Thời sự

Nền hành chính vì dân: Không chỉ là khẩu hiệu

PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa 13/07/2025 12:23

“Sự kiện” Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang (nay là Bắc Ninh) Phạm Văn Thịnh trực tiếp tham gia livestream bán vải cho người dân đang nhận được nhiều lời khen của dư luận. Không phải vì số lượng vải bán được chỉ trong 1 phiên livestream lên tới 54 tấn hay sự hiểu sâu, nắm chắc tâm lý thị trường của vị Phó Chủ tịch thế hệ 8X gây ấn tượng mà cộng đồng quan tâm nhiều đến một khía cạnh giản dị: Tấm lòng với người dân.

Nhiều người hiểu chuyện chia sẻ, để có một vùng vải thiều Lục Ngạn tên tuổi hôm nay là công sức của bao người, trong đó có những cán bộ đầy nhiệt huyết và trách nhiệm. Khai phá những thị trường lớn như Trung Quốc, để vải thiều giữ vững sản lượng bán ra ngay cả những năm dịch Covid-19 hoành hành dữ dội là bao công sức, trí tuệ, am hiểu và chắp nối thị trường, giữ mối quan hệ với thương lái nước bạn. Tương tự, vùng cây trái Sơn La nức tiếng hôm nay cũng ghi dấu những cán bộ thuở “khai sơn, phá thạch”, tận tình, kỹ lưỡng từ quy hoạch đến thử nghiệm giống cây phù hợp, am hiểu tường tận thị trường, cùng người dân xây dựng thương hiệu trái cây trên vùng đất trước đây vốn không dễ gì trồng cây.

Screenshot 2025-07-13 at 12.21.06
Ông Phạm Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh (áo trắng), bán vải thiều trên livestream.

Thế nhưng, việc một lãnh đạo cấp tỉnh xuất hiện trên nền tảng mạng xã hội bán nông sản cho người dân vẫn là cái gì đó rất mới mẻ. Thời buổi của công nghệ, hiệu ứng trên các nền tảng mạng xã hội rất lớn. Người ta đã quen thuộc với hình ảnh các nghệ sĩ, những người nổi tiếng, có ảnh hưởng lên mạng để quảng bá các sản phẩm. Không hiếm những phiên livestream cả chục tỷ đồng, trăm tỷ đồng, không hiếm những mặt hàng giá rẻ bất ngờ được chào bán.

Sự hấp dẫn của những gương mặt nổi tiếng hay sức hút theo xu hướng tiêu dùng nhanh đã thúc đẩy khách hàng chốt đơn. Thế nhưng, mặt trái của nó là một thị trường trên mạng lộn xộn, thật - giả khó phân định. Quảng cáo sai sự thật, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ tràn lan, người tiêu dùng lãnh đủ. Cơ quan chức năng đã phải vào cuộc, xử lý quyết liệt, mà vụ “Kẹo Kera” được thổi phồng “thay thế rau xanh” là ví dụ điển hình.

Khi những hoa hậu, KLOs, người từng được trao giải thưởng “vì cộng đồng” cũng vướng lao lý vì có hành vi “lừa dối người tiêu dùng”, thì sự xuất hiện của một vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh livestream bán vải cho người dân giữa mùa cao điểm thu hoạch chính là điều người dân chờ đợi. Nó như một sự cân bằng, mạng xã hội tốt hay xấu là do cách người dùng nó. Sử dụng mạng xã hội vào việc ích nước, lợi dân, hình ảnh người cán bộ trở nên đời thường, thuyết phục.

can-bo-2.jpg
Ảnh minh họa: dangcongsan.vn

Mới thấy quan điểm rất đúng đắn: Làm cán bộ phải có sản phẩm cụ thể. Sản phẩm ấy là sự hài lòng của người dân. Có những chủ trương, chiến lược lớn phải xây dựng công phu, triển khai nhiều thời gian mới mang lại hiệu quả. Nhưng cũng có những việc có thể làm được ngay, những hành động “bột phát” như lời bộc bạch của vị Phó Chủ tịch mà ẩn chứa thái độ trách nhiệm sâu sắc của những công bộc hôm nay.

Xã, phường nào còn để người dân kêu ca về thái độ cửa quyền, hách dịch, làm khó người dân; xã, phường nào giải quyết công việc chậm trễ, cán bộ dựa vào những quy định cũ kỹ hoặc cố tình hiểu sai quy định, để việc ách tắc, thì xã, phường ấy cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền không thể được đánh giá “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” hay xem xét đề bạt chức vụ cao hơn.

