Mỹ trải qua năm 2016 với nhiều bất ngờ và chia rẽ sâu sắc

Năm 2016 đã khép lại nhưng có lẽ nhiều người dân Mỹ và cộng đồng quốc tế vẫn chưa hết bàng hoàng trước những gì vừa diễn ra.

Chiến thắng áp đảo của tỷ phú Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống được đánh giá là khó dự đoán nhất trong lịch sử thế giới hiện đại, và sự chia rẽ sâu sắc về chính trị, xã hội hay chủng tộc, tôn giáo là những gì mà nước Mỹ đã chứng kiến trong năm vừa qua.

my trai qua nam 2016 voi nhieu bat ngo va chia re sau sac hinh 1
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Donald Trump bất ngờ thắng cử Tổng thống

Sự kiện thu hút sự chú ý không chỉ của người dân nước Mỹ mà còn đối với toàn thế giới không gì khác chính là cuộc bầu cử Tổng thống 2016. Bắt đầu từ bầu cử sơ bộ ngày 1 tháng 2 cho đến tổng tuyển cử ngày 8/11, cả nước Mỹ dường như ngập trong bầu không khí chính trị sôi động với đủ mọi cung bậc cảm xúc.

Đi ngược lại hầu hết các kết quả thăm dò dư luận, các phân tích, đánh giá, dự đoán của giới chuyên gia và truyền thông Mỹ, nhà tỷ phú bất động sản Donald Trump từ vị trí của “người lót đường” đã bất ngờ trở thành ông chủ mới của Nhà Trắng.

Với chiến dịch tranh cử lạ lùng bao gồm các phát ngôn gây sốc, ứng cử viên Donald Trump lần lượt vượt qua các đối thủ trong nội bộ đảng Cộng hòa một cách ngoạn mục và bứt phá trong chặng đua cuối cùng với ứng cử viên Tổng thống Đảng Dân chủ sừng sỏ, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton.

Giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống phức tạp và khó dự đoán nhất trong lịch sử hiện đại của nước Mỹ, không có gì bất ngờ khi Tổng thống đắc cử Donald Trump được Tạp chí danh tiếng Time và hãng tin Pháp AFP bầu chọn là “Nhân vật của năm 2016”.

Việc tỷ phú Donald Trump, một doanh nhân được đánh giá là không có kinh nghiệm chính trường thực tế đắc cử Tổng thống Mỹ là bất ngờ lớn và là khởi đầu cho hàng loạt những bất ngờ sắp tới.

Thất bại của Đảng Dân chủ trước ông Trump không chỉ là sự thất bại của hình thái toàn cầu hóa trong vài chục năm qua mà còn là minh chứng cho sự đi xuống tương đối của quyền lực Mỹ trên thế giới.

Mệt mỏi với chủ nghĩa tự do, mệt mỏi với làn sóng toàn cầu hóa, nhập cư, và cuộc sống ngày càng đi xuống, đại đa số cử tri Mỹ muốn hướng nội, quay trở lại với việc làm của chính mình và hướng tới mục tiêu một nước Mỹ vĩ đại. Một kỷ nguyên mới của chủ nghĩa dân túy có lẽ đang bắt đầu không chỉ tại Mỹ mà còn diễn ra tại châu Âu và một số xã hội khác trên thế giới.

Một nước Mỹ chia rẽ sâu sắc

Cuộc bầu cử Tổng thống đã chiếm lĩnh toàn bộ đời sống chính trị của người dân Mỹ trong năm 2016. Nhưng chính bản thân nó và nhiều sự kiện nội bộ khác cũng cho thấy thấy sự chia rẽ chưa từng có trong lòng nước Mỹ, từ chính trị, chủng tộc, tôn giáo cho đến xã hội, kinh tế, và thu nhập.

Cuộc bầu cử đã kết thúc nhưng kết quả và dư âm của nó đã thể hiện một đất nước, một xã hội bị chia rẽ, giữa một bên là những người gốc Phi, gốc Mỹ Latin, một bộ phận nhỏ người da trắng được xem là tinh hoa trong xã hội và phía bên kia là những thị trấn nhỏ, những thành phố công nghiệp hoang vắng và đông đảo người da trắng có trình độ học vấn thấp, nông dân ở những vùng xa xôi.

Bên cạnh đó, các vụ nổ súng của cảnh sát nhằm vào người da màu đã làm bùng phát biểu tình hàng loạt phản đối phân biệt chủng tộc trên nhiều thành phố lớn ở nước Mỹ. Các cuộc biểu tình từ hòa bình nhanh chóng chuyển sang bạo động, thậm chí có những thành phố đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp để đối phó.

Theo thống kê sơ bộ, trong năm 2016 có gần 1.000 người bị cảnh sát bắn chết, trong đó người da màu và gốc Mỹ Latinh là 350 so với 450 đối tượng là người da trắng. Thực tế này cho thấy, căng thẳng giữa lực lượng thực thi pháp luật và cộng đồng người da màu tại Mỹ cũng như tâm lý phân biệt chủng tộc vẫn còn rất dai dẳng trong xã hội nước này.

Cũng trong năm 2016, nước Mỹ chứng kiến nhiều vụ xả súng và tấn công đẫm máu với nghi phạm đa số là người Hồi giáo nhập cư như vụ tấn công một hộp đêm tại Orlando làm gần 50 người thiệt mạng, nổ bom hàng loạt tại New York và New Jersey làm hàng chục người bị thương.

Sau mỗi vụ tấn công, làn sóng bài xích Hồi giáo lan rộng, cộng đồng Hồi giáo bị đe dọa, một số thánh đường đã bị đốt, bị bắn. Các nghi phạm này ít nhiều có liên quan đến khủng bố hoặc bị nhiễm tư tưởng Hồi giáo cực đoan nhưng rõ ràng một số tín đồ Hồi giáo mặc dù đã ở Mỹ nhiều năm nhưng vẫn chưa thể hòa nhập được với cộng đồng.

Bất ngờ và chia rẽ là những gì mà người dân Mỹ đã chứng kiến và những điều này có thể sẽ tiếp diễn trong năm mới 2017 khi ông Trump chính thức lên nắm quyền. Với các tuyên bố chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump đi ngược lại những gì được coi là di sản của Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama để lại, thế giới chắc chắn sẽ chứng kiến nhiều bất ngờ và nội bộ nước Mỹ sẽ có thể đối mặt với một bước ngoặt quan trọng về chính trị trong khi câu hỏi về hàn gắn chia rẽ xã hội có lẽ vẫn còn bỏ ngỏ./.

Theo VOV

tin mới

Bản tin quốc tế: Ukraine sẽ đầu hàng trong hai tuần nữa nếu bị cắt viện trợ?

Bản tin quốc tế: Ukraine sẽ đầu hàng trong hai tuần nữa nếu bị cắt viện trợ?

(Baonghean.vn) - Người đứng đầu chính sách ngoại giao của EU Josep Borrell cho biết, cách chấm dứt xung đột ở Ukraine nhanh nhất là ngừng viện trợ cho Kiev, và chiến tranh sẽ kết thúc trong hai tuần. Những bất đồng ở Mỹ về viện trợ có thể đã khiến tình thế của Kiev "từ thắng thành bại". 

Chính trị gia Pháp: Lời đe dọa 'vô trách nhiệm' của Tổng thống Macron sẽ dẫn đến Thế chiến III

Chính trị gia Pháp: Lời đe dọa 'vô trách nhiệm' của Tổng thống Macron sẽ dẫn đến Thế chiến III

(Baonghean.vn) - Ứng cử viên Nghị viện châu Âu thuộc đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (Pháp) Mathieu Valais cho rằng, những tuyên bố lặp đi lặp lại của Tổng thống Emmanuel Macron về việc gửi quân đội NATO đến Ukraine là "vô trách nhiệm", và trên thực tế sẽ không dẫn đến điều gì tốt đẹp.  

Ngừng quá cảnh khí đốt qua Ukraine, Nga có hưởng lợi?

Ngừng quá cảnh khí đốt qua Ukraine, Nga có hưởng lợi?

(Baonghean.vn) - Hợp đồng quá cảnh khí đốt của Nga qua Ukraine sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2024 và Kiev đã tuyên bố không đàm phán thỏa thuận gia hạn. Trong khi mới đây, Mỹ đã phải mở lại giao dịch với các ngân hàng của Nga nhằm thanh toán các hợp đồng năng lượng.

Hơn 2 năm, Mỹ chưa thể 'vẽ hình hài' chiến thắng cho Ukraine

Hơn 2 năm, Mỹ chưa thể 'vẽ hình hài' chiến thắng cho Ukraine

(Baonghean.vn) - Mỹ đã đầu tư một khoản tiền khổng lồ vào cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng cuối cùng là để làm gì? Sau hơn 2 năm chiến đấu, họ vẫn chưa vẽ ra hình hài rõ ràng về “chiến thắng” ở Kiev là gì? Phải chăng, việc lấp lửng giữa thành và bại mới là kế hoạch của Mỹ?

Na Uy tuyên bố Châu Âu phụ thuộc vào phân bón của Nga

Na Uy tuyên bố Châu Âu phụ thuộc vào phân bón của Nga

Châu Âu đang vô tình trở nên phụ thuộc vào việc nhập khẩu phân bón của Nga, Svein Tore Holsäther - Giám đốc điều hành của công ty hóa chất Na Uy Yara International, một trong những nhà cung cấp phân khoáng lớn nhất thế giới, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times.