Với diện tích đất đỏ bazan rộng lớn, huyện Nghĩa Đàn có nhiều lợi thế phát triển sản xuất nông nghiệp. Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, huyện đang triển khai nhiều đề án tập trung, tích tụ ruộng đất, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Xã Nghĩa Phú được xác định là một trong những địa bàn trọng điểm thực hiện đề án tập trung, tích tụ ruộng đất, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, giai đoạn 2021-2025 của huyện Nghĩa Đàn. Tại đây có quy hoạch Dự án khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Nghĩa Phú với quy mô 210 ha. Cùng đó liên kết với các công ty thực hiện dự án phát triển cây ăn quả như xoài, chanh leo…
Qua trao đổi, ông Trương Quang Thắng – Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Phú, cho biết: Những định hướng của huyện, tỉnh trong tập trung, tích tụ ruộng đất, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao góp phần thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất, chăn nuôi của tất cả các hộ dân trên địa bàn. Hầu hết người dân trên địa bàn có truyền thống, kinh nghiệm phát triển sản xuất khi nhiều người từng là công nhân nông trường quốc doanh 22/12 và 1/5 trước đây. Điển hình như gia đình ông Hồ Sỹ Sơn ở xóm Phú Thắng có gần 6 ha đất, ông vừa trồng rừng, trồng cây ăn quả, vừa trồng cỏ phát triển chăn nuôi đại gia súc. Hiện gia đình ông Sơn đang nuôi 31 con bò, nhiều diện tích cây ăn quả. Cùng đó, trên địa bàn xã, rất nhiều hộ đầu tư trồng cam, na, ổi, xoài theo hướng hàng hóa. Trên địa bàn xã có rất nhiều hộ dân có quỹ đất từ 1ha đến 6ha đang trồng cây ăn quả, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm đem lại thu nhập khá. Xã có 11 mô hình cánh đồng mẫu với diện tích 85ha với các cây trồng chủ lực như: Mía, cam, quýt, ổi, na…
Tuy nhiên, theo ông Trương Quang Thắng, việc tập trung, tích tụ ruộng đất theo hướng liên kết tạo thành diện tích lớn với sự tham gia của doanh nghiệp hoặc hợp tác xã trên địa bàn rất khó thực hiện. Bởi, các hộ đang có ý thức tự chủ trên diện tích đất được giao khoán. Trên địa bàn xã hiện chưa có doanh nghiệp nào vào liên kết bao tiêu sản phẩm thúc đẩy sản xuất. Đối với Dự án khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Nghĩa Phú với quy mô 210 ha, hầu hết diện tích thuộc Công ty TNHH MTV 1/5 quản lý, có một số hộ dân liên quan đã được nhiều doanh nghiệp về khảo sát, chưa thực hiện trên thực địa.
Những khó khăn ở xã Nghĩa Phú cũng là thực trạng chung của nhiều vùng trọng điểm phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn. Tháng 7/2021, Huyện ủy Nghĩa Đàn ban hành Đề án số 02 – ĐA/HU về việc “Tiếp tục tập trung, tích tụ ruộng đất, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn năm 2030”. Tiếp đó, Huyện ủy ban hành Đề án số 03 -ĐA/HU ngày 17/9/2021 “Thu hút đầu tư huyện Nghĩa Đàn giai đoạn 2021- 2025 và những năm tiếp theo”. Đây là 2 đề án được kỳ vọng tạo chuyển động tích cực trong tập trung, tích tụ ruộng đất, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
Thực hiện 2 đề án quan trọng của Huyện ủy, UBND huyện Nghĩa Đàn đã ban hành kế hoạch, phối hợp với các cấp, ngành, địa phương, vận động người dân tham gia tập trung, tích tụ ruộng đất, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Huyện đã hình thành 07 dự án liên kết ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, định hướng kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo.
Cụ thể: Dự án chăn nuôi lợn xã Nghĩa Thọ diện tích 18,6 ha, đang hoàn thiện xây dựng hạ tầng; Tập trung đất đai tại các hợp tác xã (HTX) gồm 30 ha (HTXNN CNC Hậu Nguyên: 2ha, HTX CNC Nghĩa Hội: 25 ha, HTX Nghĩa Đàn Ecofarm: 3 ha); Tập trung đất đai thực hiện các mô hình trồng mía năng suất cao, ứng dụng công nghệ cao; tập trung đất đai tại các HTX sản xuất mía nguyên liệu, liên kết bao tiêu mía nguyên liệu với nhà máy qua kênh HTX. Đã thực hiện tại 2 HTX gồm HTX sản xuất và tiêu thụ mía nguyên liệu Nghĩa Mai và HTX sản xuất và tiêu thụ mía nguyên liệu Nghĩa Phú. Vụ ép 2021-2022 diện tích toàn huyện đạt 6.495 ha (trong đó diện tích có hợp đồng nhà máy 4.565 ha), sản lượng đạt 389.700 tấn, năng suất bình quân đạt 60 tấn/ha. Các vùng sản xuất chính của huyện: Nghĩa Mai, Nghĩa Phú, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Yên, Nghĩa Đức.
Cùng đó, Dự án phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả xoài và chanh leo liên kết với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản T9 – Dự kiến 100 ha tại các xã Nghĩa Phú, Nghĩa Lạc, Nghĩa Lợi, hiện nay đã thực hiện xây dựng được 04 mô hình với diện tích 04 ha chanh leo tại xã Nghĩa Phú, Nghĩa Thọ. Trên cơ sở đó, huyện tiếp tục theo dõi, kiểm tra đánh giá các mô hình thí điểm, mở rộng trong thời gian tới.
Huyện Nghĩa Đàn cũng đang định hướng thực hiện một số dự án như: Vùng liên kết sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Phú Thọ; Nghĩa Đức; Hưng – Thịnh; Dự án khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Nghĩa Phú với quy mô 210 ha; Vùng liên kết sản xuất giống, nuôi trồng và Nhà máy sơ chế, chế biến dược liệu; Dự án chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch; Dự án chế biến thực phẩm, giết mổ gia súc tập trung…
Qua theo dõi, đánh giá, các chương trình, dự án trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn, bước đầu đã tạo nên hiệu ứng tích cực, thúc đẩy phong trào sản xuất hàng hóa trong nhân dân. Chính quyền các cấp đã vào cuộc cùng người dân chuyển đổi mạnh về cơ cấu cây trồng, mùa vụ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Với vùng đất đỏ bazan, cùng với kinh nghiệm của rất nhiều hộ dân từng có người lao động trong các nông, lâm trường quốc doanh trước đây đã đưa phong trào ứng dụng công nghệ trồng cây ăn quả, phát triển chăn nuôi ở Nghĩa Đàn đạt được nhiều kết quả tích cực. Lĩnh vực nông nghiệp của huyện luôn vượt chỉ tiêu đề ra. Nhiều trang trại tổng hợp phát huy hiệu quả. Lĩnh vực chăn nuôi có nhiều chuyển biến, riêng mô hình nuôi bò thịt vỗ béo quy mô trang trại vừa và nhỏ toàn huyện đã có 37 trang trại bò thịt trên 1.400 con, đưa tổng đàn trâu, bò năm 2021 đạt 91.000 con, tăng 5,94% so với cùng kỳ.
Mặc dù lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn thu được nhiều kết quả tích cực, nhưng chưa phát huy hết tiềm năng đất đai, lao động và chưa thu hút được những dự án tạo động lực. Cùng đó, việc tập trung, tích tụ ruộng đất thành vùng sản xuất lớn vẫn gặp những khó khăn nhất định. Ngoại trừ việc tập trung sản xuất cây mía, hầu hết những vùng cây ăn quả ở Nghĩa Đàn còn thiếu liên kết trong thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ.
Theo lãnh đạo huyện Nghĩa Đàn, việc tập trung, tích tụ ruộng đất trên thực tế chưa được như mong muốn. Bởi diện tích đất cơ bản đã giao cho các Công ty TNHH MTV nông, lâm trường và các hộ dân, muốn tích tụ được diện tích đất lớn phụ thuộc vào sự tự nguyện của các hộ dân và đơn vị được giao quản lý đất. Cho dù huyện và các cấp ngành và doanh nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân tham gia nhưng chưa thuyết phục. Nguyên nhân có thể các hộ quản lý sử dụng đất đang hiệu quả; thứ hai, có thể chưa thỏa mãn được quyền lợi các bên khi thảo luận thực hiện các đề án, dự án. Đa phần các doanh nghiệp đều muốn thuê đất với thời gian dài để đầu tư sản xuất lớn, tuy nhiên, hiện tại thời gian thuê mới chỉ dừng ở mức dài nhất là đến 5 năm nên nhiều doanh nghiệp, đơn vị không mặn mà đầu tư. Cùng đó, dịch Covid-19 cũng đã làm chậm quá trình tìm hiểu, khảo sát của nhiều doanh nghiệp.
“Quan điểm chỉ đạo và thực hiện của huyện là kiên trì thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất, ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp. Cùng với ổn định về đất trồng rừng, khai thác mặt nước hiện có, huyện tiếp tục song song những nhiệm vụ về thúc đẩy các bên tham gia liên kết tích tụ ruộng đất để hình thành vùng sản xuất lớn; đẩy mạnh thu hút đầu tư lĩnh vực nông nghiệp để tăng khả năng bảo quản sau thu hoạch, chế biến và tiêu thụ nông sản”, ông Lâm Văn Thắng – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Đàn cho biết.
Cũng theo ông Lâm Văn Thắng, mục tiêu xuyên suốt của việc tập trung, tích tụ ruộng đất là nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Trước mắt, khi chưa có những mô hình tích tụ ruộng đất, huyện tăng cường vận động, hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, tìm kiếm thêm các mối liên kết để thúc đẩy quá trình sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản.