Nền kinh tế Mỹ có nguy cơ bị tổn hại trong cuộc chiến tranh công nghệ với Trung Quốc
(Baonghean.vn) - Sự phụ thuộc của Mỹ vào các linh kiện của Trung Quốc có nghĩa là ngành công nghiệp quốc phòng và cơ sở hạ tầng quan trọng có thể sớm rơi vào tình trạng nguy hiểm.
Các quan chức chính phủ và doanh nghiệp Mỹ cho rằng, Mỹ không có các nhà máy hoặc lao động lành nghề để thay thế hàng nhập khẩu của Trung Quốc hỗ trợ các nhà thầu quốc phòng và cơ sở hạ tầng quan trọng, khiến nền kinh tế Mỹ dễ bị tổn hại trong trường hợp xảy ra chiến tranh thương mại toàn diện với Trung Quốc.
Đó là lý do tại sao các quan chức của chính quyền Tổng thống Biden không để ý đến lời kêu gọi từ những người có xu hướng “diều hâu” hơn với Trung Quốc nhằm cắt đứt hoàn toàn lĩnh vực bán dẫn của Trung Quốc ra khỏi công nghệ Mỹ.
Một nhóm gồm 10 thành viên Đảng Cộng hòa nổi tiếng tại Hạ viện đã viết thư cho Bộ Thương mại Mỹ vào ngày 14 tháng 9 vừa qua, trong đó yêu cầu chính phủ Mỹ ngừng xuất khẩu công nghệ chíp bán dẫn sang Trung Quốc và cho rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu áp đặt vào tháng 10 năm 2022 là không hiệu quả.
Bức thư của Đảng Cộng hòa trích dẫn “các báo cáo gần đây cho biết công ty công nghệ hàng đầu Huawei Technologies của Trung Quốc đã phát triển một điện thoại thông minh chứa chíp bán dẫn tiến trình 7 nanomet (nm), có khả năng hỗ trợ 5G, do Tập đoàn Sản xuất chất bán dẫn quốc tế (SMIC) thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc sản xuất”.
Bức thư cho biết thêm: “Chúng tôi vô cùng lo lắng và khó hiểu về việc Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) không thể thực thi một cách hiệu quả các quy tắc kiểm soát xuất khẩu đối với những quốc gia vi phạm, đặc biệt là Trung Quốc”.
Semianalysis.com, một trang web nổi tiếng về ngành công nghiệp chíp bán dẫn cho rằng: “Các lệnh trừng phạt của Mỹ đã thất bại. Chíp 7nm của Huawei là “đáng kinh ngạc về mặt kỹ thuật” và “một con chíp bán dẫn được thiết kế với khả năng tương tự như bộ xử lý trí tuệ nhân tạo (AI) tốt nhất của các nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu của Mỹ là Nvidia và Qualcomm”.
Trang web Semianalysis.com kết luận rằng, lệnh cấm xuất khẩu hoàn toàn đối với mọi danh mục thiết bị bán dẫn sẽ ngăn cản sự phát triển của Trung Quốc. Các biện pháp nửa vời sẽ không hiệu quả, nhưng một cuộc tấn công toàn diện sẽ khiến chi phí tái tạo chuỗi cung ứng chất bán dẫn trong nước gần như không thể. Mặc dù chúng tôi không ủng hộ bất kỳ điều nào trong số này một cách cụ thể, nhưng rõ ràng phương Tây vẫn có thể ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc nếu hành động quyết đoán được thực thi.
Mỹ không thể ngăn Trung Quốc sản xuất chíp bán dẫn cao cấp như bộ vi xử lý Cortex 9000 mới trừ khi nước này đóng cửa toàn bộ hoạt động sản xuất chất bán dẫn ở Trung Quốc. Điều đó sẽ kéo theo sự gián đoạn lớn không chỉ của ngành công nghiệp bán dẫn mà còn của hàng chục ngành công nghiệp phụ thuộc vào nó, gây ra những hậu quả kinh tế nghiêm trọng.
Không rõ liệu Mỹ có thể thuyết phục được các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc và Hà Lan tham gia cuộc chơi hay không. Nhưng mới đây chính quyền Tổng thống Biden đã chấp nhận yêu cầu của Hàn Quốc để duy trì các nhà máy sản xuất chíp bán dẫn hiện có của họ ở Trung Quốc.
Bên cạnh đó, nhà sản xuất máy in thạch bản để chế tạo chíp bán dẫn hàng đầu trên thế giới ASML của Hà Lan sẽ không bán thiết bị tiên tiến nhất của mình cho Trung Quốc tuy nhiên vẫn tiếp tục bán các thiết bị tạo ra tia cực tím sâu (Deep UltraViolet hay DUV) mà SMIC đã sử dụng để sản xuất chíp bán dẫn mới cho Huawei.
Ngay cả khi Mỹ có thể thuyết phục các nước khác tham gia tẩy chay hoàn toàn thiết bị sản xuất chip cho Trung Quốc thì Mỹ không phải là quốc gia duy nhất có thể tiến hành chiến tranh kinh tế. Tác động đột phá đối với nền kinh tế thế giới sẽ là không thể đo lường được và một hậu quả có thể xảy ra là làm tê liệt cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ.
Mới đây, chính phủ Trung Quốc đã trả đũa các biện pháp kiểm soát xuất khẩu bổ sung của Mỹ bằng việc ra lệnh cấm các quan chức chính phủ không được sử dụng điện thoại iPhone do Apple sản xuất.
Điểm yếu của Mỹ được thể hiện qua việc hàng nghìn thiết bị quan trọng được sử dụng trong cơ sở hạ tầng cơ bản và ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ được nhập khẩu từ Trung Quốc. Năm 2022, Mỹ đã nhập khẩu 33 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc để sản xuất và phân phối điện, những mặt hàng không còn được sản xuất ở Mỹ.
Các quan chức trong ngành công nghiệp Mỹ cho biết, việc thay thế sản xuất trong nước cho những mặt hàng này sẽ kéo dài thời gian thực hiện và chi phí đắt đỏ. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh thương mại toàn diện, lệnh cấm của Trung Quốc đối với các thành phần quan trọng có thể làm tê liệt cơ sở hạ tầng cơ bản của Mỹ.
Liên quan đến vấn đề này, vào tháng 4 vừa qua, cựu quan chức quản lý năng lượng hàng đầu của Mỹ - ông Brien Sheahan cho rằng, Mỹ và các đồng minh đã tự cho phép mình trở thành con tin của các tập đoàn Trung Quốc khi để cho nước này kiểm soát việc sản xuất linh kiện điện tử, nam châm công suất cao, bảng mạch in, máy tính, máy bay không người lái, kim loại đất hiếm, tua-bin gió, pin mặt trời, điện thoại di động và pin lithium… Trên thực tế, gần như mọi thành phần của lưới điện thông minh kỹ thuật số dựa trên công nghệ đều phụ thuộc vào các thiết bị do Trung Quốc sản xuất.
Các nhà thầu quốc phòng Mỹ cũng phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Trong một cuộc phỏng vấn ngày 19 tháng 6 vừa qua với tờ Financial Times (Mỹ), Giám đốc điều hành Greg Hayes của tập đoàn công nghiệp quân sự Raytheon của Mỹ cho biết, công ty của ông có vài nghìn nhà cung cấp ở Trung Quốc và việc tách rời là không thể. Chúng tôi có thể giảm rủi ro nhưng không thể tách rời.
Ông Hayes nói thêm: “Hãy nghĩ về giá trị thương mại trị giá 500 tỷ USD từ Trung Quốc sang Mỹ mỗi năm. Hơn 95% vật liệu hoặc kim loại đất hiếm có nguồn gốc hoặc được chế biến tại Trung Quốc. Không có cách thay thế. Nếu chúng tôi phải rút khỏi Trung Quốc, chúng tôi sẽ phải mất rất nhiều năm để thiết lập lại khả năng đó ở trong nước hoặc ở các nước đồng minh khác”.
Tập đoàn công nghiệp quân sự Raytheon được biết đến là nhà sản xuất tên lửa hành trình Tomahawk, tên lửa không đối đất Maverick, tên lửa chống tăng Javelin và các loại vũ khí quan trọng khác trong kho vũ khí của Mỹ.
Trong khi đó, nỗ lực của Mỹ nhằm giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nước ngoài đối với những mặt hàng quan trọng đã bị đình trệ. Nhà sản xuất chíp bán dẫn hàng đầu thế giới TSMC của Đài Loan đã chấp nhận 15 tỷ USD trợ cấp tiền mặt và tín dụng thuế từ chính quyền Tổng thống Biden để xây dựng nhà máy sản xuất bán dẫn tiên tiến ở bang Arizona, nhưng tình trạng thiếu lao động lành nghề đã khiến nhà máy bị trì hoãn cho đến năm 2025.
Những nút thắt tương tự sẽ cản trở nỗ lực của Mỹ nhằm thay thế các linh kiện của Trung Quốc trong cơ sở hạ tầng quan trọng. Mỹ phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung lao động có tay nghề trong 2 năm tới.
Theo số liệu thống kê của công ty tư vấn HBK (Mỹ), đến cuối năm 2025, 22% công nhân sản xuất có tay nghề sẽ nghỉ hưu. Điều này có thể dẫn đến 2 triệu đến 3,5 triệu việc làm trong ngành sản xuất không được lấp đầy vào năm 2025.
Theo tính toán của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, các đơn đặt hàng thiết bị sản xuất của Mỹ ổn định ở mức từ 1,5 tỷ USD đến 2 tỷ USD mỗi tháng, gần bằng một nửa mức trước cuộc suy thoái năm 2008. Trong khi tốc độ tăng trưởng của vốn sản xuất sụt giảm, thâm hụt thương mại của Mỹ tăng cao.
Trong thực tế, Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào phương Tây về nhiều loại thiết bị sản xuất chíp bán dẫn, trong khi Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc về một lượng lớn nguyên liệu đầu vào. Như vậy, cả hai đều có khả năng làm tổn thương nhau nặng nề nếu cuộc chiến công nghệ được đẩy lên đỉnh điểm.
Tuy nhiên vấn đề đặt ra là liệu họ có làm như vậy không. Các quan chức thuộc chính quyền Tổng thống Biden nhận thức sâu sắc về những lỗ hổng đang tồn tại nên đang rất cẩn trọng trong việc đẩy mạnh cuộc chiến công nghệ chống lại Trung Quốc.
Các chuyên gia trong ngành công nghiệp cho rằng, ngay cả khi huy động toàn lực, Mỹ sẽ phải mất vài năm để xây dựng cho mình một năng lực sản xuất đủ để thay thế các linh kiện quan trọng đến từ Trung Quốc.