Mường Lằm chỉ còn trong huyền thoại

14/05/2017 14:53

(Baonghean) - Theo truyền thuyết, Mường Lằm xưa được lập bởi hai anh e là tạo Lăm Tờ và Lăm Nứa. Hai anh em sau đó lại cầm quân chém giết nhau khiến người chết vô số, đến nỗi quạ rỉa không hết.

Một hộ dân rời khu tái định cư trở về sinh sống nơi ở cũ. Đây cũng là trung tâm Mường Lằm xưa kia. Ảnh: Hữu Vi
Một hộ dân rời khu tái định cư trở về sinh sống nơi ở cũ. Đây cũng là trung tâm Mường Lằm xưa kia. Ảnh: Hữu Vi

Mường Lằm xưa gồm nhiều bản người Thái sông dọc con sông Nậm Nơn thuộc các xã: Kim Tiến, Kim Đa, Hữu Dương và Hữu Khuông (huyện Tương Dương). Nay chỉ còn lại xã Hữu Khuông. Các xã còn lại đều đã giải thể do chìm sâu dưới lòng hồ bản Vẽ sau khi công trình thủy điện đưa vào sử dụng năm 2015. Các hộ dân đã chuyển về các điểm tái định cư ở các huyện Thanh Chương và Quế Phong.

Trung tâm của mường xưa ở bản Xiềng Lằm, từng là trung tâm xã Hữu Khuông. Nay bản Xiềng Lằm cũng đã chìm vào lòng hồ thủy điện bản Vẽ.

Theo những huyền thoại và sử sách ghi chép lại thì Mường Lằm tồn tại trong nhiều thế kỷ ở địa vực miền tây Nghệ An. Hiện nay vẫn còn những nhóm dân cư rời khỏi các điểm tá định cư trở về sinh sống ở bản cũ, cạnh hồ thủy diện. Ông Lương Văn Tiến là một trong những người như thế.

Những phong tục cổ xưa của vùng đất Mường Lằm vẫn được người dân bản địa lưu giữ. Ảnh: Hữu Vi
Những phong tục cổ xưa của vùng đất Mường Lằm vẫn được người dân bản địa lưu giữ. Ảnh: Hữu Vi

Ông Tiến kể lại câu chuyện mang màu sắc huyền thoại được truyền tụng qua nhiều thế hệ ở Mường Lằm nói rằng, mường cổ này bắt đầu được lập ra từ trên 600 năm trước. Thời ấy khoảng thế kỷ thứ 13 hay 14 gì đó trong vùng có 2 “tạo” là anh em ruột, là Lăm Tờ và Lăm Nứa. Hai anh em được chia nhau cai quản hai khu vực khác nhau. Tạo Lăm Nứa là anh cai quản vùng thượng du sông Nậm Nơn. Tạo em Lăm Tờ cai quản phần hạ du.

Trong quá trình sinh sống, ai anh em nảy sinh mâu thuẫn dẫn đến đem quân đánh nhau. Cuộc xung đột huynh đệ tương tàn khiến người chết nhiều vô kể, quạ rỉa không hết. Vì thế sông Nậm Nơn có một khúc gọi là Nhạn Ca Lưa (quạ ăn không hết) để ghi nhớ về sự tích cuộc xung đột.

Cuộc chiến bất phân thắng bại nhưng lại khiến hai người đứng đầu Mường Lằm đều kiệt sức và hổ thẹn. Họ cùng bỏ mường ra đi. Từ đó vùng đất không còn mường, chẳng ai cai quản nữa.

Một hộ dân rời khu tái định cư trở về dựng lều sinh sống bên lòng hồ bản Vẽ. Họ chấp nhận cuộc sống nguyên sơ như thuở xưa trên mảnh đất Mường Lằm. Ảnh: Hữu Vi
Một hộ dân rời khu tái định cư trở về dựng lều sinh sống bên lòng hồ bản Vẽ. Họ chấp nhận cuộc sống nguyên sơ như thuở xưa trên mảnh đất Mường Lằm. Ảnh: Hữu Vi

Sau sự kiện 2 anh em bỏ mường ra đi, người Lào xuôi thuyền đến và lấy làm lạ vì sự hoang vắng của vùng đất. Mường xưa trù phú chỉ còn lại lác đác vài bản làng. Sau khi hỏi han kỹ họ phát hiện ra 2 vị chủ mường là Lăm Tờ và Lăm Nứa đều trốn đến đất Phủ Quỳ sinh sống.

Trong dòng tộc còn có 2 người là Phia Kèo và Phia Xỉ. Hai người được mời về làm chủ mường. Sau này Phia Kèo sinh 2 con, một trai, một gái. Phia Xỉ không có con. Người con gái không rõ tên gọi gì, người con trai về sau gọi là Nhà Hầu Đốc. Ông sinh 2 con trai là Xống Khả và Xống Lý.

Ông Xống Lý sinh 5 người con trai. Anh con cả là Tạo Cả Tiến. Lớn lên ông sang Lào sinh sống, 4 người còn lại lần lượt có tên gọi là Lang Văn Thanh, Lang Văn Phương, Lỳ Vấn và Hương Thẩu. Họ đều là những người cai quản Mường Lằm vào thời kỳ cuối thời phong kiến.

Sau này, con cháu của họ cũng tiếp tục kế nghiệp dòng họ cho đến khi cách mạng thành công. Chế độ hành chính cũ bị bãi bỏ và nhiều người trong dòng họ còn có những đóng góp cho phong trào cách mạng. Không chỉ là mường của những người tài năng và có lối sống phóng túng, họ cũng đã góp phần quan trọng trong việc hình thành một vùng văn hóa dọc sông Nậm Nơn.

Mường Lằm còn nổi danh vời những thắng cảnh đẹp. Đó là những hang động như Thẳm Mậm ở xã Hữu Khuông. Điều đáng tiếc là phần lớn những thắng cảnh nổi tiếng này đã chìm vào lòng hồ thủy điện.

Hữu Vi

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Mường Lằm chỉ còn trong huyền thoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO