Mỹ đàm phán Taliban: Kế hoạch liệu có thành?

Phan Tùng 18/12/2018 20:36

(Baonghean) - Đại diện của Mỹ và lực lượng Taliban ở Afghanistan vừa có cuộc tiếp xúc ở Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hôm 17/12 nhằm bàn bạc chuyện xây dựng hòa bình ở quốc gia Tây Nam Á này. Tuy nhiên, để đi tới kết quả còn là một chặng đường dài, thậm chí các cuộc tiếp xúc sẽ chẳng thể đi tới đâu.

Đối thoại để chấm dứt xung đột

Cuộc gặp giữa giới chức Mỹ đã gặp các đại diện của Taliban tại UAE diễn ra trong bối cảnh một loạt động thái ngoại giao đang được tiến hành nhằm thiết lập nền tảng cơ bản cho các cuộc đàm phán hướng tới sớm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 17 năm qua tại Afghanistan.

Phía Mỹ khẳng định các cuộc gặp đang được tiến hành tại thủ đô Abu Dhabi của UAE là một phần trong những nỗ lực của Mỹ và các đối tác quốc tế nhằm thúc đẩy đối thoại với các bên liên quan tại Afghanistan hướng tới chấm dứt cuộc xung đột ở quốc gia Tây Nam Á này.

Sher Mohammad Abbas Stanakzai, đại diện của Taliban tại hội nghị quốc tế về Afghanistan tháng trước ở Moscow (AFP)
Sher Mohammad Abbas Stanakzai, đại diện của Taliban tại hội nghị quốc tế về Afghanistan tháng trước ở Moscow. Ảnh: AFP

Trong một tuyên bố, đặc phái viên Mỹ về vấn đề hòa giải Afghanistan Zalmay Khalilzad khẳng định đã từng gặp và sẽ tiếp tục gặp tất cả các bên liên quan, trong đó có Taliban, nhằm hỗ trợ việc thiết lập cơ chế đàm phán đối với cuộc xung đột.

Về phần mình, người phát ngôn lực lượng Taliban Zabihullah Mujahid cho biết, các đại diện của Saudi Arabia, Pakistan, UAE cũng sẽ tham gia cuộc đàm phán, vốn diễn ra sau ít nhất hai cuộc gặp giữa lực lượng Taliban và đặc phái viên Mỹ Khalilzad ở Qatar.

Theo các thủ lĩnh cấp cao của Taliban tại Afghanistan, các cuộc đàm phán này sẽ kéo dài trong 3 ngày. Còn Đặc phái viên Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) phụ trách vấn đề Afghanistan Tadamichi Yamamoto cho rằng có cơ hội thật sự về việc hòa đàm chính thức giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban.

Ông cho biết, đã nhận thấy ý chí chính trị bên phía Chính phủ Afghanistan cũng như cam kết tiếp tục ủng hộ từ cộng đồng quốc tế cho đến khi đạt được một thỏa thuận hòa bình với Taliban.

Đặc phái viên TTK LHQ kêu gọi các bên liên quan cần hành động nhằm xây dựng lòng tin, tạo điều kiện cho đối thoại, đặc biệt các nước trong khu vực cần tiếp tục tạo bầu không khí có lợi cho đàm phán, cho phép người dân Afghanistan giải quyết bất đồng thông qua các cuộc đàm phán.

Bất chấp việc Taliban từ chối không tham gia đối thoại trực tiếp với chính phủ được quốc tế công nhận của Afghanistan, cộng đồng quốc tế và Kabul vẫn không ngừng gia tăng các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết xung đột.

Theo cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Afghanistan Hamdullah Mohib, mặc dù Chính phủ Afghanistan không tham gia trực tiếp cuộc gặp, song hôm 16/12, một nhóm quan chức nước này đã gặp giới chức Mỹ và Saudi Arabia ở UAE, thảo luận tiến trình hướng tới chấm dứt xung đột.

Hồi tháng 10, Đặc phái viên Mỹ về Afghanistan Zalmay Khalilzad cũng đã cuộc gặp Taliban tại Qatar, thảo luận về triển vọng chấm dứt cuộc xung đột tại Afghanistan. Trong cuộc gặp đó, đặc phái viên Mỹ Khalilzad đã cố gắng thuyết phục nhóm phiến quân này quay trở lại bàn đàm phán. Như vậy, trong vòng 6 tháng qua, hai bên có 3 cuộc đàm phán trực tiếp.

Vì IS?

