Nga lên tiếng vụ Pháp bắt giữ nhà sáng lập Telegram
Đại sứ quán Nga đã ngay lập tức vào cuộc để làm rõ tình hình liên quan tới vụ Pháp bắt giữ nhà sáng lập ứng dụng Telegram Pavel Durov.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 25/8 cho biết, quyết định của Pháp về việc bắt giữ nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành (CEO) ứng dụng nhắn tin Telegram Pavel Durov đã đặt ra câu hỏi liệu các tổ chức quốc tế sẽ yêu cầu thả ông hay sẽ "nuốt lời".
Nhà ngoại giao Nga chỉ ra rằng, vào năm 2018, một nhóm gồm 26 tổ chức phi chính phủ, bao gồm Tổ chức Theo dõi nhân quyền, Tổ chức Ân xá quốc tế, Freedom House, Phóng viên Không Biên giới và nhiều tổ chức khác, đã lên án phán quyết chặn ứng dụng Telegram của tòa án Nga.
"Bạn nghĩ lần này họ sẽ gọi điện đến Paris và yêu cầu thả ông Durov hay họ sẽ nuốt lời?", bà Zakharova bình luận trên Telegram.
"Đã có những khiếu nại về mặt lập pháp đối với Telegram vào năm 2018 và nhiều quốc gia đã khiếu nại do các thông số kỹ thuật của hệ thống mã hóa của ứng dụng này", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga giải thích, đồng thời cho biết, CEO Telegram vẫn được tự do và tiếp tục phát triển ứng dụng này trong thời gian đó.
Kênh truyền hình địa phương LCI đưa tin, ông Durov đã bị bắt tại sân bay Paris-Le Bourget vào khoảng 20h ngày 24/8 (giờ địa phương). Ông Durov, 39 tuổi, khởi hành từ Azerbaijan đến Thủ đô Paris của Pháp bằng máy bay riêng. Nhà sáng lập ứng dụng nhắn tin Telegram đi cùng một phụ nữ và vệ sĩ.
Theo LCI, chính quyền Pháp đã ban hành lệnh bắt giữ doanh nhân công nghệ này sau cuộc điều tra sơ bộ. Các nhà chức trách Pháp cho rằng, việc Telegram không kiểm duyệt đầy đủ, các công cụ mã hóa và cáo buộc thiếu hợp tác với cảnh sát có thể khiến ông Durov bị coi là đồng phạm trong các hoạt động buôn bán ma túy, bạo lực mạng, gian lận, tội phạm có tổ chức, kích động khủng bố...
Bà Zakharova xác nhận đại sứ quán Nga "đã ngay lập tức vào cuộc" để làm rõ tình hình liên quan tới vụ bắt giữ nhà sáng lập Telegram, "như cách họ vẫn làm trong một vụ án, khi có thông tin một bên đã bắt giữ một công dân Nga".
"Không cần phải nhắc nhở nhà ngoại giao của chúng tôi về nhiệm vụ của họ", bà Zakharova cho biết thêm.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, Đại sứ quán Nga tại Pháp đã thực hiện các bước cần thiết để làm rõ tình hình xung quanh vụ bắt giữ, mặc dù đại diện của ông Durov chưa liên lạc với cơ quan đại diện ngoại giao Nga ở Pháp.
"Liên quan đến thông tin về vụ bắt giữ ông Durov, đại sứ quán Nga tại Pháp đã ngay lập tức thực hiện các bước cần thiết trong tình huống như vậy, để làm rõ tình hình xung quanh một công dân Nga, mặc dù đại diện của doanh nhân này không nộp đơn khiếu nại", Bộ Ngoại giao Nga cho biết, đồng thời nói thêm rằng, công việc này đã bắt đầu trước khi Phó Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vladislav Davankov liên lạc với Bộ Ngoại giao Nga.
Trước đó, ông Davankov đã liên lạc với Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov với yêu cầu tìm cách trả tự do cho ông Durov.
"Hầu như không ai khác làm được nhiều hơn thế cho sự phát triển của các dịch vụ kỹ thuật số ở Nga và thế giới", ông Danakov bày tỏ sự ủng hộ đối với nhà sáng lập Telegram.
"Chúng ta cần đưa ông ấy ra khỏi đó. Tôi đã hối thúc Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov kháng nghị lên chính quyền Pháp để thả Pavel Durov khỏi nơi giam giữ. Việc bắt giữ ông ấy có thể mang động cơ chính trị và được sử dụng để tiếp cận thông tin cá nhân của người dùng Telegram. Chúng tôi không thể cho phép điều này xảy ra", chính trị gia Nga viết trên Telegram.
Theo quan chức Nga, trong trường hợp Paris từ chối thả ông Durov, "mọi thứ phải được thực hiện để đưa ông ấy đến UAE hoặc Nga, tất nhiên là nếu ông ấy đồng ý".
Ông Danakov bác bỏ các cáo buộc nhằm vào CEO Telegram, nói rằng hoạt động bất hợp pháp có thể được tìm thấy trên tất cả các nền tảng nhắn tin. "Nhưng không ai bắt giữ hoặc bỏ tù chủ sở hữu của họ. Và điều đó không nên xảy ra lần này", quan chức Nga tuyên bố.
Pavel Durov sinh ra tại St. Petersburg, Nga. Năm 2006, ông thành lập nền tảng truyền thông xã hội VK, thường được mô tả là "Facebook của Nga". Năm 2013, ông ra mắt Telegram, hiện có hơn 950 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.
Ông Durov rời Nga vào giữa những năm 2010 và chủ yếu sống ở UAE. Ông trở thành công dân Pháp vào năm 2021. Ông có Quốc tịch Nga, Pháp, UAE, Saint Kitts và Nevis.
Ông Durov dự kiến ra tòa trong ngày 25/8, đối mặt án tù lên đến 20 năm, theo kênh tin tứcTF1.
Telegram được xếp hạng là một trong những nền tảng truyền thông xã hội lớn sau Facebook, YouTube, WhatsApp, Instagram, TikTok và Wechat. Nền tảng này đặt mục tiêu đạt một tỷ người dùng trong năm tới.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào năm 2022, Telegram đã trở thành nền tảng chính để cả Nga và Ukraine đưa tin về chiến sự và tình hình chính trị liên quan tới cuộc xung đột.
Ứng dụng này đã trở thành phương tiện truyền thông được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các quan chức trong chính quyền của ông ưa chuộng. Điện Kremlin và Chính phủ Nga cũng sử dụng ứng dụng này để tuyên truyền thông tin của Nga. Ứng dụng này cũng là một trong số ít nền tảng mà người Nga có thể truy cập tin tức về cuộc chiến tại Ukraine.
Durov, người có tài sản được Forbes ước tính khoảng 15,5 tỷ USD, cho biết một số chính phủ đã tìm cách gây áp lực với ông, nhưng ứng dụng Telegram, hiện có 900 triệu người dùng hoạt động, vẫn là một "nền tảng trung lập" chứ không phải là "một bên tham gia vào địa chính trị".