Nga hạ thủy tàu ngầm hạt nhân phá kỷ lục thế giới
Hôm qua, thứ ba ngày 23/4 được xem là một dấu mốc đặc biệt quan trọng đối với ngành công nghiệp đóng tàu quân sự của Nga.
Trong sự kiện đặc biệt này, tổng thống Nga Vladimir Putin có mặt tại St. Petersburg đã thực hiện nối cầu truyền hình với 3 nhà máy đóng tàu lớn của Nga và quan sát lễ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân Belgorod tại Severodvinsk.
Tàu ngầm hạt nhân Belgorod chính là phương tiện được thiết kế để mang theo ngư lôi Poseidon - thứ vũ khí chiến lược thế hệ mới được đánh giá là đáng sợ nhất của Quân đội Nga trong những năm đầu thế kỷ 21.
Ngoài ra Belgorod - Dự án 09852 còn là một tàu ngầm hạt nhân siêu lớn, phá vỡ kỷ lục của Hải quân Nga cũng như thế giới, thực ra kỷ lục được thiết lập không phải về lượng giãn nước mà là chiều dài của con tàu, lên tới 184 m (vượt 12,5 m so với chiếc Typhoon).
Bên cạnh ngư lôi hạt nhân Poseidon, tàu ngầm siêu lớn Belgorod còn được tích hợp nhiều trang thiết bị đặc biệt như robot điều khiển từ xa và tàu ngầm hạt nhân cỡ nhỏ có người lái khác. Lễ hạ thủy chiếc Belgorod đánh dấu giai đoạn mới của công cuộc xây dựng Hải quân Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại St. Petersburg để tham gia cầu truyền hình. |
Ngay tại thời điểm đó, tại 3 nhà máy đóng tàu chủ lực của Nga đã đồng thời diễn ra lễ khởi công đóng mới hàng loạt khinh hạm, tàu hộ vệ, tàu đổ bộ thế hệ mới.
Cụ thể, tại Nhà máy đóng tàu phương bắc, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trực tiếp đóng biển hiệu cho tàu hộ vệ tên lửa Dự án 22350 mang tên Đô đốc Amelko.
Phó thủ tướng Yury Borisov, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Bộ trưởng Công Thương nghiệp Denis Manturov đóng biển cho tàu 22350 - Đô đốc Chichagov. Ngoài ra tàu tên lửa tàng hình Dự án 20386 tiếp theo cũng được khởi công.
Tại Yantar, 2 tàu đổ bộ Dự án 11711 đó là chiếc Vasily Trushin và Vladimir Andreev cũng được khởi công đóng mới. Cuối cùng chính là tàu ngầm siêu lớn Belgorod được hạ thủy ở Sevmash.
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Belgorod được hạ thủy ở Sevmash |
Rõ ràng Hải quân Nga đang bắt đầu bước vào một chu kỳ phát triển cao hơn khi tiến hành khởi công đóng mới hàng loạt chiến hạm có lượng giãn nước cỡ lớn và trung bình, thay vì chỉ tập trung vào phân khúc tàu hộ vệ cỡ nhỏ như vài năm trước đây.
Nếu mọi việc tiến triển thuận lợi thì dự kiến chỉ trong một thời gian không dài nữa, Hải quân Nga sẽ phần nào khôi phục lại được ánh hào quang trước kia của Liên Xô, con đường phía trước còn nhiều gian nan nhưng cũng không kém phần vẻ vang.