Nâng cao năng lực thuỷ lợi chống biến đổi khí hậu ở Nghệ An: Bài 1: Đến hẹn lại… lo

Trong thời gian từ năm 2005 đến nay, Sở NN&PTNT Nghệ An, các công ty thủy nông, các địa phương mới tiến hành sửa chữa nâng cấp trên 150 hồ đập nhưng hiện vẫn còn hàng trăm hồ đập bị xuống cấp mà chưa có kinh phí để triển khai.

Đợt mưa lớn trung tuần tháng 9 đã khiến lượng nước dâng cao khiến đập thủy lợi Bàn Vàng, xã Tiến Thành, huyện Yên Thành xảy ra sự cố vỡ đập. Huyện Yên Thành phải huy động hơn 150 người, cùng với lực lượng bộ đội, công an huyện và các phương tiện, máy móc để cứu đập xuyên đêm. Đây là đập thủy lợi có dung tích  gần 0,1 triệu m3, đã được xây dựng từ 40 năm trước.

Ảnh: Văn Trường
Ảnh: Văn Trường

Là huyện nông nghiệp trọng điểm, trên địa bàn huyện Yên Thành có trên 200 hồ chứa lớn nhỏ, tập trung ở các xã Thịnh Thành, Tiến Thành, Quang Thành, Đồng Thành… Phần lớn các hồ chứa trên đều được xây dựng thủ công cách đây từ 40 đến 50 năm, qua nhiều năm sử dụng, chịu tác động từ thiên tai, lại thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng, cho nên đến nay đã xuống cấp, nguy cơ mất an toàn cao.

Cũng nằm trong tình trạng trên,  trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn đã bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào mỗi khi mưa lũ về. Hồ chứa nước Khe Cọt có dung tích khoảng 0,3 triệu m3 nước nằm tại vùng miền núi xã Nghĩa Trung, Nghĩa Đàn, được xây dựng cách đây trên 40 năm, thân đập chủ yếu bằng đất thủ công, qua quan sát thấy có nhiều đoạn mái thượng lưu bị sạt trượt, nứt nẻ gây rò rỉ nước. Tràn xả lũ hư hỏng nặng, cống lấy nước đã cũ kỹ không có thiết bị tiêu nước, lớp gia cố mái bị hỏng. Đặc biệt là hệ thống vận hành mở cửa cống lấy nước tưới đã hư hỏng, người ra vận hành cống phải đi cheo leo trên tấm bê tông mỏng manh rất dễ bị rơi xuống hồ chứa, nguy hiểm đến tính mạng.

Ảnh: Văn Trường
Ảnh: Văn Trường

Ông Đinh Trọng Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung cho biết thêm: Địa bàn xã Nghĩa Trung hiện có 13 hồ chứa nước tưới cho trên 500 ha lúa và hoa màu đều được xây dựng từ những năm 1990 trở về trước. Sau nhiều năm khai thác, hầu hết các hồ chứa nước xuống cấp, hư hỏng nặng. Như các hồ chứa Khe Tòng 1, Khe Tòng 2 đều trong tình trạng sạt lở mái hạ lưu, nền và thân đập đất bị thấm nước lớn; tràn xả lũ bị xói lở, hư hỏng bể tiêu năng; cống lấy nước bị rò rỉ, cửa van bị hư hỏng khó khăn cho vận hành, điều tiết nước.

Ngoài ra, các hồ chứa do doanh nghiệp Nhà nước quản lý cũng trong tình trạng đáng lo khi mùa mưa đến. Công ty TNHH Thủy lợi Phủ Quỳ hiện tại quản lý 16 hồ chứa lớn nhỏ trên địa bàn thị xã Thái Hoà và huyện Nghĩa Đàn, nhưng hiện tại có 2 hồ chứa xuống cấp như hồ Đồng Diệp xã Nghĩa Lộc có dung tích 0,5 triệu m3, hồ Lò Thon xã Nghĩa Long dung tích 0,3 triệu m3. Thân đập đắp bằng đất, mái thượng lưu bị sạt lở, tràn hẹp nên khó tiêu thoát nước mùa lũ.