Với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đặc biệt là hệ thống VNeID do Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư của Bộ Công an phát triển, các cơ quan quản lý khác có thể tận dụng hệ thống dữ liệu điện tử để phục vụ người dân tốt nhất.

Sự tiện dụng của công nghệ, quyết tâm thay đổi mạnh mẽ nền hành chính từ “quản lý” sang “phục vụ” người dân đang mang lại những thay đổi tích cực, rõ nét trên nhiều lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực nóng bỏng, nhạy cảm như đất đai, thuế, bảo hiểm, y tế…

Mọi điều kiện đã đủ, cái còn lại chính là ý thức, trách nhiệm, là thái độ chủ động phục vụ người dân. Với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, trong đó, cấp phường, xã được phân quyền giải quyết cơ bản các thủ tục hành chính, kỳ vọng tinh thần phục vụ nhân dân sẽ càng lan tỏa. Thước đo phẩm chất và năng lực cán bộ sẽ ngày càng rõ nét.

Đơn giản cùng một thủ tục hành chính, cùng một công việc, tại sao phường bạn, xã bên làm được mà phường mình, xã mình lại ách tắc? Xử lý công việc trên nền tảng công nghệ, cán bộ phải cập nhật các quy định, phải tự vươn lên làm mới mình mới đáp ứng được yêu cầu công việc và mong mỏi của người dân.

Thực tế, khi cán bộ coi phục vụ người dân là bổn phận, giải quyết được công việc cho người dân là hạnh phúc, thì sẽ không thiếu những sáng kiến tích cực, những cách làm hay để lan tỏa trong cộng đồng.

Khi cán bộ gần dân, sát dân, vì dân, không những hiệu quả công việc nâng cao, uy tín của cấp ủy, chính quyền được củng cố mà không khí tích cực cũng sẽ chiếm ưu thế trong xã hội và cả trên các nền tảng số. Một xã hội nhiều điều tốt đẹp, nơi người dân gửi trọn niềm tin vào chính quyền, vào những công bộc vì dân, đó là mục tiêu cần đạt đến.

Muốn vậy, cần khuyến khích tinh thần cống hiến, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung. Cần những quy định cụ thể hơn nữa để bảo vệ cán bộ tốt, dám nghĩ, dám làm, đồng thời, mạnh mẽ cắt bỏ thủ tục hành chính không cần thiết. Khen thưởng kịp thời những tấm gương vì dân phục vụ, lấy cái tốt đẹp dẹp cái xấu như ông cha ta vẫn thường nói.

Rồi đây sẽ có thêm nhiều cán bộ sáng tạo, nghĩ được nhiều việc có ích cho xã hội và cộng đồng. Hệ thống dịch vụ công phát triển, người dân có thể ở nhà để thực hiện các thủ tục hành chính thay vì chen nhau chờ trước các ô cửa hẹp chật chội, nóng bức. Sẽ thêm nhiều nụ cười ở công sở, khi người dân được giải quyết nhanh công việc và cán bộ hạnh phúc vì hỗ trợ được người dân theo đúng chức trách của mình. Sẽ có thêm nhiều chủ tịch, bí thư không chỉ sẵn sàng lên mạng quảng bá sản phẩm cho tỉnh mình, xã mình, giúp nông dân gỡ khó đầu ra mà còn am hiểu tường tận thị trường, sẵn sàng hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp về mặt bằng, đất đai một cách vô tư và trách nhiệm, vì lợi ích chung…

Được lòng dân là được tất cả, mất lòng dân là mất tất cả. Chắc chắn hàng ngày vẫn có rất nhiều cán bộ làm việc, hành động vì dân mà dư luận chưa biết đến. Nhưng để người tốt, việc tốt thành xu hướng phổ biến thì chắc chắn còn phải phấn đấu rất nhiều.

Mong rằng, với quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nền hành chính vì dân sẽ được củng cố, hoàn thiện bằng thể chế, công nghệ, sự nêu gương và kỷ luật để việc tốt thành chuyện thường ngày, phục vụ dân là điều hiển nhiên chứ không còn là “hiện tượng” trên mạng xã hội như trường hợp vị Phó Chủ tịch livestream bán vải ở Bắc Giang!

tacgiasuyngam-dochinghia.png

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Nền hành chính vì dân: Không chỉ là khẩu hiệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO