P.V: Tháng 12 là Tháng hành động Quốc gia về dân số. Trong rất nhiều nhiệm vụ, việc chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên được xác định là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Và đây cũng là chủ đề chính của Tháng hành động Quốc gia về dân số năm nay, phải không thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Hồng: Tháng hành động Quốc gia về dân số năm 2023 và Ngày Dân số Việt Nam (26/12) có chủ đề “Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước”. Đây là một chủ đề hay và thiết thực, vì Đảng và Nhà nước ta đang đặt mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, và đối tượng trẻ là đối tượng trọng tâm liên quan đến tương lai của đất nước.
Trong bối cảnh hiện nay, tôi cho rằng, việc quan tâm đến đối tượng vị thành niên, thanh niên là phù hợp. Học sinh đến trường, ngoài học các kiến thức trong sách vở, thì các em cần phải được trang bị cho mình nhiều kỹ năng khác, trong đó có kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Đây là lứa tuổi mà các em thay đổi về thể chất, về tâm, sinh lý và nếu không giúp học sinh hiểu và nhận thức đúng những thay đổi này thì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của các em, cả về tâm lý và sinh lý.
P.V: Là người làm công tác truyền thông dân số cho đối tượng học sinh ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên rất nhiều năm. Trong chặng đường đó, có lẽ có không ít câu chuyện khiến bà suy nghĩ, trăn trở?
Bà Nguyễn Thị Hồng: Đến thời điểm này, tôi cũng không nhớ chính xác mình đã đi đến bao nhiêu trường học, gặp gỡ với bao nhiêu học sinh nữa. Chuyện vui rất nhiều, nhưng có nhiều chuyện khiến chúng tôi băn khoăn mãi, không bao giờ quên.
Câu chuyện thứ nhất về 1 học sinh người dân tộc Thái, khi đó em đang học tại Trường THPT Quỳ Hợp 3. Vì không hiểu biết, nên năm lớp 11 em đã lỡ quan hệ tình dục và mang thai, sinh con khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Thời điểm chúng tôi đến truyền thông tại trường em học, em đang gửi con cho bà nội. Dù hoàn cảnh rất đặc biệt, nhưng chúng tôi bất ngờ khi giữa sân trường hàng trăm học sinh và các thầy, cô giáo, em đã mạnh dạn đứng lên chia sẻ câu chuyện của mình và bày tỏ quyết tâm đi học để có tấm bằng tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, nữ sinh này cũng chia sẻ rất thật, bởi với em “điều này thực sự khó khăn”. Em kể rằng, giá như trước kia em có kiến thức, kỹ năng, em sẽ không để xảy ra việc mang thai ngoài ý muốn, việc học của em không bị gián đoạn 1 năm và phải đi học lại. Hơn nữa, em sẽ đi học với một tâm thế thoải mái hơn, không phải mang gánh nặng vừa nuôi con nhỏ, vừa phải đi học. Qua câu chuyện của mình, em mong muốn các bạn cùng trường không có ai đi lại vết xe đổ để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Trường hợp khác chúng tôi gặp phải khi thực hiện chương trình lồng ghép cung cấp kiến thức gắn với việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho học sinh tại các nhà trường. Trong quá trình tư vấn và siêu âm cho học sinh, chúng tôi phát hiện có những học trò đã mang thai 3-4 tháng. Tất cả những trường hợp này chúng tôi đã phải tư vấn riêng cho các em để giảm thiểu tối đa nhất ảnh hưởng đến sức khỏe và các hệ lụy sau này.
P.V: Từ những câu chuyện trên, bà có cảm thấy lo ngại về cách sống của các học sinh thuộc thế hệ trẻ, thế hệ gen Z hiện nay?
Bà Nguyễn Thị Hồng: Quan niệm của giới trẻ hiện nay khác khá nhiều so với thế hệ trẻ, thanh niên trước đây. Đương nhiên, cách sống cũng sẽ tác động đến thái độ tâm, sinh lý. Ngày trước, mọi người thường sống chậm, không bộc lộ tình cảm, tình yêu với các bạn khác giới một cách rõ ràng. Tuy nhiên, thế hệ trẻ bây giờ quan niệm về tình yêu và cả tình dục một cách cởi mở, hiện đại và thoáng hơn. Vì vậy, có nguy cơ để lại nhiều hậu quả. Thực tế cũng cho thấy, dù các em có cách sống hiện đại hơn nhưng các em lại rất chủ quan. Nhiều em không chia sẻ với bố mẹ và ngại nói chuyện với thầy, cô.
Chính vì thế, để bắt kịp với nhịp độ sống của thế hệ trẻ hiện nay, chúng ta không nên né tránh mà cần phải nói kỹ, nói sâu, cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các ban, ngành, đoàn thể để cùng vào cuộc tuyên truyền, nhằm nâng cao sự hiểu biết cho các em.
Bên cạnh đó, cần phải trang bị cho các em kỹ năng về tình dục an toàn và mang thai ngoài ý muốn…Nên chăng, các nhà trường cần thành lập các câu lạc bộ, có các hoạt động ngoài giờ lên lớp để thẳng thắn đề cập về vấn đề này, nhằm giúp các em nâng cao hiểu biết và kỹ năng sống.
P.V: Nhiều năm làm công tác truyền thông, tiếp xúc với rất nhiều trường học, theo bà, các trường học hiện nay có quan tâm tới vấn đề sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên?
Bà Nguyễn Thị Hồng: Những năm qua tôi đã tiếp xúc với rất nhiều nhà trường, nhiều học sinh, giáo viên và nhận thấy về cơ bản các nhà trường đều ủng hộ khi chúng tôi đề cập đến vấn đề truyền thông sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có một số nhà trường, kể cả trường chuyên…vẫn rất ngại và họ cho rằng, điều đó là “vẽ đường cho hươu chạy”. Nhiều lãnh đạo các nhà trường, nhất là ở bậc THCS mong muốn chúng tôi khi truyền thông cho đối tượng học trò ở lứa tuổi này nên dùng những thuật ngữ nhẹ nhàng chứ không nên nói một cách thẳng thắn và sâu sắc. Cá nhân tôi cho rằng, quan điểm này là hơi “cũ” và chậm so với nhịp độ sống của giới trẻ hiện nay. Hơn nữa, nếu người lớn né tránh thì giới trẻ lại càng tò mò. Và một khi để các em tự khám phá có thể dẫn đến hành động sai lầm, khác với việc có sự định hướng đúng đắn.
P.V: Bàn về truyền thông sức khỏe sinh sản, có ý kiến cho rằng, đây là những kiến thức nhàm chán. Nhưng thực tế, theo chân bà và các đồng nghiệp đi truyền thông, tôi thấy học sinh nhiều trường rất hào hứng và tham gia tích cực, phải chăng do cách truyền thông có nhiều đổi mới?
Bà Nguyễn Thị Hồng: Nghệ An hiện có gần 500 trường ở bậc THCS và THPT và với số lượng mỗi năm chỉ truyền thông được tối đa 40 buổi sẽ có những trường phải 5 năm hoặc 10 năm chúng tôi mới có thể quay trở lại một lần, trường nhiều lắm thì được 2 – 3 lần. Chưa kể, mỗi lần chúng tôi trở lại, các thế hệ học trò cũ đã ra trường. Vì vậy, tôi có thể khẳng định, với người làm truyền thông, nội dung có thể lặp lại, nhưng đối tượng là người nghe lại luôn luôn mới.
Hơn nữa, tôi nghĩ rằng, với công tác truyền thông, nội dung có thể giống nhau ở một số phương diện. Nhưng người dẫn dắt có thể linh hoạt, tùy theo đối tượng. Ví dụ, với học sinh THCS, chúng ta có thể nói đến nhận biết về giới tính và những thay đổi cơ thể ở lứa tuổi dậy thì và kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục. Trong khi đó, với học sinh THPT, chúng tôi lại chuyên sâu vào những thay đổi để giúp học sinh nhìn nhận và tự định hướng cho bản thân. Để tuyên truyền hiệu quả, chúng tôi phải đi sâu vào đặc điểm riêng của từng trường, từng vùng, miền, từng đối tượng học sinh để có sự sáng tạo, điều chỉnh thích hợp. Bên cạnh đó, để hấp dẫn, sinh động thì vai trò của người truyền thông rất quan trọng, đó là, vừa kết hợp công tác truyền thông, vừa gắn với công tác đổi mới của ngành Giáo dục. Chúng ta hãy xem học sinh là đối tượng trung tâm, đặt ra các câu hỏi gợi mở để các em trả lời và nói lên được suy nghĩ của mình. Đây cũng là cách để chúng ta hiểu học trò và giúp các em tỏa sáng, rèn cho các em tự tin, phát huy được các kỹ năng trước đám đông.
Kinh nghiệm trong những năm đảm nhiệm công việc của một cô giáo dạy Văn, cô giáo chủ nhiệm giúp tôi hiểu được tâm lý học trò. Điều đó, còn giúp tôi có sự đa dạng về ngôn ngữ, về cách xử lý thông tin và linh hoạt trong các buổi truyền thông. Ngược lại, chính những buổi nói chuyện với học trò cho tôi một cơ hội để được sử dụng nghiệp vụ của một cô giáo, để có thể hoàn thành công việc một cách tốt nhất.
P.V: Vừa là một người làm công tác truyền thông, vừa là một người mẹ của 2 cô con gái đang tuổi vị thành niên. Bà có thể chia sẻ với các bậc phụ huynh kinh nghiệm trong việc định hướng, giáo dục con cái về vấn đề sức khỏe sinh sản?
Bà Nguyễn Thị Hồng: Các con của tôi đã và đang trải qua lứa tuổi vị thành niên. Với một người mẹ, có lẽ giai đoạn đau đầu nhất đó là khi các con bước vào tuổi dậy thì. Có những người gọi đây là giai đoạn “nổi loạn”. Những năm qua, trước những thay đổi này, tôi sẵn sàng chia sẻ với con như một người bạn, tâm tình với con, cho con đọc sách, mở các video để con nghe cuộc nói chuyện về các chuyên gia. Thậm chí những khi khó khăn, tôi ôm con vào lòng…Tất nhiên, những gì tôi nói, tôi nghĩ rằng, con tôi không thể lĩnh hội được tất cả, nhưng đó là một phần mà tôi muốn trang bị cho con trước khi các con bước vào tuổi dậy thì, để các con không còn bỡ ngỡ.
Từ câu chuyện của chính mình, tôi nghĩ rằng, các ông bố, bà mẹ nên đồng hành với các con. Thực tế, nếu truyền thông chỉ dừng lại ở đối tượng học sinh thì chỉ mới thành công 50%. Phần còn lại phụ thuộc vào phụ huynh và các gia đình. Với vai trò là một người mẹ, người truyền thông và là một cô giáo, tôi muốn nói rằng, tôi mong học sinh hãy là những thế hệ trẻ tự tin, hiện đại, các em sẽ hiểu, nhận thức đúng đắn về vấn đề sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Về phía các các bậc phụ huynh, hãy thông minh, thông thái để biết mình cần phải làm gì giúp các con khỏe mạnh, hạnh phúc và có tương lai vững chắc.
P.V: Cảm ơn bà đã tham gia trò chuyện!.