Nam sinh quê lúa và hành trình đến với Huy chương Bạc Olympic Vật lý châu Âu
Trần Nguyên Khải - học sinh lớp 12A3, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu là người vừa đưa tấm Huy chương Bạc Olympic Vật lý châu Âu cho ngành Giáo dục Nghệ An trong năm học này. Đây là kết quả của một chặng đường dài chăm chỉ, chịu khó và luôn khát khao giành chiến thắng.
Dấu ấn tuổi 18
Trần Nguyên Khải đến với Kỳ thi Olympic Vật lý châu Âu (EuPhO) năm 2025 sau khi giành giải Nhất tại Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2025 và lọt vào danh sách chọn đội tuyển quốc gia tham gia các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế.
Đến với kỳ thi cuối cùng này, Khải cho biết, em không tạo áp lực cho bản thân. Tuy nhiên, em xác định phải nỗ lực hết sức mình vì muốn ghi một dấu ấn đặc biệt với thầy cô, với mái trường trong năm học cuối cùng của tuổi học trò. Chuyến đi đến Bulgaria với thầy cô và các đồng đội vào giữa tháng 6 cũng là chuyến xuất ngoại đầu tiên của Khải.

Kỳ thi Olympic Vật lý châu Âu năm nay quy tụ hơn 200 học sinh đến từ 29 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. So với các kỳ thi khác, kỳ thi này cách ra đề có sự khác biệt, đòi hỏi học sinh ở sự tư duy và sáng tạo.
Về phía Khải, đón nhận sự thay đổi này, em nói rằng, khá hứng thú, Khải chia sẻ rằng, thí sinh tham dự EuPhO phải trải qua 2 bài thi, gồm lý thuyết và thực hành, mỗi bài kéo dài 5 tiếng. Kỳ thi không chỉ kiểm tra kiến thức vật lý sâu rộng mà còn đòi hỏi khả năng tư duy, sáng tạo và kỹ năng xử lý thí nghiệm thực tế.
Cách chấm điểm ở kỳ thi này cũng đòi hỏi học sinh phải hết sức cẩn thận, vì nếu thí sinh có ý tưởng và triển khai được cách làm bài là có thể có điểm, nhưng nếu ngay từ ban đầu, thí sinh không tìm ra ý tưởng sẽ mất hết cơ hội. Trong khi đó, ở các kỳ thi khác, các bài tập thiên nhiều về nghiên cứu, học thuật và cách chấm điểm sẽ "chi tiết đến từng ý”. Điều thú vị ở kỳ thi này đó là có nhiều bài toán mang tính sáng tạo với ý tưởng lạ.
.jpg)
Kể về quá trình dự thi, Khải chia sẻ, em có gặp một số khó khăn khi làm bài và chưa thể hoàn thành bài thi một cách trọn vẹn. Tuy vậy, em hài lòng với tấm Huy chương Bạc đã đạt được, vì đây là kết quả mà em đã phát huy hết năng lực của bản thân. Chuyến đi với những trải nghiệm đầu tiên khi được tham gia một đấu trường quốc tế còn cho Khải những kỷ niệm khó quên, giúp em có thêm một cái nhìn khác về khoa học và mình cần phải cố gắng học hỏi thêm để có thể áp dụng những kiến thức trong sách vở vào thực tế, mang tính ứng dụng cao.
Trưởng thành nhờ sự nghiêm khắc
Sau Kỳ thi vào giữa tháng 6, Khải về lại quê nhà ở huyện Yên Thành (cũ) và chỉ cho mình nghỉ ngơi 3 ngày. Sau thời gian đó, em quay trở lại với căn phòng trọ quen thuộc rộng khoảng 10m2, gần Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và bắt đầu một hành trình mới với mục tiêu lấy chứng chỉ Tiếng Anh IELTS.
Trước đó, với phương thức xét tuyển tài năng, Khải đã trúng tuyển vào ngành Dữ liệu máy tính và Trí tuệ nhân tạo của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Việc học Tiếng Anh theo Khải là để em thuận lợi khi bắt đầu vào môi trường đại học. Hơn nữa, sau Kỳ thi Olympic Vật lý châu Âu, Khải mong muốn sẽ được ra nước ngoài học tập để nâng cao năng lực của bản thân và tiếp cận nhiều hơn với các công nghệ tiên tiến ở lĩnh vực mà em đang theo học.
.jpg)
Đến với việc học Tiếng Anh, Khải thú nhận “không dễ dàng” vì lượng từ mới và kiến thức mà em phải học mỗi ngày khá nhiều. Dẫu vậy, với kinh nghiệm của một cậu học trò “vượt khó”, Khải đặt niềm tin vào bản thân và không cho phép mình lơ đãng, tận dụng mọi thời gian để không lãng phí.
Hành trình học Tiếng Anh hôm nay, Khải so sánh với chặng đường em chinh phục bộ môn Vật lý, bởi đều có điểm chung xuất phát điểm không thuận lợi.
Em học THCS ở Trường THCS Bạch Liêu (Yên Thành cũ) và chỉ đạt giải Khuyến khích môn Vật lý ở Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 9. Khi thi vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, em cũng chỉ nằm trong tốp 10 và khá khiêm tốn so với rất nhiều học sinh trong lớp, đã từng đạt giải Nhất, Nhì của tỉnh. Vì lẽ đó, sau này, việc để lọt vào đội tuyển quốc gia của em so với các bạn cũng khó khăn hơn và các bạn cố gắng một, hai thì em phải chăm chỉ hơn rất nhiều.
Trần Nguyên Khải
Nói về hành trình 3 năm đáng nhớ ở Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, ngoài những mùa thi, những thành tích nổi bật như 2 năm liên tục đạt giải Nhất, Nhì ở Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Huy chương Bạc vật lý châu Âu, Khải nói rằng, “điều thành công nhất ở ngôi trường này là em đã gặp được thầy giáo chủ nhiệm Lê Xuân Bảo, được các thầy, cô trong trường truyền cảm hứng để em tự tin đến với bộ môn Vật lý”.

Kể thêm về điều này, Khải nói thêm: Ngay khi quyết định tham gia đội dự tuyển để chọn đội tuyển quốc gia, em và các bạn đã có lịch học rất căng để sớm hoàn thành chương trình phổ thông trong năm lớp 10. Từ Hè lớp 10, chúng em đã bắt đầu học chương trình nâng cao để đầu lớp 11 chọn đội tuyển chính thức.
Vì chương trình rất nặng nên thầy giáo chủ nhiệm luôn nghiêm khắc với học trò, yêu cầu học sinh phải kỷ luật, chăm chỉ, hoàn thành bài tập theo đúng kế hoạch. Cá nhân em, khi mới theo học, cũng có những lúc vi phạm, nhưng sau này chính nhờ sự dạy dỗ nghiêm túc và tận tụy của thầy lại giúp mình tiến bộ. Thầy cũng rèn cho em sự kiên trì trong học tập, không ngại khó khăn và giúp em tiến bộ mỗi ngày.
Chia sẻ thêm về những năm THPT, Khải cho biết, ngoài thời gian lớp 10, 2 năm còn lại em được học với các bạn trong lớp rất ít. Thậm chí, năm lớp 12, vì liên tục theo đội tuyển, em chỉ được học với các bạn 2 tuần và không có thời gian về chụp kỷ yếu với lớp.
Đặt mục tiêu vào đội tuyển quốc gia, nên năm lớp 12, từ ở ký túc xá, Khải quyết định một mình ra thuê trọ ở ngoài, bắt đầu với cuộc sống tự lập để có nhiều thời gian học tập nghiêm túc.
Quá trình trưởng thành của mình, tân chủ nhân tấm Huy chương Bạc Olympic Vật lý châu Âu chia sẻ thêm: Em nghĩ rằng, càng ở những vòng thi sau, năng lực của thí sinh sẽ khá đồng đều về mặt kiến thức. Nếu có sự khác biệt “chính là sự cố gắng riêng của từng người”, đòi hỏi sức bền để không gián đoạn việc học. Về điều này, em và các bạn trong đội tuyển của trường đã được thầy giáo của mình rèn giũa trong một thời gian rất dài và tạo cho chúng em tâm thế vững chắc khi vào phòng thi và tự tin vào mỗi bài tập mà mình đã hoàn thành.

Đồng hành với Trần Nguyên Khải trong 3 năm ở lớp chuyên Vật lý, thầy giáo Lê Xuân Bảo đánh giá Khải là một học sinh đặc biệt chăm chỉ và chịu khó. Vì thế, những kết quả mà em đạt được là hoàn toàn xứng đáng và là minh chứng cho sự nghị lực, vươn lên. Cá nhân thầy Bảo cũng nói rằng, được dạy học trong một tập thể lớp nhiều học sinh giỏi, chăm chỉ là sự may mắn của thầy giáo. Vì thế, bằng sự nghiêm túc với nghề, anh mong rằng, sẽ giúp học trò có một hành trang vững chắc và vượt qua khó khăn để thực hiện được ước mơ, hoài bão.