Sau 17 năm chìm trong bạo lực, đã xuất hiện một con đường cho những vấn đề tại Afghanistan. Đó là việc ngồi vào bàn đàm phán để đối thoại – một việc hành động được coi là hiển nhiên. Thủ lĩnh Taliban Maulvi Haibatullah Akhunzadah từng khẳng định mục tiêu này chỉ có thể đạt được thông qua đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Trong khi đó, giới chức Mỹ tuyên bố mục tiêu của nước này là đạt được một giải pháp do Chính phủ Afghanistan đứng đầu và dàn xếp nhằm kết thúc cuộc chiến ở quốc gia Trung Nam Á này.

Diễn biến này đặt trong bối cảnh những năm gần đây, Taliban chiếm giữ nhiều khu vực trên khắp Afghanistan và thường xuyên tiến hành các vụ tấn công quy mô lớn.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, từ đầu năm 2009 tới nay, hơn 26.000 dân thường Afghanistan đã thiệt mạng và gần 49.000 người bị thương do xung đột vũ trang.

Điều đó có nghĩa lực lượng này đã có thế và lực đủ để có tiếng nói trên bàn đàm phán. Và đặc biệt, nhóm này lại thích nói chuyện trực tiếp của với đại diện của Mỹ hơn là gặp chính phủ ở Kabul, đối tượng đáng ra có trách nhiệm với an ninh tại quốc gia này.

Zalmay Khalilzad, Đặc phái viên Mỹ về Afghanistan hối thúc các bên bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình. Ảnh: Reuters

Tín hiệu từ phía Taliban cũng được chính quyền Mỹ hưởng ứng. Các quan chức Lầu Năm Góc đã nhắc tới kế hoạch dàn hòa với Taliban từ lâu để tập trung nguồn lực quân sự tiêu diệt nhóm khủng bố Khorasan- nhánh tại Afghanistan của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Khorasan được đánh giá là mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với Mỹ và lực lượng an ninh phương Tây tại Afghanistan. Các quan chức quốc phòng Mỹ đánh giá trong khi Taliban vẫn không phải là đối tượng ổn định nhưng khó gây ra nguy hiểm về phạm vi quốc tế.

Ngoài ra, trong nội bộ cơ quan quốc phòng và tình báo của Mỹ đều xuất hiện quan điểm mạnh mẽ rằng lực lượng quân đội Mỹ không nên rút khỏi Afghanistan cho đến khi mối đe dọa từ IS hoàn toàn kết thúc.

Vậy nên, củng cố vị trí Afghanistan thông qua việc hợp tác với Taliban là một lựa chọn. Đối thoại cũng đang là giải pháp nhiều quan chức quân sự Mỹ ủng hộ bởi họ cho rằng không thể đánh bại Taliban bằng vũ trang.

Trong khi đó, Taliban giành được lợi thế ngắn hạn trong cuộc giao tranh ở thành phố Ghazni với lực lượng Chính phủ Afghanistan vào tháng 8. Đây có thể là điều lý giải cho nguyên nhân các chỉ huy của Taliban cảm thấy tự tin để sẵn sàng với đối thoại.

Nỗ lực của Nga, Mỹ đưa Taliban và Chính phủ Afghanistan tới bàn đàm phán đã diễn ra trong nhiều tháng. Nhưng những nỗ lực này chỉ có thể trở thành hiện thực và nhận được ủng hộ từ những chỉ huy của Taliban, khi họ nhận thấy Khorasan đang là mối đe dọa hàng đầu.

Trong một phát biểu tại Kabul ngày 2/9, chỉ huy lực lượng liên quân tại Afghanistan, Tướng John Mick Nicholson đã nhắn nhủ Taliban: “Các ông không cần tiếp tục giết chóc những người đồng hương Afghanistan. Không cần phải sát hại người Hồi giáo. Lúc này là thời gian dành cho hòa bình. Toàn bộ thế giới đang khuyến khích các ông chấp nhận một lệnh ngừng bắn và dự đàm phán hòa bình".

Tiến trình đàm phán hòa bình giữa Mỹ và Taliban vẫn chưa chính thức được công khai cho thấy tính chất nhạy cảm của vấn đề. Cho dù tuyên bố sẵn sàng đàm phán với phía Mỹ, Taliban vẫn chưa thấy một “đòn bẩy” đủ mạnh để đi tới một thỏa thuận, hay một cơ chế hợp tác nào đó.

Lực lượng này từng nêu rõ nước Mỹ và các đồng minh cần xác định rằng vấn đề Afghanistan không thể giải quyết bằng biện pháp quân sự và các chiến lược quân sự, vốn được thử nghiệm suốt 17 năm qua ở Afghanistan sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng và kéo dài chiến tranh cũng như không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai. Điều này ngụ ý rằng, sẽ không có bước tiến thực chất nào khi các lực lượng quân sự nước ngoài còn ở lại trên lãnh thổ Afghanistan.

Mới nhất
x
Mỹ đàm phán Taliban: Kế hoạch liệu có thành?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO