Tấm lòng của thầy cô ở các điểm trường lẻ nơi miền Tây xứ Nghệ

Mỹ Hà 26/09/2023 12:12

(Baonghean.vn) - Những năm gần đây, quy mô của các điểm trường lẻ trên địa bàn tỉnh đang ngày càng giảm. Mặc dù vậy, đây vẫn là mô hình phù hợp với các huyện miền núi cao giúp học sinh có nhiều cơ hội được đến trường.

bna_Ảnh - Mỹ Hà (29).JPG
Điểm trường lẻ ở bản Xốp Kho (xã Nga My) huyện Tương Dương hiện nay chỉ còn học sinh lớp 1 và lớp 2 theo học. Mỗi lớp học ở điểm trường Xốp Kho chỉ chưa đến 10 học sinh. Tuyến đường từ điểm trường chính vào điểm bản lẻ chỉ cách khoảng 7km nhưng đường đi lại hết sức khó khăn, nhất là vào những ngày mưa to lầy lội. Hiện học sinh của trường đang học tại dãy phòng học cũ kỹ, xuống cấp, là công trình được tài trợ cách đây khoảng 20 năm dành cho học sinh khó khăn ở các huyện miền núi cao. Ảnh: Mỹ Hà
bna_Ảnh - Mỹ Hà (2).jpg
Thời điểm cuối tháng 9, lớp học ở các điểm trường lẻ vắng hơn vì có một số học sinh bị đau mắt đỏ. Ảnh: Mỹ Hà
bna_Ảnh - Mỹ Hà (14).JPG
Thầy giáo Lô Văn Kháy, nhà ở bản Ngọc, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, cách trường gần 30 km. Dạy lớp 2 ở điểm trường lẻ, mỗi tuần thầy chỉ về nhà một lần. Ảnh: Mỹ Hà
bna_Ảnh - Mỹ Hà (28).JPG
Trường Tiểu học Nga My là một trong những trường nằm ở địa bàn khó khăn của huyện Tương Dương. Trường có 443 học sinh nhưng chỉ có khoảng một nửa học sinh được học ở điểm trường chính. Còn lại, vẫn đang học tại 5 điểm trường lẻ, trong đó điểm xa nhất cách điểm trường chính gần 20km. Có những điểm trường chỉ có chưa đến 10 học sinh và phải duy trì lớp ghép. Theo thầy giáo Kha Văn Thông - Hiệu trưởng nhà trường: Từ khi triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018, học sinh từ lớp 3 trở lên ở các điểm trường lẻ sẽ được chuyển về điểm trường chính và ở bán trú tại trường. Số còn lại, do điều kiện vật chất chưa đảm bảo, đường sá đi lại khó khăn nên các trường vẫn phải duy trì điểm trường lẻ. Ngoài các giáo viên cắm bản, khó khăn nhất với điểm trường lẻ là các giáo viên bộ môn vì hầu như ngày nào họ cũng phải vượt đường núi, đồi vào dạy cho các em những môn như Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục. Ảnh: Mỹ Hà
IMG_9243.JPG
Do số lượng học sinh ít nên học sinh ở các điểm trường lẻ được thầy cô đặc biệt quan tâm. Đầu năm học, sách vở, đồ dùng học tập của các em được thầy cô bọc và dán nhãn vở cẩn thận. Trường lớp được chăm sóc trang trí thân thiện, tạo cho các em niềm vui khi đến trường. Hàng tuần, ban giám hiệu nhà trường sẽ vào thăm và kiểm tra việc tổ chức dạy học. ĐIều đặc biệt ở Trường Tiểu học Nga My đó là hiện nay dù trường đang thiếu giáo viên nhưng giáo viên ở tất cả các điểm trường đều tình nguyện làm thêm giờ, đảm bảo dạy đủ cho các em 32 tiết/tuần, giúp các em có cơ hội được học đầy đủ Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: Mỹ Hà
bna_Ảnh - Mỹ Hà (18).JPG
