Nam Đàn khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch

Những ngày tháng 5 lịch sử, giữa ngào ngạt hương lúa, hương sen, từng dòng người từ muôn quê cùng về Kim Liên quê Bác. Có mặt trong đoàn hành hương về quê Bác dịp trước kỷ niệm Ngày sinh của Người, chị Trần Thu Hà (tỉnh Cao Bằng) chia sẻ: “Hàng năm, vào những ngày lễ, đặc biệt là dịp sinh nhật của Người, gia đình tôi lại về đây thăm Khu Di tích Kim Liên để tưởng nhớ công ơn của Bác. Đã nhiều lần về thăm quê Bác nhưng mỗi lần đặt chân lên mảnh đất này, lòng không khỏi bâng khuâng, xúc động”.

Du lịch nói chung và du lịch tâm linh nói riêng đang là thế mạnh của huyện Nam Đàn. Để phát huy truyền thống và di sản của quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời gian qua, xã Kim Liên tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn bản sắc văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, lịch sự, thân thiện và mến khách. Bên cạnh đó, xã tiếp tục đầu tư xây dựng các điểm nhấn trong khu dân cư như kè các dãy ao sen, xây dựng xóm sáng – xanh – sạch – đẹp, đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển một số mô hình du lịch trải nghiệm, tham quan, học tập cộng đồng để thu hút du khách.

Du khách về thăm quê nội, quê ngoại Bác Hồ tại Khu Di tích Kim Liên, tham quan những vật dụng của gia đình Bác Hồ vẫn còn được lưu giữ. Ảnh: Huy Thư - Đình Tuyên
Du khách về thăm quê nội, quê ngoại Bác Hồ tại Khu Di tích Kim Liên, tham quan những vật dụng của gia đình Bác Hồ vẫn còn được lưu giữ. Ảnh: Huy Thư - Đình Tuyên

Cùng với Kim Liên, xã Nam Giang có Khu mộ Bà Hoàng Thị Loan trên núi Động Tranh; có vườn sinh thái trải nghiệm Eo Gió sở hữu thiên nhiên trong lành, không gian khoáng đạt cùng nhiều hoạt động thú vị. Đây là một trong những điểm đến được nhiều người dân thích thú, đặc biệt là du khách gần xa khi về thăm quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí Đặng Hoàng Linh – Bí thư Đảng ủy xã Nam Giang cho biết: Định hướng phát triển của xã theo hướng khai thác các giá trị về văn hóa tâm linh, cảnh quan sinh thái gắn với du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng trải nghiệm. Để đạt được mục tiêu này, địa phương đã và đang cố gắng phát huy giá trị hiện có, nâng cao kỹ năng giao tiếp cho người dân, mở rộng các sản phẩm du lịch, đặc biệt là các sản phẩm OCOP, dịch vụ lưu niệm, lưu trú, đa dạng ẩm thực để thu hút du khách.

Du khách tham quan mộ bà Hoàng Thị Loan trên núi Động Tranh. Ảnh: Quốc Đàn
Du khách tham quan mộ bà Hoàng Thị Loan trên núi Động Tranh. Ảnh: Quốc Đàn

Huyện Nam Đàn có hệ thống di tích lịch sử văn hóa vừa phong phú về loại hình, vừa đa dạng về nội dung. Mỗi di tích, danh thắng đều gắn liền với tên tuổi của các bậc tiền nhân đã có những công lao cống hiến to lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 173 di tích, danh thắng. Đặc biệt, có một số di tích tiêu biểu có giá trị lớn về văn hóa để khai thác phát triển du lịch như: Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, Di tích Quốc gia đặc biệt khu lưu niệm Phan Bội Châu, Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đặc biệt đình Hoành Sơn, cụm Di tích Vua Mai, chùa và đền Đức Sơn, chùa Viên Quang, chùa Đại Tuệ… Cùng đó, hệ thống di sản văn hóa phi vật thể phong phú, là một trong những cái nôi hát ví phường vải và nhiều lễ hội truyền thống, trong đó, có 2 lễ hội lớn là Lễ hội Đền Vua Mai và Lễ hội Làng Sen.

Thắng cảnh chùa Đại Tuệ trên núi Đại Huệ (Nam Đàn). Ảnh: Hồ Đình Chiến
Thắng cảnh chùa Đại Tuệ trên núi Đại Huệ (Nam Đàn). Ảnh: Hồ Đình Chiến

Nam Đàn là 1 trong 4 huyện của cả nước được Chính phủ lựa chọn để thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, theo Quyết định số 17/QĐ-TTg, ngày 04/01/2019, của Thủ Tướng Chính phủ theo hướng phát triển văn hoá gắn với du lịch, giai đoạn 2018 – 2025. Điểm nhấn trong xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Nam Đàn là huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng từ huyện đến cơ sở. Trong đó, hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, hạ tầng văn hóa được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại.

