Nắng hạn kéo dài, thợ đào giếng ở Nghệ An 'làm không hết việc'

Huy Thư 14/06/2020 16:29

(Baonghean.vn) - Nắng nóng kéo dài, nghề đào giếng có nhiều cơ hội mưu sinh, nhưng cũng không ít hiểm nguy rình rập.

Những ngày nắng nóng vừa qua, thợ đào giếng ở khắp nơi đều làm không hết việc, phần thì đào giếng mới, phần thì đào sâu thêm giếng cũ... Nhóm thợ nào cũng làm việc tất bật cả tuần. Ảnh: Huy Thư
Khác với những người làm nghề khoan giếng chỉ việc chở máy đến lắp ráp và khoan, còn những người thợ đào giếng phải tự mình nỗ lực đào sâu vào lòng đất, do đó để đào xong 1 cái giếng khơi tốn khá nhiều công sức. Giếng cạn thì đào tầm 3 - 5 ngày, giếng sâu thì đào 8 - 10 ngày, có khi nửa tháng. Ảnh: Huy Thư
Dưới giếng, người thợ vật lộn với các công cụ như máy khoan, cuốc, xà beng, vên... để đào đất. Đất càng cứng, diện tích càng nhỏ càng khó đào, nhất là đất đồi, đất đá. Những nơi đất mềm dễ đào lại tiềm ẩn nguy cơ sập lở. Tùy vào diện tích giếng, chất đất, độ sâu... mà mỗi ngày, 1 người thợ có thể đào sâu từ 0,5 - 2m. Ảnh: Huy Thư
Càng đào sâu xuống, năng suất làm việc càng giảm. Nếu đào giếng gặp mưa hay đào thêm giếng cũ, nhiều lúc người thợ phải vật lộn với bùn đất nhão nhoẹt, có khi vừa đào, vừa múc nước, tốn khá nhiều công sức. Ảnh: Huy Thư

Khi làm việc ở dưới giếng, thường chỉ có 1 người thợ chính đảm nhận hết mọi việc, vừa khoan, đào, vừa xúc đất, khiêng đá… Thợ chính khá vất vả vì phải lao động cật lực và chịu nhiều nguy cơ rình rập từ trong và trên giếng. Nhiều nhóm thợ chỉ có 1 người thợ chính, sẽ không có người thay phiên trong quá trình làm việc. Ảnh: Huy Thư

Anh Nguyễn Văn Tý (35 tuổi) quê xã Thanh Đồng, huyện Thanh Chương cho biết, anh làm nghề đào giếng đã 16 năm nay. Để theo được nghề này đòi hỏi người lao động phải có sức khỏe dẻo dai, tính kiên trì, chịu khó và một phần sự liều lĩnh, gan dạ. "Có giếng đào sâu tận 30m, vừa tối, vừa thiếu không khí, nếu không liều thì không thể làm việc được dưới đáy giếng" - anh Tý chia sẻ. Ảnh: Huy Thư

Những người làm nghề đào giếng thường đi theo nhóm mỗi nhóm thường có 3 người (1 người đào, 1 người quay ròng rọc, 1 người đổ đất). Nhóm nào còn dùng sức người kéo đất thì khá vất vả, ngược lại nếu mua sắm được máy tời thì công việc đào giếng nhanh hơn và đỡ vất vả hơn. Ảnh: Huy Thư

Anh Nguyễn Xuân Khoa (46 tuổi) - một thợ đào giếng chuyên nghiệp ở xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn cho biết: "Mùa này, khắp nơi đều khô hạn, nhu cầu về đào giếng nhiều, nhưng nhóm chúng tôi chỉ đáp ứng được yêu cầu của một số hộ dân trong huyện. Nghề đào giếng vất vả, khó nhọc, tiềm ẩn nhiều rủi ro, tai nạn như chấn thương, điện giật, ngạt khí độc, sập giếng... nhưng vì cuộc sống mưu sinh, nên vẫn phải bám nghề". Ảnh: Huy Thư
Đào giếng khơi, người dân thường thả cống giếng để chống lở. Tùy từng vùng mà họ thả cống từ dưới đáy lên miệng giếng, có nơi chỉ thả 5 - 7 cống phía trên. Người thợ đào giếng không chỉ biết đào mà còn phải kiêm luôn thợ thả cống. Ảnh: Huy Thư
Sau khi thả cống, thợ đào giếng phải ngồi trong miệng cống làm việc. Nhiều giếng phải đào sâu gấp 4 - 5 lần chiều dài số cống đã thả. Tùy vào diện tích, chất đất, đào mới, đào cũ... mà tiền công đào giếng dao động từ 600.000 - 1.500.000 đồng/m (chiều sâu). Ảnh: Huy Thư
Vất vả nghề "mưu sinh trong lòng đất". Video: Huy Thư

Mới nhất
x
Nắng hạn kéo dài, thợ đào giếng ở Nghệ An 'làm không hết việc'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO