Năng suất lúa hè thu ở Nghệ An cao nhất từ trước đến nay
Đến nay Nghệ An đã thu hoạch được hơn 23.000 ha lúa hè thu. Không chỉ có diện tích sản xuất vượt gần 2.200 ha, đây cũng là vụ sản xuất cho năng suất lúa kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay.
Năng suất đạt “kỷ lục”
Vụ hè thu năm nay, 313 ha lúa hè thu của xã Khánh Thành (Yên Thành) cho năng suất lên tới 64 tạ/sào, nhiều ruộng 3,5 - 4 tạ/sào. Lãnh đạo xã cho biết, đây vẫn chưa phải là mức năng suất kỷ lục, năm 2022, lúa hè thu của xã Khánh Thành bình quân đạt 65 tạ/ha. Đất tốt, phì nhiêu, nông dân thâm canh tốt, chấp hành nghiêm túc quy trình sản xuất, phòng trừ sâu bệnh hại. Đặc biệt, có tới 95% diện tích sử dụng giống lúa khang dân đột biến năng suất cao, chỉ những năm lúa trổ gặp nắng nóng gay gắt hoặc mưa kéo dài không thụ phấn được mới bị ảnh hưởng, trong khi năm nay trà đầu lúa trổ gặp nắng nóng nhưng không đáng kể, trà 2 đại trà trổ từ ngày 17 - 22/7 thời tiết rất thuận lợi. Tổng hoà những yếu tố đó đã đưa xã Khánh Thành trở thành một trong những xã có năng suất lúa hè thu cao nhất tỉnh.
Là huyện có năng suất lúa dự kiến cao của tỉnh, năm nay lúa hè thu ở huyện Diễn Châu dự ước đạt tới 56 - 58 tạ/ha. Theo ông Võ Khánh Khoa - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Trong cơ cấu giống, huyện Diễn Châu sử dụng những giống mới có tiềm năng năng suất, chất lượng cao như H12, TBR 87, TBR 97…; trong đó, 20% diện tích gieo cấy các giống lúa lai cho năng suất rất cao, từ 2,9- 3,2 tạ/sào; hơn 80% diện tích sử dụng các giống lúa thuần nhưng cơ bản cũng là giống vừa chất lượng vừa năng suất; gần 500 ha sản xuất liên kết cả lúa giống và lúa thịt năng suất cao. Huyện cũng đã xây dựng được gần 200 ha mô hình ở các xã Diễn An, Diễn Tân, Diễn Nguyên, sản xuất các giống lúa lai chất lượng hơn để có thể đưa vào sản xuất các vụ tiếp theo, năng suất đều đạt 2,8- 3 tạ/sào.
“Vụ hè thu năm nay có nhiều thuận lợi. Ngoài cơ cấu giống tiến bộ, chúng tôi cũng tập trung chỉ đạo thu hoạch lúa xuân xong là làm đất gieo cấy hè thu ngay, sớm hơn mọi năm 5 - 10 ngày nhờ nguồn nước từ hệ thống Thuỷ lợi Bắc được cung cấp đủ ngay từ đầu vụ. Thời tiết trong suốt vụ tương đối thuận lợi, nắng nóng không kéo dài và gay gắt; nguồn nước hồ đập tuy không quá dồi dào nhưng những diện tích khả năng bị hạn không gieo cấy nên lượng nước cơ bản đáp ứng đủ. Khi lúa trổ, có một trà gặp mưa giông nhưng diện tích ít, không ảnh hưởng đến năng suất tổng thể của huyện. Nếu mọi năm lúa hè thu bị sâu cuốn lá gây hại rất mạnh thì năm nay vào giai đoạn hình thành trứng gặp nắng nóng, trứng không nở được nên sâu bệnh hại không đáng kể”, ông Võ Khánh Khoa cho biết.
Đến cuối tháng 8, huyện Nam Đàn đã thu hoạch được hơn 1/3 diện tích, dự kiến thu hoạch xong trước ngày 10/9. Ông Nguyễn Đình Thế - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Năng suất lúa hè thu cao hơn cả năm 2023 là năm rất được mùa. Nguồn nước thuận lợi, có mưa đầu nguồn, các hồ chứa thuỷ điện xả nước phục vụ sản xuất nên một số thời điểm hạn cục bộ đều được xử lý trong thời gian ngắn. Đặc biệt, có những xã như Nam Kim 2 năm liền không sản xuất vụ hè thu mặc dù điều kiện thuận lợi, năm nay nhờ chỉ đạo quyết liệt, hỗ trợ vật tư, toàn xã gieo cấy được 160 ha lúa QR1, năng suất cao, thuận lợi tạo đà cho mở rộng diện tích những năm tiếp theo.
