Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ: Hai đồng minh đầy lòng nghi kỵ
(Baonghean) - Quan hệ đồng minh Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ vừa "rơi" xuống một mức độ nguy hiểm mới khi hai bên đình chỉ cấp thị thực với công dân của nhau. Sự việc này cùng với những bất đồng trong thời gian qua tiếp tục phơi bày những mâu thuẫn không dễ hòa giải giữa hai đồng minh đầy lòng nghi kỵ nhau này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa có cuộc gặp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan ở New York hồi tháng 9. Ảnh Times |
Chiến tranh “thị thực”
Việc Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ ngừng cấp thị thực cho công dân của nhau diễn ra gần như đồng thời khiến người ta có cảm giác đây là một cuộc “chiến tranh thị thực”.
Ngày 8/10, phái bộ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ thông báo đã ngừng mọi dịch vụ cấp thị thực không nhập cư tại Thổ Nhĩ Kỳ với lý do cần "đánh giá lại" cam kết của Ankara đối với các nhân viên ngoại giao Mỹ.
Nguyên nhân có thể là việc Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước đã bắt giữ một nhân viên lãnh sự Mỹ tại Istanbul do cáo buộc có liên hệ với một giáo sĩ được cho là đứng sau cuộc đảo chính bất thành hồi năm ngoái, một động thái mà Washington lên án là vô căn cứ và làm tổn hại quan hệ giữa các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Thông báo của Đại sứ quán Mỹ tại Ankara nêu rõ: “Những sự kiện gần đây đã buộc Chính phủ Mỹ đánh giá lại cam kết của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đối với an ninh của phái bộ và nhân viên ngoại giao Mỹ. Để giảm thiểu số lượng khách tới Đại sứ quán và các tòa lãnh sự trong thời gian đánh giá, chúng tôi đã ngừng toàn bộ các dịch vụ cấp thị thực không nhập cư tại tất cả các cơ sở ngoại giao Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ và quyết định này có hiệu lực ngay lập tức”.
Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó cũng trả đũa bằng một quyết định tương tự.
Mối quan hệ nghi kỵ
Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ, trên danh nghĩa vẫn đang duy trì trạng thái ‘đồng minh’. Cụ thể là việc hai bên đang duy trì các hoạt động hợp tác quân sự trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tuy nhiên, nếu nói rằng đây là cơ sở cho niềm tin song phương thì hoàn toàn là sai lầm. Cả hai bên vẫn đang có quá nhiều nghi kỵ, mâu thuẫn lẫn nhau trong một loạt các vấn đề.
Trở ngại cơ bản nhất của mối quan hệ này là những quan ngại của Ankara về việc Mỹ vũ trang cho lực lượng vũ trang người Kurd tại Syria - đối tượng bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố và kích động ly khai tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Giáo sĩ Fethullah Gullen, người đang sống lưu vong tại Mỹ là cái gai trong mắt chính quyền Ankara hiện nay (Turkey Telegraph) |
Washington cũng không mấy tích cực với yêu cầu dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen - người được cho là đứng đằng sau cuộc đảo chính bất thành hồi năm ngoái tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc Tổng thống Donald Trump chỉ cam kết chung chung rằng Mỹ sẽ "theo dõi sát sao" giáo sĩ Gulen có thể coi là nỗi thất vọng lớn nhất với Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Recep Tayip Erdogan tới Mỹ hồi tháng 5 và ra về mà không đạt được bước tiến đáng kể nào trong hai vấn đề này khiến mối quan hệ này trở nên lạnh nhạt hơn bao giờ hết. Và sẽ không ngạc nhiên nếu Ankara có những bước đi của riêng mình.
Mỹ cũng có nhiều điều không bằng lòng với Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Erdogan được cho là chưa bao giờ cam kết đầy đủ đối với cuộc chiến chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Syria.
Ankara bị cáo buộc đã hỗ trợ tài chính, vũ khí và vật liệu nổ cho nhiều lực lượng của phiến quân Syria, trong đó có cả các tay súng IS cũng như cho phép các chiến binh và vũ khí vượt qua biên giới nước này tràn vào Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng được xem là ‘đường ra’ cho lượng lớn dầu mỏ mà IS khai thác từ Syria và Iraq. Cao trào của mâu thuẫn là việc Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên đưa quân sang Syria với lý do tăng cường an ninh biên giới và chống khủng bố vào tháng 8/2016.
Phía Mỹ chỉ trích hành động này, coi đây là hành động mượn việc tiêu diệt IS ở Syria để xóa sổ lực lượng của người Kurd tại đây.
Không thể buông Thổ Nhỹ Kỳ?
Trong cuộc chơi quyền lực này, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đang cùng ‘cân sức’ với những con bài của nhau. Với vị trí địa chiến lược nằm giữa hai lục địa Âu – Á, Thổ Nhĩ Kỳ hiểu được mình có gì và phương Tây chờ đợi gì ở họ.
Đây là quốc gia Hồi giáo duy nhất là thành viên của NATO. Quan hệ tương đối gần gũi với phương Tây là lợi thế để Thổ Nhĩ Kỳ tận dụng.
Được coi là vùng đệm giữa châu Âu và khu vực Trung Đông đầy bất ổn, Thổ Nhĩ Kỳ là nơi NATO đặt căn cứ không quân chiến lược Incirlik, hiện giữ vai trò quan trọng trong cuộc chiến của liên quân chống khủng bố.
Mỹ hiểu được rằng Thổ Nhĩ Kỳ là nhân tố không thể thiếu trong cuộc chiến chống IS, cũng như sử dụng chính quyền Ankara làm đối trọng với Iran tại Trung Đông. Nhưng chính quyền hiện tại của Tổng thống Tayip Erdogan lại khiến phương Tây nhiều khó chịu.
Chiến đấu cơ F-15 của không quân Mỹ cất cánh từ căn cứ không quân Incirlik tại Andana, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Los Angeles Times |
Mỹ và các đồng minh EU vẫn phản đối "chiến dịch thanh trừng" mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành sau cuộc đảo chính.
Ngược lại, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ lại coi EU và Mỹ sử dụng tiêu chuẩn kép khi phán xét vấn đề nội bộ của nước này.
Khúc mắc lâu dài với Mỹ trong một loạt vấn đề thúc đẩy Ankara gấp rút hàn gắn với Nga, đồng thời điều chỉnh xu hướng đối đầu thành đối thoại với một loạt chính quyền tại khu vực như Syria, Iran và Israel.
Mới nhất, Thổ Nhĩ Kỳ lại vừa có một động thái làm ‘phật lòng’ các đồng minh phương Tây. Đó là thông báo đã đặt cọc với phía Nga để mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf.
Một kịch bản rất khó chịu với NATO khi một thành viên lại sử dụng hệ thống phòng không của đối thủ với khả năng chế ngự các thiết bị phòng thủ tổ chức quân sự này.
Mối quan hệ đồng minh mà như đối thủ giữa Mỹ, phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vẫn đang trực bùng nổ…
Thanh Sơn
TIN LIÊN QUAN |
---|