớn tuổi vào chăm bố mẹ ở tuổi “xưa nay hiếm”.

Có bác năm nay đã 70 tuổi, sức khỏe đã yếu rồi, nhưng một mực đòi tự vào chăm mẹ già liệt giường, tự mình bón cháo, đổ bô, giặt đồ, tắm gội… cho mẹ. Mỗi khi định làm gì bác luôn hỏi ý kiến, nguyện vọng của người mẹ một cách lễ phép. Trước giờ ngủ, luôn ôm mẹ và thủ thỉ chuyện trò rất lâu. Khi người mẹ qua đời, bác khóc hu hu như một đứa trẻ. Có lẽ luôn là vậy, trước bố mẹ, dù ở tuổi nào, chúng ta cũng vẫn luôn là những đứa trẻ…”.

5.

Cách đây không lâu, khi viết bài về gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Văn Trinh, tôi đặc biệt ấn tượng với 3 người con dâu trong gia đình ông. Dù không thật sự dư dả nhưng họ hoàn toàn có thể đề xuất với chồng để ra ở riêng với một cuộc sống thoải mái, tự do hơn. Tuy nhiên, họ lựa chọn ở cùng nhau, cùng chăm sóc mẹ chồng già yếu, bố chồng ốm đau nằm một chỗ, cùng làm nên hạnh phúc một mái ấm với 4 gia đình và 15 thành viên.

Vợ chồng ông Trinh sống cùng gia đình 3 người con trai trong một mái nhà. Ảnh tư liệu: Diệp Thanh
Vợ chồng ông Trinh sống cùng gia đình 3 người con trai trong một mái nhà. Ảnh tư liệu: Diệp Thanh

Tôi không nghĩ lựa chọn của chúng tôi là khác biệt. Chúng tôi đã từng nhận được sự yêu thương, che chở từ cha mẹ và bây giờ chúng tôi đền đáp lại bằng sự kính trọng, yêu thương, đó là điều bình thường mà bất kỳ ai cũng có thể làm.

Chị Vũ Thị Duyên – dâu cả nhà ông Trinh (Phường Hưng Bình, TP. Vinh)

Trong mắt mọi người, gia đình ông Trinh là một hình mẫu hiếm có, một câu chuyện đặc biệt. Nhưng khi chia sẻ về gia đình, những người con của ông bà lại cho rằng đó là một điều bình thường, hiển nhiên.

Nhìn lại cuộc đời và những tháng ngày tận cùng thiếu thốn đã qua, bà Vũ Thị Chuyên - vợ ông Trinh trải lòng: "Với tôi, hạnh phúc là được sống trong sự hiếu thuận của con cái. Và có lẽ với ai cũng vậy thôi, những năm tháng cuối của cuộc đời, còn hạnh phúc nào lớn hơn nữa đâu...".

Mới nhất
x
x
Câu chuyện mùa Vu lan: Từ yêu thương đến hiếu nghĩa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO