Quốc tế

Mỹ muốn gây sức ép hạt nhân lên Nga và Trung Quốc?

Hoàng Bách 07/06/2024 17:10

Theo hãng tin RT, một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ đã nói với hãng tin Semafor rằng nước này chuẩn bị công bố những thay đổi đối với chính sách vũ khí hạt nhân của mình vào ngày 7/6.

Máy bay ném bom B-1B Lancer (trái) của Không quân Hoa Kỳ bay cùng máy bay chiến đấu F-15K của Hàn Quốc. Ảnh: Getty
Máy bay ném bom B-1B Lancer (trái) của Không quân Mỹ bay cùng máy bay chiến đấu F-15K của Hàn Quốc. Ảnh: Getty

Nguồn tin cho biết, Washington chuẩn bị áp dụng một "đường hướng mang tính cạnh tranh hơn", được cho là sau khi Nga và Trung Quốc phớt lờ lời kêu gọi đàm phán về không phổ biến vũ khí hạt nhân và kiểm soát vũ khí. Washington muốn cho Moskva và Bắc Kinh thấy rằng họ “sẽ phải đối mặt với một môi trường an ninh giảm sút nếu tiếp tục từ chối tham gia”.

Quan chức này gần như không tiết lộ chi tiết về những thay đổi, chỉ nói rằng việc phát triển phiên bản mới của bom trọng lực hạt nhân là một phần trong chiến lược của Mỹ. Washington cũng muốn các đồng minh chủ chốt có khả năng tấn công và giám sát tầm xa tốt hơn.

Một số nội dung đang được lên kế hoạch với kỳ vọng rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đắc cử nhiệm kỳ thứ hai và sẽ ứng phó với việc hiệp ước New START hết hạn vào năm 2026. Đây là thỏa thuận ràng buộc song phương cuối cùng theo đó hạn chế kho dự trữ hạt nhân của Mỹ và Nga. Năm ngoái, Nga đã chính thức đình chỉ tham gia New START với lý do là các chính sách thù địch của Mỹ, nhưng tuyên bố sẽ tuân thủ các điều khoản cốt lõi của hiệp định này nhằm hạn chế vũ khí hạt nhân và hệ thống phân phối.

Theo nguồn tin trên, thông báo chính thức sẽ được ông Pranay Vaddi thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đưa ra.

Semafor là một công ty truyền thông được thành lập vào năm 2022 bởi cựu nhà báo New York Times Ben Smith và cựu Giám đốc điều hành Bloomberg Media Justin Smith.

Moskva đã cáo buộc Mỹ cố tình phá hoại hệ thống hiệp ước có từ thời Liên Xô về kiểm soát và cắt giảm vũ khí chiến lược. Quá trình này bắt đầu dưới thời Tổng thống George W Bush, người vào năm 2002 đã bãi bỏ lệnh cấm phát triển hệ thống tên lửa chống đạn đạo quốc gia. Chính quyền của ông tuyên bố rằng Hiệp ước ABM năm 1972 đã ngăn cản Mỹ phòng thủ trước “các quốc gia bất hảo”.

Theo RT, căng thẳng có thể sẽ gia tăng hơn nữa khi kế hoạch do Mỹ hậu thuẫn nhằm trang bị cho Ukraine các máy bay chiến đấu F-16 được thực hiện. Phương tiện do Mỹ phát triển có khả năng triển khai bom trọng lực hạt nhân của nước này. Washington hiện bố trí một số loại vũ khí này ở các quốc gia NATO không sở hữu hạt nhân, bao gồm cả Bỉ, quốc gia đã cam kết đóng góp một số máy bay phản lực cho Kiev. Các quan chức Nga lập luận rằng mọi chiếc F-16 do Ukraine vận hành nên được coi là có khả năng được trang bị vũ khí hạt nhân.

Trong bối cảnh xung đột Ukraine, Moskva đã đưa ra một kế hoạch tương tự như cơ chế chia sẻ hạt nhân của NATO bằng cách chuyển một phần kho vũ khí hạt nhân của mình sang đồng minh và nước láng giềng Belarus. Tháng trước, cả hai quốc gia đã công bố các cuộc tập trận nhằm mục đích khẳng định khả năng triển khai vũ khí hạt nhân phi chiến lược của quân đội mỗi nước.

Theo RT
Copy Link

Mới nhất

x
Mỹ muốn gây sức ép hạt nhân lên Nga và Trung Quốc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO