Nền bóng đá Việt Nam đã vượt Thái Lan chưa?
(Baonghean.vn) - Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) đã tổ chức rất nhiều phiên họp để tìm ra lý do khiến bóng đá xứ chùa Vàng đang có dấu hiệu chững lại và tụt xa với Việt Nam. Còn chúng ta lại đang nhìn về Thai 1-League với hàng loạt câu hỏi.
Cầu thủ xuất ngoại thành công
Nói về cầu thủ thì bóng đá Thái Lan vẫn đang sở hữu những cầu thủ xuất sắc tầm châu lục. Trong khi Công Phượng đang xách va ly rời CLB Sint-Truidense (Bỉ) về Việt Nam, còn Văn Hậu vẫn chưa thể đá chính tại giải vô địch Hà Lan thì nhà đương kim vô địch J1 League - Yokohama F Marinos đã đạt thỏa thuận mua đứt hậu vệ trái Theerathon Bunmathan từ Muangthong United với giá 35 triệu baht (1,2 triệu USD).
CLB Muangthong United đã chấp nhận bán đứt hậu vệ trái Theerathon Bunmathan cho Nhà đương kim vô địch Nhật Bản Yokohama Marinos. Ảnh: YM |
Mùa giải vừa qua, Theerathon Bunmathan ra sân 25 trận cho Yokohama F Marinos, ghi 3 bàn thắng và tung ra đến 4 pha kiến tạo. Theerathon chiếm vị trí đá chính xuyên suốt tại CLB mới, góp công lớn giúp họ đoạt chức vô địch sau 15 năm chờ đợi.
Trước đó, tiền vệ Chanathip Songkrasin chuyển đến Consadole Sapporo với giá ước tính 2,6 triệu USD. Đây là CLB mà khi còn ở hạng Nhì thì tiền đạo đội trưởng Công Vinh cũng không thể chen chân tìm suất đá chính.
Ngoài ra, còn có 2 cầu thủ Thái Lan nữa cũng đang thi đấu ở nước ngoài là Thitipan Puangchan (CLB Oita Trinita, J.League 1, Nhật Bản) và Kawin Thamsatchanan (CLB OH Leuven, hạng Nhì Bỉ) cũng đều được đá chính. Các thương hiệu Coca Cola, Sponso, Toyota tranh nhau tài trợ cho giải vô địch quốc gia Thái Lan.
Chuyên nghiệp giải vô địch
Xuân Trường gặp khá nhiều khó khăn khi thi đấu tại Thai 1- League. Ảnh: FAT |
Về điều kiện thi đấu, chắc chắn 16 CLB tham dự Thai 1-League sẽ không cần trông chờ “bảo lãnh” của BTC VPF như SLNA, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa. Lại càng không có kiểu như Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, sau khi “mượn quân” thì lại phải đôn đáo “mượn sân” để làm bóng đá chuyên nghiệp. Với đào tào tạo trẻ, các CLB ở Bangkok có tới 4-5 học viện bóng đá vệ tinh kiểu HAGL, PVF… do các HLV nước ngoài đảm nhận.
Ngay cả CLB Chainat, Pataya United đứng cuối bảng xếp hạng thì nền tài chính cũng không “ăn đong” hết năm này, qua năm khác như Nam Định, SLNA hay nhiều đội V.League khác. Các CLB Thái Lan giỏi kiếm tiền từ sân cỏ hơn Việt Nam, phần lớn các CLV V.League là hộ “chuyên chỉ”, khoản tiền bán vé chỉ 2 tỷ đồng/năm chả thấm vào đây so với kinh phí chi 40 - 50 tỷ đồng/năm.
Đơn cử như việc True Vision sẽ hết hạn bản quyền truyền hình vào năm sau 2020 và Liên đoàn bóng đá Thái Lan chuẩn bị mở một phiên đấu giá bản quyền truyền thông, phát sóng trực tiếp cả trong và ngoài nước cho 8 năm liên tiếp từ 2021-2028.
Đối tác trúng thầu sẽ sở hữu bản quyền của giải VĐQG Thái Lan từ hạng 1-4, FA Cup, League Cup, bao gồm cả các trận đấu của đội tuyển bóng đá quốc gia nam và nữ Thái Lan, đội tuyển futsal quốc gia Thái Lan, Futsal League và bóng đá bãi biển.
Thông tin từ Siamsports cho biết, các nhà thầu sẽ phải chi ít nhất 2 tỷ baht (khoảng 1.500 tỷ đồng) để đổi lấy hợp đồng 8 năm này. Chí ít mỗi CLB sẽ bỏ túi 10 triệu bath (300 ngàn USD) tiền bản quyền truyền hình mỗi mùa bóng.
Vẫn có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về chất lượng V.League và Thai 1-League. Nhưng rõ ràng, những cầu thủ tốt của Việt Nam như Xuân Trường, thủ môn Văn Lâm khi sang thi đấu Thai 1- League vẫn gặp khó khăn. Ngay cả cầu thủ nhập tịch Hoàng Vũ Samson có thể hình, thể lực và chuyên môn tốt nhưng khi rời Hà Nội FC cũng không trụ được ở sân chơi này.
AFC đánh giá cao
Đối với cấp CLB, từ mùa giải AFC Champions League 2014 trở đi ngoài vé trực tiếp tham gia vòng bảng thì Thai Premier League được bổ sung thêm một vé tham dự vòng sơ loại thứ 2 cùng với đội đương kim vô địch Thai FA Cup. Nghĩa là bóng đá Thái Lan có 2 suất, còn Việt Nam chỉ có nửa suất mà thôi.
Mùa bóng 2020, Á quân V-League CLB TP.HCM cũng chỉ có nửa suất dự Champions League. Theo đó, CLB TP.HCM phải đá play off với Á quân Thai-League là Buriram. Nếu thắng, TP.HCM đá tiếp play off với đại diện của Trung Quốc… Trong khi đó, nhà vô địch Thai-League 2019 là Chiang Rai được vào thẳng vòng bảng của giải đấu hàng đầu cấp CLB châu lục AFC Champions League.
Việc chúng ta vô địch AFF Cup và SEA Games, trở thành đội bóng đứng đầu khu vực Đông Nam Á là có thật. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với nền bóng đá của chúng ta đã vượt qua Thái Lan. VFF và các CLB bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn còn quá nhiều việc phải làm.