Hạnh phúc hiếm có của 4 gia đình dưới 1 mái nhà
(Baonghean.vn) - Ở phường Hưng Bình (TP. Vinh), nhiều người biết gia đình ông Phan Văn Trinh vì nhiều điều. Điều đặc biệt hơn cả, ông bà sống cùng gia đình 3 người con trai trong sự yêu thương, đoàn kết.
Sống giữa những yêu thương, tử tế
2 mảnh đạn trên đầu, 1 vết thương ở đầu gối trái và nhiều căn bệnh tuổi già khiến ông Phan Văn Trinh (sinh năm 1946, khối 20, phường Hưng Bình) không thể đi lại được mấy năm nay. Dù có biểu hiện lẫn, nhiều chuyện ông đã quên, nhưng những chuyện đã xảy ra trước khi ông bị thương thì ông nhớ hết.
Ông Trinh sinh ra và lớn lên ở xã An Hoà, huyện Quỳnh Lưu, nhập ngũ năm 1966. Trong thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ, ông bị thương 2 lần, một lần năm 1970 với 2 mảnh đạn trong đầu, một lần năm 1973 vì trúng bom vỡ xương ở chân trái. Khi đó ông là Trung đội trưởng của Đại đội 53, Tiểu đoàn 972, BT 11. Với những cống hiến của mình, ông Trinh được nhận 2 Huân chương Chiến công hạng 3, 1 Huân chương Chiến công hạng 2 và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Quân đội nhân dân Việt Nam cùng nhiều bằng khen khác… Vì những vết thương tái đi tái lại của mình, năm 1982, ông Trinh xin nghỉ mất sức.
Không chỉ nổi tiếng bởi những Huân chương, Bằng khen, thành tích, ông Trinh còn nổi tiếng vì… nghèo. Cũng vì nghèo, năm 1982, vợ chồng ông Trinh chất toàn bộ đồ đạc, con cái lên một chiếc xe ba gác, đẩy bộ 2 ngày 2 đêm lên Quỳ Hợp để xây dựng kinh tế. Cuộc sống không dễ dàng với vợ chồng ông. Sức khoẻ kém, với 5 đứa con, 7 miệng ăn, vợ chồng ông Trinh chật vật làm thuê cuốc mướn với mong muốn kiếm đủ ăn qua ngày.
“Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh ông nhà tôi đội từng rổ đất, trầy trật trèo lên trèo xuống khi được người ta thuê đào ao. Đầu và chân ông ấy đau lắm, nhưng phải bò ra mà làm vì không làm thì các con nhịn đói…”, bà Vũ Thị Chuyên - vợ ông Trinh, nhớ lại.
Làm thuê một thời gian, thấy vợ chồng ông Trinh thật thà, chăm chỉ, người chủ nhận ông bà là em kết nghĩa, tạo điều kiện giúp đỡ. Không chỉ được trả đủ tiền, mỗi bữa ăn, ông bà còn có thêm suất cơm để đem về cho các con ở nhà. Dẫu vậy, cuộc sống vẫn rất khó khăn với gia đình người thương binh này.
Năm 1982, khi Nhà nước triển khai nhiều chương trình, chế độ dành cho người có công với cách mạng, Tổng Cục Hậu cần đã thành lập đoàn để tìm hiểu gia cảnh của ông Trinh tại Quỳ Hợp. Là một trong những thành viên của đoàn khảo sát năm đó, ông Lê Văn Cừ (nay là Khối trưởng Khối 20, phường Hưng Bình) kể lại: “Chúng tôi vẫn biết nhà ông Trinh đông con và nghèo lắm, nhưng chứng kiến thực tế, ai cũng đau lòng, cám cảnh. Chúng tôi quyết tâm thuyết phục ông về TP Vinh và trình đơn vị phê duyệt chương trình xây nhà tình nghĩa cho gia đình ông. Ngoài căn nhà 150m2, anh em còn quây thêm cho vợ chồng ông mảnh vườn 50m2 bên cạnh để trồng rau”.
Sự ghi nhận của Nhà nước, sự yêu thương, đùm bọc của đồng đội đã giúp vợ chồng ông Vinh có một căn nhà để an cư. “Về thành phố, với năng lực và sức khoẻ hạn chế, ông nhà tôi đi làm bảo vệ, đạp xích lô, ngày càng lẫn và ít nói. Tôi với mấy đứa con mò ốc, đem ra chợ Vinh bán. Nhà đông con tuổi ăn, tuổi lớn nhưng suốt ngày ăn khoai, sắn. Thi thoảng tôi lại ra chợ xin da lợn, mỡ thừa của các hàng thịt để... cải thiện bữa cơm!” – bà Chuyên nói.
Kể lại chuyện xưa với nhiều thiệt thòi, thiếu thốn nhưng gương mặt bà Chuyên không chút ưu phiền, lâu lâu bà còn mỉm cười với những tình huống oái oăm mà gia đình mình gặp phải. Bà trải lòng: “Nói gì thì nói, tôi vẫn rất biết ơn cuộc sống đã cho gia đình mình gặp được những người bạn tốt, trong khốn khó luôn có người sẻ chia, giúp đỡ. Hồi ở Quỳ Hợp có người anh kết nghĩa, về TP Vinh rồi thì gặp những người đồng đội, những người hàng xóm tốt bụng… Được sống giữa những yêu thương, tử tế đó là may mắn lớn!”
Ngôi nhà chung mái
Bà Chuyên bảo, cuộc đời bà bước sang một trang mới kể từ khi các con đến tuổi dựng vợ gả chồng, trong nhà có thêm thành viên để cùng bà vun vén cho gia đình. Cuộc sống không vì thế mà dễ dàng và sung túc hơn, nhưng lại hạnh phúc hơn. Còn trong mắt mọi người, gia đình ông Trinh bà Chuyên lại thêm một điểm để nổi tiếng: Nhà đông người. Tính đến thời điểm hiện tại, gia đình bà có tất cả 15 người, 3 thế hệ cùng chung sống.
Với nhiều người, hình ảnh căn nhà có gắn chữ “Nhà tình nghĩa” trước cổng Trường Tiểu học Hưng Bình có lẽ đã trở thành một phần ký ức khó quên. Căn nhà nhỏ, cũ nhưng lúc nào cũng sạch sẽ, gọn gàng, luôn tấp nập học sinh đến mua quà vặt, hoa quả dầm sau giờ tan trường. Trong căn nhà đó, vợ chồng ông Trinh sống cùng gia đình 3 người con trai.
“Cậu con trai đầu làm nghề bán hoa quả dầm, có 3 người con. Cậu con trai thứ làm lái xe trong quân đội, có 2 người con. Cậu con trai út là lao động tự do, vợ đang xuất khẩu lao động ở Nhật, có 2 người con. Nhà lao động, lại đông người, mỗi người một tính, nhưng chưa bao giờ mọi người lớn tiếng với nhau, luôn nhường nhịn, nhẹ nhàng, xưng hô có trên có dưới. Anh em, con cháu lúc nào cũng lễ phép, thưa gửi, tôn trọng ông bà, nhà cửa chật chội, đồ đạc đơn sơ nhưng lúc nào cũng tươm tất. Các thành viên trong gia đình sống chan hoà với hàng xóm, láng giềng. Dù thuộc diện hộ khó khăn, gia đình luôn nhiệt tình ủng hộ các hoạt động chung của khối xóm” – ông Lê Văn Cừ chia sẻ.
Bà Trần Thị Liên (một hàng xóm của vợ chồng ông Trinh) nói: “Dâu út của ông Trinh đi nước ngoài khi con mới được vài tháng. Người con dâu thứ 2 chăm lo cho cháu từng miếng ăn, giấc ngủ, yêu thương cháu như con ruột, đáng quý vô cùng. Việc nhà, từ giặt giũ, rửa bát, lau nhà, thay tã… dù trai hay gái, cứ rảnh là tự giác làm, không nề hà, phân biệt. Gia phong, nề nếp gia đình nhà ông Trinh, bà Chuyên khiến hàng xóm chúng tôi thực sự nể phục. Cũng vì thế nên cứ chiều chiều, mọi người quanh xóm lại thích tụ tập ở nhà ông bà chuyện trò”.
Chia sẻ về “bí quyết” giữ nếp nhà của mình, bà Chuyên thổ lộ: “Tôi luôn dặn các con của mình, bố mẹ được lớn lên trong những gia đình gia giáo và muốn gia đình mình tiếp tục giữ được sự nề nếp, gia giáo đó. Hơn nữa, gia đình mình còn là gia đình cách mạng, các con phải sống có đạo lý, lương thiện và chăm chỉ để xứng đáng với những gì bố đã cống hiến”.
Những lời dặn dò mộc mạc với thái độ sống chuẩn mực của bà cũng chính là những “viên gạch tinh thần” đầu tiên xây tổ ấm cho các con. Trong câu chuyện của mình, bà Chuyên cũng thừa nhận, không ít lần nghĩ ngợi rồi thương con, thương cháu, nước mắt cứ ứa ra. Mỗi lần như vậy, mấy đứa con bà lại động viên: Mẹ đừng buồn, mẹ phải vui lên. Có mấy nhà anh em đoàn kết và được sống cùng bố mẹ như chúng con đâu. Dù anh em chúng con đang nghèo, không giỏi giang, giàu có như người ta, nhưng chúng con vẫn luôn chăm chỉ và lương thiện, khó khăn rồi sẽ qua thôi.
Nhìn lại 15 năm làm dâu, chị Vũ Thị Duyên – dâu cả nhà ông Trinh, bộc bạch: “Quãng thời gian khó khăn nhất có lẽ khi chị em chúng tôi nuôi con mọn, những đứa trẻ lây nhau ốm, mỗi lần đi viện là lại phải đi vay mượn. Chúng tôi đều có những gia đình nhỏ phải chăm lo nhưng luôn có một gia đình to để dựa vào, khi nhà này cần thì nhà kia giúp. Có lẽ vì vậy, mỗi ngày trôi qua tôi luôn cảm thấy trân trọng những gì mình đang có”.
Những ngày này, gia đình ông Trinh đang ở trọ trong thời gian chờ đợi hoàn thiện ngôi nhà mới. Một ngôi nhà đảm bảo sự riêng tư hơn cho các gia đình nhỏ nhưng vẫn chung 1 mái. Vất vả, thiếu thốn vẫn còn đấy, nhưng chắc chắn sẽ khang trang, ấm cúng hơn.
Người ta nói: “Có một nơi để về, gọi là nhà. Có những người để yêu thương, gọi là gia đình. Có cả 2 điều đó, gọi là hạnh phúc”. Nếu đúng vậy thì tất cả những thành viên trong gia đình ông Phan Văn Trinh đang sở hữu một hạnh phúc không thể đong đếm.