Năm 2025, Khu kinh tế Đông Nam phấn đấu thu hút khoảng 25.000 tỷ đồng vốn đầu tư
Chiều 20/12, tại thành phố Vinh, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An) tổ chức tổng kết công tác phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp năm 2024 và triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm 2025.
Chủ trì hội nghị có đồng chí Bùi Thanh An -Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo Ban quản lý Khu Kinh tế Đông Nam.
Cùng dự có đại diện các ban, sở, ngành cấp tỉnh, đại diện các ngân hàng thương mại, các trường đại học, cao đẳng nghề; lãnh đạo các huyện, thành, thị thuộc địa bàn Khu kinh tế Đông Nam; các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng và một số doanh nghiệp FDI tiêu biểu.
Góp phần quan trọng vào kết quả thu hút đầu tư của tỉnh
Bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2024 trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực phức tạp và khó lường nhưng nhờ bám sát các chỉ đạo của tỉnh và sự quyết tâm, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam đã hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Cùng với tiếp tục xây dựng các chương trình, đề án, cơ chế chính sách tham mưu cho tỉnh, Ban quản lý Khu Kinh tế Đông Nam đã thực hiện tốt các bước quy hoạch và quản lý quy hoạch, tài nguyên môi trường cũng như các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.
Cụ thể, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam tiếp tục đầu tư, hoàn thiện các hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp như đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 2 dự án; khởi công 2 dự án, hoàn thành thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh 9 dự án, đề xuất chủ trương đầu tư mới 5 dự án.
Bên cạnh đó, Ban quản lý Khu kinh tế cũng hỗ trợ các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng triển khai các Khu công nghiệp tại VSIP Nghệ An 1 và WHA Nghệ An 1 và KCN Hoàng Mai I; đồng thời hỗ trợ nhà đầu tư triển khai KCN Thọ Lộc giai đoạn 1, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư KCNN WHA Industrial Zone 2 - Nghệ An và KCN Hoàng Mai II…
Đến nay, Nghệ An đã có 7 Khu công nghiệp với tổng diện tích là 2.388 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 56,36%. Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh ước thực hiện 1,648 tỷ USD, đạt 235,4% và dự kiến cả năm 2024 đạt trên 1,69 tỷ USD, năm thứ 3 liên tiếp lọt vào tốp 10 tỉnh thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước.
Năm 2024 với 16 doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, luỹ kiến đến nay có 157 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh với nhiều ngành nghề; doanh thu ước đạt 77.219 tỷ đồng, nạp ngân sách ước đạt 2.208 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho gần 46.500 lao động, trong đó tạo việc làm mới cho 8.392 lao động so với năm 2023, thu nhập bình quân lao động đạt 8,2 triệu đồng/người/tháng.
Tại hội nghị, nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong đầu tư triển khai dự án tại Nghệ An cũng như những kế hoạch, dự định sắp tới của doanh nghiệp mình, đại diện một số doanh nghiệp FDI đã phát biểu và ghi nhận sự hỗ trợ của tỉnh thời gian qua, kiến nghị, đề xuất trong thời gian tới. Tại hội nghị, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam đề ra chỉ tiêu phấn đấu thu hút từ 20.000 đến 25.000 tỷ đồng vào Khu kinh tế.
Tiếp tục kiên trì nguyên tắc "5 sẵn sàng"
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Bùi Thanh An - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh điểm lại những thuận lợi của năm 2024. Theo đó, mặc dù còn có những khó khăn nhưng so với giai đoạn 2022-2023, các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam cơ bản đã vượt qua qua thời điểm khó khăn nhất và đạt được nhiều kết quả.
Trên cơ sở điểm lại kết quả nổi bật về kinh tế xã hội của tỉnh năm 2024, tiêu biểu là thu ngân sách tỉnh ước đạt 24.000 tỷ đồng, thu hút đầu tư FDI của tỉnh tiếp tục đứng vào top 10 cả nước năm thứ 3, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận vai trò tham mưu tích cực của Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, các sở ngành, địa phương.
Đồng chí ghi nhận 8 kết quả nổi bật như Ban cùng với tỉnh xây dựng chính sách cho Quốc hội ban hành Nghị quyết số 37 về một số chính sách đặc thù đối với Nghệ An; tiếp tục tham mưu Đề án mở rộng Khu kinh tế Đông Nam tạo tiền đề thực hiện mục tiêu thu hút đầu tư trong những năm tiếp theo; phát huy kết quả đạt được và kiên trì, chuẩn bị tốt "5 sẵn sàng" để có mặt bằng sạch cho tỉnh mời gọi, thu hút đầu tư; chủ động và tích cực kết nối đáp ứng nhu cầu cung cầu lao động cho các doanh nghiệp; đầu tư hạ tầng kỹ thuật...
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ rõ 1 số điểm còn tồn tại, hạn chế.
Năm 2025 là năm có ý nghĩa bản lề đánh giá chỉ tiêu giai đoạn 2020 -2025 nên trên cơ sở đồng tình với 7 nhóm giải pháp mà Ban quản lý Khu kinh tế đề ra, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục kiên trì phương châm, nguyên tắc “5 sẵn sàng” với tư duy, tầm nhìn mới; đặc biệt quan tâm đến hạ tầng xã hội và hạ tầng nguồn cung về điện cho sản xuất; đề nghị Ban cũng như các sở ngành tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng logistics, hạ tầng kết nối; các doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng với tỉnh đồng hành tháo gỡ hạ tầng xã hội, nhà ở xã hội, an sinh cho người lao động; cải thiện chế độ thu nhập, điều kiện làm việc cho người lao động để từng bước tháo nút thắt cung-cầu lao động.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao các đơn vị rà soát lại kết quả thực hiện, các mục tiêu, chỉ tiêu, nhất là công trình, hạng mục hạ tầng trọng điểm so với đề ra để xây dựng, hoạch định cho nhiệm kỳ tới. Cấp ủy cấp uỷ chính quyền các địa phương, sở ngành tích cực rà soát, cụ thể hoá mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp vào mục tiêu nghị quyết đại hội Đảng các cấp giai đoạn tiếp theo.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh đã Trao cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc năm 2024./.