Trên địa bàn huyện Nam Đàn đã hoàn thành một số công trình hạ tầng kết nối du lịch như: Cảnh quan tuyến đường vào quê nội, quê ngoại Bác Hồ; đường cầu Đòn – chùa Viên Quang, đường ngã tư thị trấn – khu lăng mộ Vua Mai, công trình Hợp tác xã với Bác Hồ tại Kim Liên… Các di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng được quan tâm bảo tồn, trùng tu. Các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể thao, xây dựng nếp sống văn hoá được phát triển.

Lãnh đạo huyện Nam Đàn tham quan mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm của hộ gia đình ông Phạm Ngọc Lợi tại xã Nam Nghĩa. Ảnh: Thanh Lê
Lãnh đạo huyện Nam Đàn tham quan mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm của hộ gia đình ông Phạm Ngọc Lợi tại xã Nam Nghĩa. Ảnh: Thanh Lê

Huyện Nam Đàn còn có nhiều khu vườn đẹp, vườn chuẩn nông thôn mới cho du khách trải nghiệm. Huyện đã xây dựng được một số mô hình du lịch, sản phẩm du lịch mới từ các trang trại, vườn đồi với cảnh quan thiên tạo hoặc nhân tạo, bước đầu thu hút được du khách tìm đến và trải nghiệm. Đó là mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm của hộ gia đình ông Phạm Ngọc Lợi tại xã Nam Nghĩa; mô hình trang trại hoa của gia đình ông Phạm Trung Kiên tại xã Kim Liên; mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm Eo Gió tại xã Nam Giang; mô hình du lịch homestay của 4 hộ gia đình (ông Nguyễn Sinh Chung, ông Nguyễn Sinh Lạc, ông Vương Minh, ông Nguyễn Hồng Thúy) tại xóm Sen 3, xã Kim Liên; điểm du lịch vườn Hồng tại xã Nam Anh. Cùng đó, huyện tập trung chỉ đạo xây dựng nhiều sản phẩm OCOP vừa nâng cao được giá trị nông sản trên địa bàn, tăng thu nhập cho người dân, vừa là sản phẩm phục vụ du lịch.

Nam Đàn đang chú trọng phát triển các mô hình kinh tế trang trại kết hợp du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, homestay. Ảnh: Quang An - Thanh Lê - CSCC
Nam Đàn đang chú trọng phát triển các mô hình kinh tế trang trại kết hợp du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, homestay. Ảnh: Quang An - Thanh Lê - CSCC

Huyện cũng quan tâm thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng, thế mạnh vào đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn, đơn cử như thu hút Tập đoàn T&T vào đầu tư bãi đậu xe và dịch vụ du lịch tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên; Tập đoàn TH đã khảo sát để xây dựng ngôi làng bình yên, khôi phục giống lúa nếp Rồng, trồng cây dược liệu… Đồng thời, huyện đã ban hành và thực hiện có hiệu quả Đề án Xây dựng nét đẹp văn hóa con người Nam Đàn văn minh, lịch sự, nghĩa tình, thân thiện, mến khách gắn với việc thực hiện Quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch, các quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn huyện. Ngoài ra, huyện còn phối hợp với Sở Du lịch đón đoàn Farmtrip, Presstrip của CLB lữ hành UNESCO Hà Nội, Hiệp hội Du lịch; các công ty du lịch lớn trong tỉnh khảo sát, đánh giá các điểm đến du lịch trên địa bàn huyện Nam Đàn, từ đó để xây dựng các tour, tuyến du lịch nhằm mang lại trải nghiệm đầy thú vị cho du khách. Năm 2022 có khoảng gần 1,7 triệu lượt người đến tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện, doanh thu du lịch đạt 290 tỷ đồng.

Đồng chí Vương Hồng Thái – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết: Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, huyện Nam Đàn được công nhận là huyện nông thôn mới kiểu mẫu gắn văn hóa với phát triển du lịch, thời gian tới huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch với các hình thức phong phú, đa dạng, hấp dẫn. Cùng đó, huyện tiếp tục huy động nguồn lực trùng tu, tôn tạo các di tích, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa; đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, kết nối các điểm di tích để hình thành các tour, tuyến du lịch thu hút du khách trong nước và quốc tế, nhằm khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa gắn với hoạt động du lịch mang tính bền vững.

Hoa sen nở rộ bên những con đường về quê Bác. Ảnh: Đức Anh
Hoa sen nở rộ bên những con đường về quê Bác. Ảnh: Đức Anh