Nắng hạn cực điểm, 12 vạn hộ dân khát nước
Bộ NN&PTNT vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn các vụ hè thu, vụ mùa năm 2019 ở khu vực Trung Bộ, khiến gần 120.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.
336 hồ chứa cạn nước
Theo báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, mùa khô năm 2018 -2019, lượng mưa ở khu vực Trung Bộ hầu hết bị thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN). Tuy nhiên, do các hồ chứa tích được lượng nước tương đối cao từ cuối mùa mưa năm 2018 nên không xảy ra hạn hán, thiếu nước ở vụ đông xuân.
Hạn hán kéo dài, người dân Nghệ An bơm nước cứu lúa. Ảnh: Xuân Hoàng |
Từ đầu vụ hè thu, tình trạng nắng nóng kỷ lục xảy ra liên tiếp, kéo dài, làm xuất hiện tình trạng hạn hán, thiếu nước ở nhiều địa phương.
Kéo theo đó, ở khu vực Bắc Trung Bộ từ đầu vụ hè thu, lượng nước trữ các hồ chứa đạt trung bình khoảng 59%. Hiện tại, dung tích các hồ chứa thủy lợi trung bình đạt từ 30-60% dung tích thiết kế, ở mức thấp hơn so với một số năm gần đây. Đã có 55 hồ nhỏ đã cạn nước.
Tương tự, ở khu vực Nam Trung Bộ từ đầu vụ hè thu, dung tích trữ các hồ chứa đạt trung bình 63% dung tích thiết kế. Hiện tại, dung tích các hồ chứa thủy lợi trung bình đạt từ 25-55% dung tích thiết kế, chỉ cao hơn năm 2016 khoảng 6%, có 281/520 hồ nhỏ đã cạn nước.
Tình trạng xâm nhập mặn ở Trung Bộ cũng diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Trong đó, khu vực Bắc Trung Bộ xâm nhập mặn xuất hiện đang ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, dân sinh ở hạ du các sông Cấm (Nghệ An), Gianh (Quảng Bình), Thạch Hãn, Bến Hải (Quảng Trị), phạm vi ranh mặn với nồng độ 1g/lít lúc cao nhất ở mức 16 km trên sông Cấm, 30 km trên sông Gianh, 25km trên sông Bến Hải, 30 km trên sông Hiếu, 35 km trên dòng chính sông Thạch Hãn.
Nhiều diện tích chè ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) khô cháy vì hạn hán. Ảnh tư liệu Phú Hương |
Còn ở khu vực Nam Trung Bộ, xâm nhập mặn xuất hiện đang ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, dân sinh ở hạ du sông Thu Bồn (tỉnh Quảng Nam), phạm vi ranh mặn với nồng độ 1 g/lít lúc cao nhất ở mức phổ biến 15-20km.
Trong báo cáo, Bộ NN&PTNT cũng cho biết, ở khu vực Bắc Trung Bộ, hạn hán, thiếu nước bắt đầu ảnh hưởng từ cuối tháng 6, sau đó tạm thời chấm dứt do có đợt mưa từ ngày 2-4/7.
Diện tích bị ảnh hưởng lúc cao nhất khoảng 21.600 ha (lúa 19.900 ha, rau màu 1.700 ha), chiếm 4,5% diện tích lúa và cây hàng năm. Sau đợt mưa, hiện tại, toàn vùng có 5.240 ha (lúa 3.400 ha, rau màu 1.840 ha) đang bị hạn hán, thiếu nước.
Song, tình trạng hạn mặn đã khiến 61.000 hộ dân rơi vào tình trạng thiếu nước. Trong đó, tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra nghiêm trọng nhất ở Quảng Bình khi có tới 30.000 hộ dân.
Tại khu vực Nam Trung Bộ, tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cũng bắt đầu ảnh hưởng từ tháng 7/2019 với tổng diện tích bị ảnh hưởng lên tới 16.340 ha (lúa 15.930 ha, rau màu 410 ha). Tình trạng hạn mặn cũng khiến 52.840 hộ dân ở khu vực này bị thiếu nước sinh hoạt.
Gần 140 ngàn hộ dân có thể thiếu nước sinh hoạt
Bộ NN&PTNT cũng nhận định, trong trường hợp nắng nóng gay gắt tiếp tục xảy ra đến cuối mùa khô (cuối tháng 7 ở khu vực Bắc Trung Bộ, cuối tháng 8 ở khu vực Nam Trung Bộ), tổng cộng sẽ có khoảng 65.500 ha (lúa 55.400 ha, cây hàng năm 10.100 ha) bị hạn hán, thiếu nước.
Ngoài ra, sẽ có khoảng gần 140.000 hộ dân khả năng bị thiếu nước sinh hoạt. Cụ thể, khu vực Bắc Trung Bộ dự báo có khoảng 70.800 hộ nguy cơ tiếp tục thiếu nước sinh hoạt; khu vực Nam Trung Bộ có 68.000 hộ.
Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài thì sẽ có khoảng 140.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Ảnh: Dân Trí |
Bộ này NN&PTNT cho hay trước mắt sẽ theo dõi sát tình hình; chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các nhà máy thủy điện và các địa phương trong vùng thống nhất lịch điều tiết các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước cho hạ du;
Tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm cấp nước sản xuất và nước sinh hoạt cho người dân tại một số địa phương khu vực Trung Bộ.
Nhiều hồ đập trên địa bàn Nghệ An cạn kiệt nước. Ảnh: Xuân Hoàng |
Về lâu dài, tăng cường năng lực giám sát, dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn, đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát tự động để kịp thời thông tin, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn, nhất là ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan; cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể, quy hoạch thủy lợi phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; điều chỉnh cơ cấu sản xuất, theo hướng chuyển dịch mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản để phù hợp với điều kiện nguồn nước, bảo đảm hiệu quả kinh tế và an sinh xã hội,...
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành và địa phương có liên quan cùng vào cuộc để tăng cường công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong thời gian tới.