Bản Nậm Tột, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong đứng chân trên đỉnh núi Phà Cà Tủn, là nơi cư trú của đồng bào Mông. Nơi đây không điện, không sóng điện thoại, không Internet, không chợ... điều kiện sinh hoạt hết sức khó khăn. Ảnh: Đức Anh Bên cạnh đó, Nậm Tột cũng được xem là một trong những bản có giao thông đặc biệt hiểm trở. Những ngày thời tiết thuận lợi, để đi từ trung tâm xã vào bản bằng xe máy phải mất gần 3 giờ. Vào mùa mưa bão nơi đây thường bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Ảnh: Đức Anh Hiện có 23 trẻ đang theo học tại điểm trường Nậm Tột, Trường Mầm non Tri Lễ. Để đến với điểm trường lẻ này, các cô giáo luôn phải đối diện với nhiều hiểm nguy rình rập. Thế nhưng, bằng tình yêu trò, vì sự nghiệp "trồng người", các cô vẫn không quản ngại khó khăn, vất vả để ngày ngày mang tình yêu thương đến với các em. Ảnh: Đức Anh Tại điểm trường Nậm Tột, do chỉ có 23 trẻ từ 3 đến 5 tuổi, nên Trường Mầm Non Tri Lễ phải tổ chức lớp ghép. Ngày ngày được nghe tiếng ríu rít cười đùa đầy hồn nhiên của những đứa trẻ là niềm hạnh phúc với 2 cô Vi Thị Tình và Già Y Xìa. Ảnh: Đức Anh Ngoài việc giảng dạy chương trình theo đúng quy định, 2 giáo viên nơi đây luôn tăng cường nói chuyện, tâm tình, qua đó giúp các em có điều kiện tiếp cận với tiếng phổ thông nhiều hơn. Ảnh: Đức Anh Tiết học vận động của trẻ mầm non tại điểm trường Nậm Tột. Ảnh: Đức Anh Cô giáo Già Y Xìa chia sẻ: "Nậm Tột là bản đặc biệt khó khăn. Để mưu sinh, cha mẹ của các em thường phải rời nhà, rời bản đi làm ăn xa. Các em phải sống với ông bà. Chính vì thế, các em rất hạn chế trong việc giao tiếp, chỉ nói được tiếng Mông. Tuy nhiên, trải qua thời gian được đến lớp, giờ đây các em đã mạnh dạn hơn, được trang bị thêm nhiều kỹ năng hơn. Qua đó, giúp các em tự mình chăm sóc được bản thân". Ảnh: Đức Anh Giúp các em nói tiếng phổ thông tốt hơn cũng chính là tiền đề quan trọng để các em bước tiếp con đường học tập ở các bậc cao hơn. Ảnh: Đức Anh Điểm trường Nậm Tột được tổ chức theo hình thức bán trú dân nuôi. Phần đa cặp lồng cơm các con mang đến lớp ăn trưa chỉ có cơm với bí, su su luộc hoặc măng, cà xào mỡ; họa hoằn lắm mới có thêm miếng thịt, quả trứng hoặc con cá mắm. Thương trò, các cô vẫn thường san sẻ phần thức ăn vốn không nhiều của mình cho các em. Ảnh: Đức Anh Tình yêu thương của các cô đã giúp cho các em đỡ tủi thân so với bạn bè, cũng như có thêm chút dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày. Ảnh: Đức Anh Nậm Tột là bản chưa có chợ, để đủ lương thực trong 1 tuần làm việc, các cô phải mang thực phẩm từ nhà đến trường. Tuy nhiên, vào mùa mưa lũ, trường bị chia cắt, để vượt qua thời khắc khó khăn, các cô phải tự đi vay mượn gạo, rau của bà con trong bản. Ảnh: Đức Anh Vào Nậm Tột, 2 cô giáo đành gửi con ở lại cho chồng, ông bà chăm sóc… Những buổi chiều muộn ở nơi núi xa, nỗi nhớ con, nhớ nhà cứ quay quắt. Thói quen đã thành bản năng, 2 cô giáo lại lần mò mở chiếc điện thoại không còn nhiều pin để ngắm ảnh con, xem những thước video về con và mong chờ trời sáng để nỗi buồn nguôi ngoai, mong thời gian nhanh trôi đến thứ Sáu cuối tuần... Ảnh: Đức Anh Món quà mộc mạc của các em mang đến tặng cô nhân ngày 20/10, là nguồn động lực lớn để các cô tiếp tục yêu mảnh đất này và nỗ lực để vượt qua những khó khăn thường ngày phải đối diện. Ảnh: Đức Anh Sự tận tâm của các cô đã góp phần giúp các em trưởng thành hơn từng ngày, là tiền đề giúp các em có tương lai tươi sáng. Ảnh: Đức Anh
POWERED BY
ONE CMS - A PRODUCT OF
NEKO