Huyện Thanh Chương có khá nhiều hồ chứa, xuống cấp hầu hết không tích được nước để phục vụ sản xuất. Có mặt tại xã Thanh Chi, nơi có con đập Mục Lục đã được xây dựng từ năm 1988, đến nay đã bị xuống cấp, hệ thống cống xả đã bị sạt lở, hư hỏng. Vào mùa mưa không cắt được lũ, mùa khô thì do không trữ nước được nên đã khiến cho cả một cánh đồng rộng khoảng 50 ha luôn chịu cảnh khô hạn.

Ông Nguyễn Văn Quang – Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Chi cho biết: Đập Mục Lục đã xây dựng từ lâu, hàng năm xã cũng đã trích kinh phí để sửa chữa một số hư hỏng nhỏ nhưng không hiệu quả.

Riêng năm 2020, sau các đợt mưa lũ đã khiến cho nhiều công trình bị hư hỏng như: Đập Cây Tròi (đập phụ của hồ Cầu Cau), bị xói lở nghiêm trọng; mố thượng hạ lưu cầu máng số 2 hồ chứa nước Lại Lò bị nứt lún, sạt lở đất; cống đầu nguồn và kênh tiếp nước vào hồ Sông Rộ bị bồi lấp bùn đất lẫn sỏi đá; mái nhà quản lý hồ Triều Dương bị sập, nhiều hạng mục khu nhà quản lý bị hư hỏng… tổng thiệt hại lên đến 2,5 tỷ đồng.

Huyện Thanh Chương hiện có 120 hồ đập, trong đó có 8 hồ đập do Công ty TNHH Thuỷ lợi Thanh Chương quản lý, khai thác; 62 hồ đập do UBND các xã, thị trấn quản lý và 50 hồ đập do các HTX trực tiếp vận hành. Trong đó có trên 100 hồ chứa xuống cấp, vừa không cắt lũ được, vừa khó khăn tích nước để sản xuất.

Nhiều hồ chứa khác hiện nay không tích được nước, như hồ Khe Riệng tại xã Nghĩa Xuân (Quỳ Hợp), dung tích 0,5 triệu m3 do Công ty TNHH-MTV thuỷ lợi Tây Bắc quản lý, thân đập đắp bằng đất bị nứt, xuất hiện nhiều vị trí rò rỉ, không tích được nước phục vụ sản xuất, trong năm 2021, Công ty đã được Nhà nước hỗ trợ gần 400 triệu đồng khắc phục nhưng chỉ là giải pháp tạm thời. Tại hồ chứa Khe Thị (xã Nghi Công Nam, Nghi Lộc), có dung tích hơn 2,65 triệu m3 nước, do Xí nghiệp thuỷ lợi Nghi Lộc quản lý nhiều điểm trên thân đập đã bị rò rỉ nước đã phải xử lý bằng cách kè đá, tuy nhiên vẫn chưa an toàn.

Tại hồ chứa Khe Thị (xã Nghi Công Nam, Nghi Lộc), có dung tích hơn 2,65 triệu m3 nước, do Xí nghiệp thuỷ lợi Nghi Lộc quản lý nhiều điểm trên thân đập đã bị rò rỉ nước đã phải xử lý bằng cách kè đá tuy nhiên vẫn chưa an toàn. Ảnh: Tiến Đông
Tại hồ chứa Khe Thị (xã Nghi Công Nam, Nghi Lộc), có dung tích hơn 2,65 triệu m3 nước, do Xí nghiệp thuỷ lợi Nghi Lộc quản lý nhiều điểm trên thân đập đã bị rò rỉ nước đã phải xử lý bằng cách kè đá tuy nhiên vẫn chưa an toàn. Ảnh: Tiến Đông

(Còn nữa)