Sự tổng hòa từ nhiều yếu tố
Vụ hè thu năm nay, Nghệ An gieo cấy hơn 59.080 ha, vượt gần 2.200 ha so với kế hoạch đề ra. Đến hết tháng 8, toàn tỉnh đã gặt được hơn 23.000 ha, dự kiến hoàn thành thu hoạch trước ngày 25/9. Qua đánh giá, năng suất trên đồng ruộng và thu hoạch thực tế, dự kiến năng suất lúa bình quân đạt trên 52,5 tạ/ha, cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, huyện Diễn Châu đạt năng suất cao nhất - trên 56 tạ/ha, cục bộ có những nơi như xã Diễn Nguyên (Diễn Châu) và Khánh Thành (Yên Thành), năng suất bình quân đạt tới 64 tạ/ha.
Có được kết quả đó, theo ông Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, là sự tổng hoà của nhiều yếu tố. Là vụ sản xuất khó khăn hơn nhiều so với vụ xuân, nên tỉnh và các địa phương đã rất quan tâm, chỉ đạo sâu sát và quyết liệt; thường xuyên thành lập đoàn, trực tiếp xuống các địa phương để đồng hành, kịp thời chỉ đạo, tổ chức khắc phục những vấn đề khó khăn, vướng mắc, khôi phục và thúc đẩy sản xuất.
Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp cùng với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huy động tốt mọi nguồn lực của cả hệ thống chính trị và có chính sách hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương; đã khích lệ, giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất. Tỉnh và ngành Nông nghiệp đã thành lập đoàn, trực tiếp xuống các địa phương để đồng hành, kịp thời chỉ đạo, tổ chức khắc phục khó khăn, vướng mắc, khôi phục và thúc đẩy sản xuất.
Đồng chí Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Bên cạnh đó, sản xuất vụ hè thu năm nay diễn ra trong điều kiện thời tiết không quá khắc nghiệt, mặc dù đầu vụ có những đợt nắng nóng gay gắt, nhiệt độ có lúc lên tới 43oC, nhưng lại có lượng mưa ở mức trung bình và rải đều trong cả vụ, không có diện tích bị hạn hán nặng như các năm trước. Ngành Nông nghiệp cùng các địa phương cũng đã thực hiện tốt, kịp thời và hiệu quả công tác tưới tiêu, điều tiết nước trong phòng chống hạn, xâm nhập mặn, cũng như phương án tiêu úng kịp thời sau khi có mưa lớn. Nhờ đó, nguồn nước cơ bản đủ và đảm bảo cho cây lúa phát triển tốt, phát huy tốt tiềm năng năng suất của giống.
Tình hình sâu bệnh hại lúa cũng diễn biến ở mức thấp hơn. Nhờ việc tập trung điều tra phát hiện, dự tính, dự báo chính xác, kịp thời của ngành Nông nghiệp, và công tác phòng trừ được thực hiện nghiêm túc của các địa phương và bà con nông dân, các đối tượng dịch hại đã được phát hiện kịp thời và chỉ đạo phòng trừ hiệu quả, phù hợp với tình hình ở từng vùng. Mặc dù cục bộ một số nơi sâu bệnh hại phát sinh ở mức cao, nhưng đã được phát hiện và tổ chức phòng trừ, khống chế ở diện hẹp, không để lây lan ra diện rộng. Do đó, đến nay có thể đánh giá vụ hè thu 2024 là một vụ sản xuất khá sạch bệnh.
Một yếu tố quan trọng giúp sản xuất hè thu năm nay thắng lợi, đó là ngành Nông nghiệp và các địa phương đã thực hiện tốt chủ trương cơ cấu giống chủ lực, đưa nhiều giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất và phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng. Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới về giống, thâm canh, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và tăng hiệu quả kinh tế.
Trình độ thâm canh của người dân được cải thiện đáng kể, nhiều khâu trong quá trình canh tác được cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ như làm đất, gieo cấy, chăm bón, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh bằng máy bay không người lái... Nhiều địa phương đã tích cực kết nối với doanh nghiệp để triển khai, ký kết hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân; đồng hành cùng bà con trong suốt vụ nên sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và năng suất cao hơn.
Công tác quản lý và cung ứng các loại vật tư, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đầy đủ, kịp thời và chất lượng đảm bảo, góp phần thúc đẩy sản xuất thuận lợi và hiệu quả hơn. Không chỉ được mùa, từ khi vào vụ đến nay lúa hè thu đang được thu mua với mức giá cao, lúa tươi 6.500 – 8.000 đồng/kg, lúa khô 9.000đ – 10.500/kg tuỳ loại giống.