Mỗi lần về với huyện Nam Đàn là thêm cảm nhận mới về sự chuyển mình nơi đây. Kết cấu hạ tầng giao thông, trường học, kênh mương, hệ thống truyền thanh, nhà văn hóa, các thiết chế thể thao, vui chơi giải trí… được đầu tư ngày càng đồng bộ, khang trang, hiện đại. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng lên, tạo khí thế, tinh thần mới trong từng khu dân cư.
Điều đặc biệt ở huyện Nam Đàn, qua xây dựng nông thôn mới đã xóa khoảng cách, tạo sự phát triển đồng đều giữa các vùng, các địa phương. Như xã Nam Thanh thuộc vùng bán sơn địa khó khăn, kinh tế thuần nông, lúa, ngô, lạc là cây trồng chính; cấp ủy, chính quyền và người dân đã đổi mới tư duy, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với nhiều mô hình, điểm sáng: Mô hình rau, củ, quả trong nhà màng; trồng cây ăn quả bằng công nghệ tưới nhỏ giọt với hàng chục héc ta; trồng bí xanh hàng hóa; nuôi bồ câu nhốt; nuôi ốc bươu đen; nuôi gà lai chọi an toàn sinh học quy mô 6.000 con/lứa. Đặc biệt khai thác lợi thế đất đồi, Nam Thanh hiện có 143 gia trại, trang trại trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi đem lại giá trị kinh tế cao.
Bên cạnh đời sống vật chất, người dân xã Nam Thanh còn được hưởng thụ nhiều giá trị tinh thần khi thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư đồng bộ ở các xóm; an ninh nông thôn được đảm bảo an toàn; cảnh quan nông thôn xanh – sạch – đẹp. Đặc biệt, theo chia sẻ của đồng chí Trần Đăng Khoa – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nam Thanh: Tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu về giáo dục đã được huyện thẩm định, tạo cho địa phương phát triển nổi trội hơn về giáo dục, khi 2 trường mầm non, tiểu học đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, trường mầm non đạt tiêu chí: Xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện; trường THCS đang hoàn thiện quy trình công nhận chuẩn mức độ 2.
Xã Nam Kim có nhiều khó khăn khi cách trung tâm huyện Nam Đàn hơn 25km, quá trình xây dựng và đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao (năm 2022), cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, bám từng xóm, cụm dân cư, từng hộ dân để tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, đóng góp ngày công mở đường; đóng góp tiền làm đường bê tông, đường điện chiếu sáng, lắp camera, biển báo giao thông, bồn hoa, cây xanh; xây dựng nhà văn hóa, sân bãi thể thao… với tổng kinh phí trong vòng 4 năm (2020 – 2023) đạt hơn 20 tỷ đồng. Bộ mặt, cảnh quan nông thôn ở xã Nam Kim đã đổi thay hoàn toàn. Nhiều điểm sáng về kinh tế ở xã miền núi này được hình thành, như: Hợp tác xã chanh Thiên Nhẫn với 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; điểm du lịch sinh thái đập Hồ Thành; kinh tế vườn đồi được phát huy với cây chanh là cây trồng chủ lực, trong đó có 8 vườn đạt chuẩn.
Xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, nông thôn mới nâng cao năm 2021 và đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022, bên cạnh hạ tầng được đầu tư đồng bộ, khang trang, xã Nam Nghĩa có hệ thống cảnh quan môi trường nông thôn thật sự: Sáng – xanh – sạch – đẹp, với gần 13 đường cây xanh lát hoa, bằng lăng, hoa ban… Mỗi gia đình đều có 3 thùng rác để phân loại rác thải hữu cơ, rác vô cơ, rác tái chế. Đời sống kinh tế của người dân không ngừng được cải thiện, phá vỡ độc canh cây lúa, chuyển sang đa dạng cây trồng rau màu hàng hóa, cây ăn quả, phát triển chăn nuôi, làm dịch vụ.
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn, chia sẻ: Xây dựng nông thôn mới vừa là chủ trương, vừa là thực tiễn yêu cầu phát triển của địa phương nhằm hiện thực hóa mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với quê hương: Xây dựng Nam Đàn trở thành huyện kiểu mẫu.
Bởi vậy, triển khai thực hiện Quyết định số 17 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng huyện Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018 – 2025, cấp ủy, chính quyền các cấp ở huyện đã bám sát nội dung từng tiêu chí xã, huyện nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu để chỉ đạo thực hiện thực chất. Huyện phát động phong trào xây dựng trụ sở, cơ quan, xóm, khối, khu dân cư, tuyến đường “sáng – xanh – sạch – đẹp”; trường học “an toàn, thân thiện, xanh – sạch – đẹp”; nhằm tạo sự phát triển đồng bộ về hạ tầng, tạo bức tranh tổng thể nông thôn đẹp trên quê Bác.
Quá trình chỉ đạo, huyện Nam Đàn xác định rõ trách nhiệm của từng tổ chức trong hệ thống chính trị, gắn trách nhiệm từng thường vụ, cấp ủy, người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị cấp huyện, xã; quan tâm tháo gỡ khó khăn, huyện giúp xã, xã giúp xóm trong thực hiện từng tiêu chí; đặc biệt chú trọng khâu tuyên truyền, giải thích người dân hiểu rõ vai trò chủ thể, tạo sức mạnh nội sinh – yếu tố quan trọng đảm bảo sự thành công trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Cùng với nội lực của địa phương, cấp ủy, chính quyền các cấp ở huyện Nam Đàn tăng cường bám nắm, phối hợp và tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và nguồn từ doanh nghiệp, con em xa quê để đầu tư, hoàn thiện thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện, xã; bảo tồn, trùng tu các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng; xây dựng, hoàn thiện các công trình hạ tầng kết nối du lịch và một số mô hình văn hóa gắn du lịch, các sản phẩm phục vụ du lịch; phát triển các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, xây dựng nếp sống văn hóa…
Huyện Nam Đàn trở thành đơn vị dẫn đầu trong tỉnh về số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao với 9 xã và 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu (chưa tính huyện vừa thẩm định thêm 6 xã hoàn thành nông thôn mới nâng cao và 2 xã hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu); có 69 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.
Huyện đã hoàn thành 35/42 nội dung tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch theo Quyết định số 17 của Thủ tướng Chính phủ; trong đó có nhiều nội dung, tiêu chí vượt cao so với quy định và về trước thời hạn, nhất là số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.