Điểm trường lẻ ở bản Thắm Hỉn của PT Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn cũng được tổ chức một cách bài bản. Nơi đây, hiện đang có gần 40 học sinh của hai lớp 1 và 2 theo học. Đây là điểm trường có gần 100% học sinh là người dân tộc Mông. Ảnh: Mỹ Hà
bna_Ảnh - Mỹ Hà (24).JPG
Cô giáo Lô Thị Yến tốt nghiệp Trường Đại học Vinh, về nhận công tác tại điểm trường này 1 năm. Những ngày mới nhận nhiệm vụ, cô cho biết, đã gặp phải nhiều khó khăn khi học sinh trong lớp hơn một nửa không thạo tiếng Việt. Để dạy học sinh lớp 1, ngoài làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, cô giáo Lô Thị Yến còn phải học thêm tiếng Mông để có thể hiểu và giao tiếp được với học trò. Sau gần 3 tuần theo học, những buổi học của cô đã bước đầu đem lại kết quả, học sinh đã hào hứng và hăng say đến lớp. Ảnh: Mỹ Hà
bna_Ảnh - Mỹ Hà (20).JPG
Theo thầy giáo Lâm Nguyên Ngọc - Hiệu trưởng nhà trường: Việc sáp nhập các điểm trường lẻ là chủ trương của ngành Giáo dục và đang được các địa phương thực hiện quyết liệt. Tuy nhiên, với đặc thù của các huyện miền núi cao, khi đường sá đi lại còn khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất ở các điểm trường chính chưa đảm bảo thì việc duy trì các điểm trường lẻ sẽ tạo cơ hội cho các em ở vùng xa trung tâm được đến trường. Từ năm lớp 3 tất cả học sinh ở điểm trường lẻ sẽ về điểm trường chính và các em được ở bán trú tại trường. May mắn là hiện nay phụ huynh đều đã nhận thức được lợi ích việc đi học nên ủng hộ chủ trương của nhà trường. Ảnh: Mỹ Hà
bna_Ảnh - Mỹ Hà (3).JPG
Toàn tỉnh Nghệ An hiện đang còn khoảng 900 điểm trường lẻ ở cả ba cấp học, trong đó tập trung nhiều nhất ở bậc mầm non và tiểu học. Ở nơi xa trung tâm, việc tổ chức dạy học và bán trú cho học sinh còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Như ở điểm trường mầm non Thắm Hỉn (Nậm Càn, Kỳ Sơn), để duy trì lớp học bán trú cho trẻ, nhà trường thực hiện mô hình bán trú cô nuôi, giáo viên vừa đứng lớp, vừa tổ chức nấu ăn cho các học trò. Điểm trường chỉ có 2 cô giáo nên công việc rất vất vả. Ảnh: Mỹ Hà
bna_Ảnh - Mỹ Hà (1).JPG
Hơn 20 năm công tác ở vùng cao, trong đó chủ yếu công tác ở điểm trường lẻ, cô giáo Lê Thị Hải Lý chia sẻ: Niềm vui lớn nhất của tôi là thấy phụ huynh đã bắt đầu quan tâm đến việc học của các con. Vì vậy, việc huy động trẻ đến trường của chúng tôi đã dễ dàng hơn. Ở trường các con được học, được ăn uống đầy đủ nên các con được phát triển toàn diện, hạn chế ít nhất tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ. Ảnh: Mỹ Hà
bna_Ảnh - Mỹ Hà (17).JPG
Những điểm trường lẻ ở miền Tây xứ Nghệ thực sự là ngôi nhà thứ 2. Bằng tinh thần trách nhiệm, bằng tình yêu với học trò, các giáo viên đang cắm bản ở các vùng sâu, vùng xa đang nỗ lực hàng ngày để học sinh mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui. Ảnh: Mỹ Hà

Mới nhất

x
Tấm lòng của thầy cô ở các điểm trường lẻ nơi miền Tây xứ Nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO