Mục đích cuối cùng
(Baonghean) - Suy cho cùng, người ta bán hàng đểu hay đánh thuế kiểu tận thu cũng đều nhắm tới một cái đích duy nhất là túi tiền của người dân.
Một sự trùng hợp khá kỳ lạ, đầy sự ngẫu nhiên, nhưng lại khiến cho những người cả nghĩ cho là có bàn tay sắp đặt của thế lực “siêu nhiên” nào đó như muốn phát đi một thông điệp đối với con người đang quay cuồng trong vòng xoáy sinh tồn, đó là khi Bộ Tài chính “khéo léo” cho bàn dân thiên hạ biết ý định đánh thuế tài sản được tích cóp từ mồ hôi, nước mắt của dân, thì cũng là lúc các cơ quan chức năng phát hiện ra một doanh nghiệp có tên tuổi lấy than tre đóng vào bao con nhộng làm thuốc chữa ung thư và một cơ sở nhỏ lẻ dùng bột đá, pin đèn, vỏ cà phê, hương liệu trộn lẫn làm cà phê xay bán cho thiên hạ uống.
Bột than tre tán nhỏ làm thuốc chữa ung thư. Ảnh Internet |
Bề ngoài, cả 3 sự việc đó tưởng như không hề liên quan đến nhau. Việc khơi mào, gợi ý thu thuế tài sản là việc đánh vào túi tiền của dân dưới danh nghĩa “tăng nguồn thu để phát triển đất nước”. 2 việc kia đánh trực diện vào sức khỏe người tiêu dùng. Nhưng suy cho cùng, người ta bán hàng đểu hay đánh thuế kiểu tận thu cũng đều nhắm tới một cái đích duy nhất là túi tiền của người dân.
Họ tuy ở các giai tầng khác nhau, không hề quen biết nhau nhưng lại cùng chung một mục đích là móc tiền từ túi thiên hạ được càng nhiều, càng tốt. Có khác chăng là ở chỗ, đánh thuế là hành động hợp pháp, được pháp luật thừa nhận và bảo hộ. Còn sản xuất thuốc đểu, hàng dởm thì là lừa đảo bị pháp luật nghiêm cấm nếu vi phạm sẽ bị trừng trị đích đáng. Nhưng dù là hợp pháp hay bất hợp pháp, thì người dân vẫn là đối tượng cuối cùng gánh chịu hậu quả.
Nói đến đây, hẳn sẽ có người phản đối rằng, thu thuế cho dù bị dư luận cho là một kiểu “tận thu sức dân” thì cũng là vì sự nghiệp chung, không có gì tư lợi. Còn 2 việc kia rõ ràng là lừa đảo nhằm trục lợi cá nhân. Khác nhau một trời, một vực nên không thể đánh đồng vào nhau như thế được. Nhìn bề ngoài thì có vẻ là như vậy, nhưng đi sâu vào bản chất bên trong của 3 sự việc đó thì sẽ khác.
Trước hết, nói về 2 vụ lừa đảo trắng trợn và táng tận lương tâm kia. Người ta muốn kiếm tiền, nhưng lại không muốn bỏ công sức, vốn liếng, hao tổn sức khỏe, trí tuệ mà cũng có thể do là không đủ năng lực, trình độ để tạo ra những siêu sản phẩm được cả thế giới tin dùng cỡ như Bin-Ghết hay Mắc Du-ken-bớc song lại muốn kiếm được nhiều tiền ngang ngửa với hai thiên tài đó. Và thế là chỉ có một cách để có thể đáp ứng được nhu cầu kiếm tiền nhiều và nhanh mà lại khỏe re là…lừa đảo. Họ làm như vậy là vì chính bản thân họ. Không vì ai khác.
Còn tiền thuế tài sản, nếu được phép thu là tiền của Nhà nước nên khó có thể nói làm vậy là vì lợi ích cá nhân. Ở chỗ này cần phải đào sâu thêm tư duy một chút. Bảo đảm nguồn thu, cân đối thu chi để phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển đất nước là nhiệm vụ chủ yếu và cực kỳ quan trọng của ngành tài chính. Nếu để hụt thu hay thu không đủ chi thì ngành tài chính phải chịu trách nhiệm chính.
Nhà ở có giá trị trên 700 triệu sẽ phải nộp thuế. Ảnh Internet |
Vì thế, muốn không bị đánh giá là yếu kém thì không được để xảy ra tình trạng “thiếu trước hụt sau, hổng trên hở dưới”. Muốn không thiếu, hụt thì phải tăng thu, bảo đảm nguồn thu. Nhưng tăng thu là việc làm rất khó. Ngoài sự giỏi giang, thông tuệ còn cần sự tâm huyết, trách nhiệm cao, bươn chải, đôn đáo ngược xuôi. Mệt người, hại óc nhưng tiền thu thêm được lại không phải của cá nhân mình. Vậy thì tội gì tự hành xác mình cho nhọc người.
Cứ chọn phương án đơn giản, nhẹ nhàng mà hiệu quả nhất là tăng thuế, đẻ thêm ra các sắc thuế còn hậu quả như thế nào và ai phải gánh chịu thì không cần biết; miễn là nhiệm vụ được giao vẫn hoàn thành mà không phải mất công, mệt người. Họ làm vậy, rõ ràng cũng là chỉ vì mình thôi. Thế nên mục đích cuối cùng của 3 việc khác nhau là như nhau vậy.