Nạn 'cò mồi' trong đấu giá đất ở nông thôn
(Baonghean)- Ở các cuộc đấu giá đất, rất nhiều 'cò' xuất hiện, gây nên tình trạng đấu giá mập mờ, mất an ninhh trật tự, thậm chí thất thoát nguồn thu ngân sách.
Theo phản ánh của người dân, tại huyện Quỳnh Lưu trong quá trình đấu giá đất xảy ra tình trạng “cò đất’’ chèn ép người mua, khống chế giá, gây thất thoát nguồn thu ngân sách từ tiền đấu giá đất và gây mất an ninh trật tự. Tháng 3/2016, xã miền núi Tân Sơn (Quỳnh Lưu), tổ chức đấu giá 59 lô đất với 500 hồ sơ, nhưng có tới 70% là người ngoài xã tham gia đấu giá.
Ông Đinh Tiến Thủy - một hộ dân ở xã Tân Sơn cho rằng, nếu tính bình quân mỗi lô đất “cò” thu lợi 30 triệu đồng, thì nhân dân địa phương đã “mất không” gần 2 tỷ đồng. Nhà nước thất thu thuế, còn dân lại mất không tiền oan, người ít cũng vài chục triệu đồng, người nhiều thì cả trăm triệu đồng mà không dám có ý kiến gì.
Ông Thủy băn khoăn: “Theo công bố ban đầu của Công ty CP Tài chính và Đấu giá Quang Minh có những lô đất chỉ 10 hồ sơ nhưng lúc vào phiên đấu giá chính thức lại có thêm 8 hồ sơ nữa, những hồ sơ này không có chứng nhận nộp tiền cọc. Phải chăng công ty đấu giá móc ngoặc, ăn chia lợi nhuận nên mới cố tình làm ngơ cho “cò đất” lộng hành?”.
Còn chị Nguyễn Thị Thủy - người dân xã Quỳnh Bá (Quỳnh Lưu) cho biết: Năm 2015 xã tổ chức đấu giá và chị đã rất khó khăn mới mua được 1 lô đất. Vì ngoài tiền trúng đấu giá thì chị còn phải đưa thêm cho “cò” 50 triệu đồng nữa. Có trường hợp chưa kịp đưa tiền như thỏa hiệp vì xoay xở không kịp đã bị phía “cò” vào tận nhà đe dọa”...
Khu đất đấu giá ở xã Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu) hiện đã được người dân xây dựng nhà. Ảnh: P.V |
Ông Nguyễn Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: Các đối tượng “cò” đất đến từ nhiều nơi, như TP. Vinh, các huyện Nam Đàn, Yên Thành. Để hạn chế nạn “cò” đất, huyện đã có một số giải pháp: Thứ nhất, giá khởi điểm đưa ra sát giá thị trường; thứ hai, quá trình tổ chức triển khai công tác chuẩn bị tốt hơn, những người có đơn mới được vào sân để nghe quy chế đấu giá.
Thứ ba, phối hợp Công an huyện tăng cường lực lượng cho các cuộc đấu giá từ 7 - 12 người/phiên, trong quá trình diễn ra chỉ đạo đơn vị đấu giá nắm chắc tình hình, nếu có biểu hiện cò thì lô đất đó sẽ tăng lên, không theo tuần tự. Huyện cũng thành lập tổ giám sát do Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường làm tổ trưởng với sự tham gia của các phòng: Tài chính Kế hoạch, Tư pháp. Tổ này giám sát quá trình chuẩn bị và tổ chức đấu giá. Huyện giao cho công ty tổ chức không được để lộ danh sách của những người đấu giá ra ngoài. Nhờ vậy công tác đấu giá và kết quả đấu giá gần đây tốt hơn.
Tại huyện Diễn Châu, cũng có hiện tượng lợi dụng việc giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất, một số đối tượng “cò” đã gây rối trật tự trên địa bàn huyện, cản trở người dân khi tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, gây mất an ninh trật tự. Ông Cao Hiếu - Chủ tịch UBND xã Diễn Thịnh cho biết: Tình trạng “cò đất” vẫn diễn ra phức tạp tại các phiên đấu giá, có khi xảy ra ẩu đả, gây mất an ninh trật tự. Phiên đấu giá của xã Diễn Thịnh ngày 3/4/2017 với 10 lô đất, nhưng có những lô đất chỉ có 2 người “mua thật” trong xã, còn lại khoảng 40 “cò” tham gia. Sau khi trúng đấu giá, người mua phải chi cho mỗi “cò” 1 triệu đồng, 40 “cò” tương đương 40 triệu đồng. “Cò” nắm được thông tin, đến từ khắp nơi, 2 lần đấu giá đều có hiện tượng “cò”.
UBND huyện Diễn Châu hiện đang ký hợp đồng với 2 đơn vị tổ chức đấu giá chuyên nghiệp của Nhà nước là Trung tâm Đấu giá Tài sản Nghệ An thuộc Sở Tư pháp và Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Nghệ An thuộc Sở Tài chính. Về giá khởi điểm, ông Ngô Đình Tưu - Phó phòng Tài nguyên và Môi trường cho biết, UBND các xã khảo sát trình UBND huyện và Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh thẩm định và UBND tỉnh phê duyệt cơ bản sát với giá thị trường, nên hạn chế được tình trạng “dìm” giá.
Sau khi UBND huyện lựa chọn và ký hợp đồng với tổ chức đấu giá chuyên nghiệp, thì Tổ chức đấu giá chuyên nghiệp thực hiện công khai thông tin về lô đất, thửa đất và giá đất trên Báo Nghệ An, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Nghệ An, niêm yết tại Trụ sở Tổ chức hợp đồng đấu giá, UBND huyện Diễn Châu (tại Phòng Tài nguyên và Môi trường) và trụ sở UBND xã nơi có đất đưa ra đấu giá để người dân được biết và tham gia đấu giá. Thời gian công khai theo đúng quy định. Về công tác thu đơn và bảo mật thông tin đấu giá, ông Ngô Đình Tưu cho biết thêm: “Phòng Tài nguyên và Môi trường được đơn vị tổ chức đấu giá chuyên nghiệp ủy quyền thu đơn đấu giá và thu tiền đặt trước tham gia đấu giá. Việc thu đơn của người tham gia đấu giá, danh sách người đăng ký tham gia đấu giá được Phòng Tài nguyên và Môi trường bảo mật đến trước thời điểm tổ chức đấu giá. Sau khi khai mạc phiên đấu giá Phòng Tài nguyên và Môi trường bàn giao cho Tổ chức đấu giá chuyên nghiệp để thực hiện tổ chức đấu giá theo quy định”.
Sau khi nắm bắt được tình hình “cò mồi” đe dọa trấn áp người trúng đấu giá đòi trích “phần trăm”, UBND huyện Diễn Châu kịp thời chỉ đạo Công an huyện, UBND các xã, thị trấn có đất đấu giá nên công tác bảo đảm an ninh trong hoạt động tổ chức đấu giá cơ bản đảm bảo tốt. Tùy tình hình phiên đấu giá và đối tượng tham gia đấu giá, ngoài lực lượng công an của xã nơi có đất đấu giá tham gia bảo vệ, trước phiên đấu giá Phòng Tài nguyên và Môi trường có Công văn đề nghị Công an huyện bố trí từ 2 đến 4 đồng chí tham gia bảo vệ phiên đấu giá nhằm đảm bảo an toàn và trật tự.
Thực tế thời gian qua, các huyện Diễn Châu và Quỳnh Lưu và các huyện đã ký kết hợp đồng với các tổ chức bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh để thực hiện việc bán đấu giá quyền sử dụng đất theo đúng với các quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản. Việc thông báo bán đấu giá được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời niêm yết thông báo tại UBND các xã có quỹ đất bán đấu giá, ngoài ra còn niêm yết tại UBND huyện và trụ sở tổ chức bán đấu giá tài sản. Tuy nhiên các ngành chức năng cần tiếp tục hỗ trợ các huyện đảm bảo thủ tục quy trình, đồng thời có giải pháp đảm bảo quyền lợi cho người đấu giá đất chân chính.
Nhóm P.V
TIN LIÊN QUAN |
---|