Nắng vàng trên Phà Ka Tủn

Công Kiên - Hồ Phương 17/02/2018 20:24

(Baonghean) - Sương bắt đầu tan trên dãy Phà Ka Tủn, nắng vàng chiếu rọi xuống mái sa mu - tín hiệu của mùa Xuân đang về. Lúc này, bà con người Mông ở bản Nậm Tột (xã Tri Lễ - Quế Phong) náo nức đón chào năm mới và một mùa lễ hội rộn ràng...

Đã khá lâu, vùng biên cương Tri Lễ (Quế Phong) mới có được một ngày đẹp, trời quang mây, ánh nắng chan hòa mang theo hơi ấm, cây rừng biếc xanh khẽ đung đưa trong gió, tiếng chim hót vang cả non ngàn. Có dịp “thiên thời” và “địa lợi”, chúng tôi quyết tâm cưỡi “ngựa sắt” men theo con đường mòn lên dãy Phà Ka Tủn để vào Nậm Tột - bản xa xôi bậc nhất của huyện rẻo cao biên giới Quế Phong.

Nói là “địa lợi” nhưng chỉ một phần, bởi con đường mòn khúc khuỷu, cheo leo nhiều đoạn vẫn còn trơn trượt, “ngựa sắt” phải rú vang liên hồi, hết chồm lên rồi lao xuống mới đủ sức vượt qua. Từ trung tâm xã, mất hơn 4 giờ vất vả mới đặt chân đến Nậm Tột.

Quang cảnh bản Nậm Tột (xã Tri Lễ - Quế Phong). Ảnh: Kiên Phương
Quang cảnh bản Nậm Tột (xã Tri Lễ - Quế Phong). Ảnh: Kiên Phương

Ấn tượng đầu tiên khi đến với vùng đất cuối trời biên cương này là chiếc cổng chào của bản Nậm Tột. Cổng được làm từ cây rừng và lợp bằng tranh cọ, chất liệu đơn giản nhưng cái làm nên ấn tượng là hình dáng được thiết kế theo kiểu tháp trụ, trông xa như một ngôi nhà nhỏ. Bà con nơi đây giải thích rằng, thiết kế và dựng lên chiếc cổng chào này là để khách tìm đến vào ngày mưa gió tạm nghỉ chân và lấy lại sức lực sau quãng đường xa trước khi vào bản. Nghĩa là không chỉ khẳng định sự tồn tại của một cộng đồng làng bản mà còn thể hiện lòng hiếu khách của những cư dân trên đỉnh Phà Ka Tủn.

Những ai từng đến Nậm Tột chắc hẳn đều xao xuyến trước nét cổ kính của những mái nhà lợp bằng ván gỗ sa mu. Ở đây, cả thảy có hơn 40 nóc nhà, đều được lợp bằng ván sa mu - thứ gỗ quý chỉ có trên những dãy núi cao và giá lạnh. Trước đây, sa mu mọc thành rừng, mỗi khi làm nhà bà con chỉ cần lên rừng đốn về, xẻ ra thành ván rồi lợp thành mái.

Ở độ cao trên 1.000 mét và khí hậu ôn hòa như Nậm Tột, độ bền của mái sa mu có đến hàng chục năm. Bằng chứng là ở đây đã có những ngôi nhà có độ tuổi gần một thế kỷ, nhưng vẫn chưa một lần thay mái, mái lợp vẫn còn đủ bền để che chắn nắng mưa. Không chỉ mái nhà, mà kho lúa và chuồng trại gia súc, gia cầm cũng được lợp bằng ván sa mu. Hàng rào của mỗi gia đình cũng được ghép bằng những tấm sa mu nhỏ sắp liền nhau kín đáo và vững chãi, thể hiện sự kỳ công và khéo léo của những con người quanh năm sinh sống giữa sương ngàn, gió núi.

Thiếu nữ Mông ở bản Nậm Tột,  xã Tri Lễ (Quế Phong) thêu váy, áo.  Ảnh: Kiên Phương
Thiếu nữ Mông ở bản Nậm Tột, xã Tri Lễ (Quế Phong) thêu váy, áo. Ảnh: Kiên Phương

Thêm một điều thú vị khi vào Nậm Tột là được tận mắt chứng kiến những chú ngựa phăm phăm leo núi thồ hàng. Anh Lỳ Da Gia - một trong những người nuôi nhiều ngựa nhất bản cho hay: “Đường lên Nậm Tột ngày nắng ráo đã rất khó khăn, ngày mưa thì “ngựa sắt” không thể bò lên được, rồi đường đi vào rẫy còn khó gấp trăm lần. Người Mông ta ở đây phải nuôi ngựa để thồ hàng từ rẫy về nhà; mùa mưa thồ hàng từ chợ về bản, nó luôn là con vật thân thiết với mỗi gia đình”.

Sương tan hẳn, ánh nắng thêm phần rực rỡ, hơi ấm lan tỏa khắp đại ngàn, dòng Nậm Tột cũng đã bớt lạnh, cỏ cây vạn vật như đang reo vui với gió ngàn. Từ đây, nhìn rõ dãy Phà Ka Tủn trải dài tít tắp, phía bên kia đã là nước bạn Lào, hai phía cùng chung một màu xanh, cùng chung một ngọn gió, một làn hương nên luôn thắm tình hữu nghị.

Những ngày nắng hiếm hoi trong mùa giá lạnh, bà con Nậm Tột tranh thủ mở kho lúa ra phơi lại để ít ngày nữa giã thành gạo làm bánh dày, gói bánh chưng làm lễ cúng tổ tiên nhân dịp đón năm mới. Sống trên đỉnh núi cheo leo, nhà cửa san sát, quỹ đất không nhiều, hầu hết các gia đình đều không có sân phơi nên phải rải lúa trên những chiếc nong lớn hoặc những tấm bạt đặt trên những khu đất trống ít ỏi. Nắng vàng phản chiếu vào nong lúa vàng, phản chiếu cả nét mặt tươi vui của những nông dân người Mông trên đỉnh núi xa mờ này.

Ngày nắng, bà con người Mông ở bản phơi lại lúa. Ảnh: Kiên Phương
Ngày nắng, bà con người Mông ở bản phơi lại lúa. Ảnh: Kiên Phương

Dưới ánh nắng, những người đàn ông ngồi đan lưới. Chờ trời ấm hơn, họ sẽ men theo dòng Nậm Tột để tìm bắt con cá, con tôm cải thiện bữa ăn cho cả gia đình. Ánh nắng rọi xuống mái hiên, những cô gái Mông Nậm Tột ngồi thêu váy, áo và khăn chuẩn bị sẵn sàng cho những ngày lễ hội sắp sửa gần, tiếng nói cười vút lên trong trẻo giữa không gian núi rừng.

Lỳ Y Mùa - cô gái 18 tuổi chia sẻ: “Năm nào em cũng tự tay thêu váy, áo và khăn để đi chơi Tết và chơi hội. Con gái bản em khi lên nương, lên rẫy không cần phải mặc đẹp, nhưng đã đi chơi, đi hội là phải có váy và áo thật đẹp. Mà hội Xuân ở đây vui lắm, con trai ở các bản về đây uống rượu, ném pao rất đông, nhiều người thổi khèn lá rất giỏi...”.

Cổng chào hình tháp trụ của bản Nậm Tột, xã Tri Lễ (Quế Phong). Ảnh: Kiên Phương
Cổng chào hình tháp trụ của bản Nậm Tột, xã Tri Lễ (Quế Phong). Ảnh: Kiên Phương

Hay tin có khách ghé thăm, Trưởng bản Lỳ Bá Giờ liền tìm đến và bắt tay thật chặt, như gặp lại người bạn thân thiết. Qua lời anh, chúng tôi hình dung được rõ hơn về những khó khăn, vất vả của bà con Nậm Tột, đặc biệt là nỗi gian nan, cách trở trên những cung đường. Nhưng chính sự xa xôi và cách trở đã giúp đồng bào Mông nơi đây lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc, từ phong tục, tập quán đến kiến trúc, ẩm thực và tiếng nói, trang phục gần như chưa bị pha lẫn. Nhịp sống từ bao đời nay vẫn gắn với điệu cự xia, lù tẩu - những làn điệu dân ca được lưu truyền từ thuở rất xa...

Người Mông ở đây vẫn nuôi ngựa phục vụ cho việc vận chuyển. Ảnh: Kiên Phương
Người Mông ở đây vẫn nuôi ngựa phục vụ cho việc vận chuyển. Ảnh: Kiên Phương

Đêm ấy, nghỉ ở nhà Trưởng bản Lỳ Bá Giờ, khuya vắng, chúng tôi nghe rộn ràng nhịp chày giã gạo, nghe cả tiếng khèn thi thoảng cất lên, và cả tiếng cười của những cô gái trẻ. Chủ nhà bảo rằng đêm nay đã đỡ lạnh hơn, cùng tất cả những âm thanh ấy báo mùa Xuân đang về.

Mới nhất

x
Nắng vàng trên Phà Ka Tủn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO