NATO từ chối cung cấp F-16 cho Ukraine trước khi cuộc phản công kết thúc
(Baonghean.vn) - Người đứng đầu Ủy ban Quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - Đô đốc Rob Bauer cho biết, Ukraine sẽ không được nhận máy bay chiến đấu F-16, cho đến khi cuộc phản công kết thúc.
“Vấn đề cung cấp máy bay chiến đấu cho cuộc phản công của Ukraine sẽ không được giải quyết trong thời gian ngắn” – Đô đốc Rob Bauer cho hay.
Theo ông Bauer, cũng sẽ không có việc huấn luyện các phi công và chuyên gia kỹ thuật cho Ukraine. Ngoài ra, Đô đốc này cũng đánh giá rằng, Lực lượng vũ trang Ukraine “cực kỳ khó khăn” để tiến lên tiền tuyến.
Trước đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nhấn mạnh rằng, Ukraine sẽ không thể tham gia vào NATO, khi đang vướng vào một cuộc xung đột. Trong khi đó, phóng viên Chey Bowes của RT nhận định, NATO sẽ hy sinh Ukraine bằng bất cứ giá nào vì lợi ích sống còn của liên minh.
Dù Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bật đèn xanh cho phép các đồng minh chuyển tiêm kích F-16 cho Ukraine, tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có đồng minh NATO nào ở châu Âu sẵn sàng cung cấp cho Kiev.
Mỹ đã viện trợ quân sự trị giá 43 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi xung đột bắt đầu bùng phát. Cung cấp F-16 có thể làm tăng thêm chi phí. Do đó, Washington cũng mới chỉ chấp thuận việc đào tạo phi công Ukraine chứ chưa sẵn sàng cung cấp tiêm kích này cho Kiev.
Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Hy Lạp, Ba Lan, Bồ Đào Nha và Romania cũng có kho dự trữ F-16, nhưng chưa quốc gia nào đề nghị cung cấp cho Ukraine.
Đức cũng tuyên bố sẵn sàng đào tạo phi công Ukraine nhưng khẳng định rằng vai trò của Berlin sẽ bị hạn chế do không vận hành máy bay chiến đấu F-16.
Chính phủ Bỉ nhiều lần khẳng định sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ để giúp Ukraine chống lại Nga trong cuộc xung đột hiện nay. Dù vậy, Bỉ từ chối chuyển những chiếc F-16 hiện có cho Kiev.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cũng nói rằng, nước này đã cung cấp những chiếc MiG-29 thời Liên Xô cho Kiev, nhưng chưa sẵn sàng cho đi những chiếc tiêm kích hiện tại. Ba Lan có 48 chiếc F-16 trong kho.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết, nước này đang “xem xét nghiêm túc” việc gửi tiêm kích F-16 tới Ukraine nhưng vẫn chưa quyết định. Hà Lan hiện có 24 chiếc F-16 “có thể triển khai hoạt động” và sẽ tiếp tục phục vụ cho đến giữa năm 2024, sau đó chúng có thể được bán ra thị trường.
Về việc gửi máy bay chiến đấu tới Ukraine, Pháp cũng chỉ “nói suông”. Khi được hỏi về việc gửi máy bay chiến đấu của Pháp đến Ukraine, Tổng thống Emmanuel Macron nói rằng, “không có điều cấm kỵ nào”. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh vấn đề này chỉ là “lý thuyết” vào thời điểm hiện nay.